23/05/2017 16:33 GMT+7

Trung Quốc và Nga bắt tay làm máy bay dân dụng

NAM ĐOÀN
NAM ĐOÀN

TTO - Hai ông lớn kinh tế bắt tay làm máy bay thân rộng để giành miếng bánh trong thị trường đang bị Mỹ và châu Âu chi phối.

Mô hình máy bay được trưng bày trong lễ ký kết liên doanh giữa COMAC và UAC - Ảnh: Reuters
Mô hình máy bay được trưng bày trong lễ ký kết liên doanh giữa COMAC và UAC - Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc và Nga đã hoàn tất việc đăng ký công ty liên doanh chế tạo máy bay thân rộng, nhằm cạnh tranh cùng các hãng hàng không lớn như Boeing và Airbus.

Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) của chính quyền Bắc Kinh và Tập đoàn máy bay liên hiệp (UAC) của Nga đã tổ chức buổi lễ ra mắt tại Thượng Hải vào ngày 22-5.

Liên doanh này khẳng định được thành lập để hướng đến việc sản xuất “máy bay thương mại thân rộng cỡ lớn có tính cạnh tranh”.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi COMAC thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên của C919, mẫu máy bay thân hẹp đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất.

Chủ tịch COMAC, ông Jin Zhuanglong cho biết hai bên đã đi đến quyết định thành lập liên doanh sau chuyến bay thử của C919 đó.

“Chương trình này hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu của thị trường tương lai. Hai đất nước chúng tôi, hai tập đoàn chúng tôi… đã thành lập liên doanh này để thực hiện các nhiệm vụ tổ chức, nghiên cứu, quản lý và phát triển” máy bay thân rộng cỡ lớn, ông Zhuanglong cho biết.

Liên doanh sẽ có trung tâm nghiên cứu đặt tại Matxcơva và dây chuyền sản xuất ở Thượng Hải.

Ông Guo Bozhi, Tổng Giám đốc bộ phận thân rộng của COMAC, khẳng định liên doanh mới sẽ tổ chức đấu thầu để tìm kiếm nhà cung cấp động cơ vào cuối năm nay.

COMAC và UAC lần đầu tuyên bố ý định hợp tác vào năm 2014. Khi đó cả hai phía đã nói về việc thành lập một liên doanh tại Thượng Hải và tiết lộ những thông tin cơ bản về mẫu máy bay sẽ có tầm bay xa 12.000 km với sức chứa 280 hành khách.

Chủ tịch UAC, ông Yuri Slyusar khẳng định cả 2 tập đoàn mong muốn có chuyến bay đầu tiên và giao đơn hàng đầu tiên vào lần lượt các năm 2025 và 2028, và đặt mục tiêu lấy được 10% thị trường đang bị hai mẫu máy bay Boeing 787 và Airbus 350 chiếm lĩnh.

Hiện tại UAC đang phát triển phiên bản máy bay thân rộng Ilyushin IL-96. Ông Ilyusar cho biết hai chương trình có những yêu cầu khác nhau và UAC sẽ tận dụng các kinh nghiệm của mình khi phát triển IL-96 để hỗ trợ nghiên cứu mẫu máy bay mới của Trung Quốc và Nga.

Vào tháng 7-2016, Boeing đã dự đoán ngành hàng không thế giới sẽ cần 9.100 máy bay thân rộng trong 20 năm tới (đến 2035), và sẽ có làn sóng về nhu cầu thay thế máy bay mới trong giai đoạn từ năm 2021-2028.

Xuyên suốt thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào công tác phát triển máy bay quốc nội nhằm nâng cao vị thế nước này trong ngành hàng không quốc tế và thúc đẩy sản xuất công nghệ cao.

NAM ĐOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên