11/03/2024 09:22 GMT+7

Trung Quốc ưu tiên phát triển chất hơn lượng

Hôm nay (11-3), kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc - Ủy ban toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC) và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC - tức Quốc hội) - bế mạc sau một tuần họp ở Bắc Kinh.

Tổng bí thư - Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường vỗ tay sau khi kết thúc một phiên họp ở Đại Lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, vào ngày 10-3 - Ảnh: AFP

Tổng bí thư - Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường vỗ tay sau khi kết thúc một phiên họp ở Đại Lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, vào ngày 10-3 - Ảnh: AFP

Kỳ họp lưỡng hội của NPC và CPPCC cũng mang đến cơ hội cho các nhà quan sát theo dõi những ý tưởng và thực tiễn mới nhất về sự phát triển của Trung Quốc ở nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm dân chủ toàn quá trình, phát triển chất lượng cao, hiện đại hóa của Trung Quốc, cũng như những gì đang thách thức nước này.

Lực lượng sản xuất mới

Năm nay kỳ họp lưỡng hội có nhiều ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên lưỡng hội không còn quy định khẩu trang hoặc các quy tắc giãn cách xã hội sau bốn năm. Chính quyền Trung Quốc muốn chứng minh mọi thứ đã quay trở lại nhịp sống bình thường và họ đã từ bỏ hoàn toàn chính sách Zero-COVID.

Thứ hai, lưỡng hội diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc kỷ niệm 75 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và chỉ còn cách "mục tiêu thế kỷ" Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới đúng 25 năm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế không phải là ưu tiên duy nhất của Tổng bí thư - Chủ tịch Tập Cận Bình năm nay.

Mặc dù vậy báo cáo chính sách ở kỳ họp lưỡng hội đã có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán nước này khi hôm 5-3 đạt mức cao nhất trong ba tháng, sau khi chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức "khoảng 5%" cho năm 2024 và dự kiến tỉ lệ lạm phát sẽ tăng lên khoảng 3%. Ngoài ra, nước này sẽ tăng chi tiêu quốc phòng 7,2% vào năm 2024 so với năm trước đó.

Có một số điểm đáng chú ý ở kỳ họp chỉ dấu cho chương trình nghị sự của Trung Quốc trong thời gian sắp tới. Trong các phiên họp của NPC và CPPCC, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập nhiều lần đến việc thúc đẩy "lực lượng sản xuất chất lượng mới".

Bằng cách sử dụng cụm từ các "lực lượng sản xuất mới", ông Tập nhấn mạnh việc loại bỏ các động cơ tăng trưởng "cũ" của Trung Quốc. Nói cách khác, ông Tập đang chỉ ra rằng đã đến lúc ngừng đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và bất động sản như là động lực của tăng trưởng.

Điều đó cũng đồng nghĩa đầu tư công xây dựng đường cao tốc, đường sắt và giải cứu thị trường bất động sản không còn là ưu tiên của chính quyền Bắc Kinh nữa. Ông Tập đề cập đến các ngành dịch vụ, đặc biệt là tài chính và công nghệ thông tin của "lực lượng sản xuất mới", ám chỉ kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm nâng cấp nền kinh tế bằng các ngành công nghệ nội địa.

"Bộ ba mới"

Ngoài ra cụm từ "bộ ba mới" cũng thường xuyên được đề cập trong các cuộc tranh luận tại NPC. Thuật ngữ "bộ ba" này đề cập đến "tấm pin mặt trời, ô tô điện và pin". 

Cụm từ này được đưa ra trong bối cảnh nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, BYD, vượt Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới năm 2023, cũng như Trung Quốc hiện thống trị thế giới về sản xuất mô đun năng lượng mặt trời khi nước này hiện nắm giữ 80% công suất sản xuất trên thế giới.

Đây cũng là một khái niệm bổ sung cho cụm từ "lực lượng sản xuất mới". Bằng cách thúc đẩy khái niệm "bộ ba mới", chính quyền muốn khắc họa Trung Quốc đang bước vào "thời đại mới" Tập Cận Bình, đối lập với các lĩnh vực "cũ" trong các thời kỳ trước đây vốn là các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, lắp ráp điện tử, các ngành công nghiệp ô nhiễm từng đưa Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới.

"Bộ ba mới" cũng nhằm thể hiện tham vọng của Trung Quốc trong việc hướng tới một nền kinh tế có trách nhiệm với môi trường, nhưng bên cạnh đó Bắc Kinh vẫn không từ bỏ mục tiêu là "công xưởng của thế giới". Chỉ có điều giờ đây Trung Quốc cung cấp cho thế giới các sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó ông Tập đã kêu gọi các nhà khoa học Trung Quốc "tranh đấu giỏi". Cụm từ "tranh đấu" thường được ông Tập sử dụng thường xuyên trong thời gian gần đây tiết lộ nhiều về cách nhìn của lãnh đạo Trung Quốc đối với chính sách phát triển nội lực quốc gia. Họ xem đây như là "cuộc chiến" trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ ngày càng gia tăng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong phiên thảo luận với đại biểu của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP) hôm 7-3, ông Tập đã kêu gọi tích hợp phát triển công nghệ cao với năng lực chiến tranh của PLA để "tăng cường toàn diện khả năng chiến lược ở các lĩnh vực mới", và "cải thiện toàn diện khả năng chiến lược ở các lĩnh vực mới nổi" như việc triển khai trong không gian, phòng thủ an ninh mạng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra ông Tập cũng ra lệnh cho PLA chuẩn bị cho "các cuộc đấu tranh quân sự trên biển" và bảo vệ các quyền hàng hải. Ông nói: "Việc chuẩn bị cho cuộc đấu tranh quân sự trên biển, bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải cũng như phát triển kinh tế biển phải được lồng ghép tích hợp".

Tuy không đề cập đến Mỹ, nhưng việc nhấn mạnh "biển" và "hàng hải" là ưu tiên trong kinh tế, an ninh và quốc phòng Trung Quốc khiến cho khu vực eo biển Đài Loan, khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ là những điểm nóng tiềm tàng trong tương lai.

Có thể nói sau khi nhìn lọc qua các trọng tâm của kỳ họp lưỡng hội lần này, có thể thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh sự phát triển về "chất" thay vì "lượng" trong "thời đại mới" Tập Cận Bình. Tuy nhiên không phải là không có thách thức đối với Trung Quốc.

Sự kiện chính trị quan trọng

Ngoài các năm diễn ra đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, kỳ họp lưỡng hội là sự kiện chính trị quan trọng nhất hằng năm ở Trung Quốc.

Hai kỳ họp NPC và CPPCC với sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu là cơ hội để nhiều người trên thế giới hiểu về Trung Quốc cũng như là một dịp quan trọng để Bắc Kinh thông báo kế hoạch về các chính sách liên quan đến kinh tế, quân sự, thương mại, ngoại giao và môi trường trong năm tới cũng như các năm sau đó.

Trung Quốc và mục tiêu "không dễ dàng"Trung Quốc và mục tiêu 'không dễ dàng'

2024 là năm thứ ba liên tiếp chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng hơn 7%, ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm lại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên