03/09/2021 08:38 GMT+7

Trung Quốc muốn 'làm luật' ở Biển Đông: Không dễ, Mỹ và đồng minh liên kết mạnh

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi 2021 của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của các quốc gia ven biển, mà còn ảnh hưởng tới khoảng 1/3 hàng hóa thế giới đi qua Biển Đông.

Trung Quốc muốn làm luật ở Biển Đông: Không dễ, Mỹ và đồng minh liên kết mạnh - Ảnh 1.

Tàu chiến của các nước thuộc “bộ tứ” là Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc tham gia tập trận Malaba thường niên từ ngày 26 đến 29-8 trên biển Philippines - Ảnh: Livermint

Nhiều cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức đều vận chuyển hàng hóa qua đây. Trung Quốc xây dựng luật này trên tham vọng độc chiếm Biển Đông, áp đặt các quy định vô lý lên vùng biển này, vi phạm quyền được tự do tại các đại dương, nhất là quyền tự do đi lại trên biển, trên không và quyền đi lại vô hại ở Biển Đông.

Tấn công mặt trận pháp lý

Hiện tại, khả năng Trung Quốc có thể thực thi luật này trên các vùng biển tranh chấp, cũng như việc tàu thuyền các nước phải báo cáo với họ khi đi qua các khu vực như Biển Đông không cao. Tuy nhiên, việc Trung Quốc xem thường Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) đặt ra vấn đề liệu các nước cần tôn trọng các hiệp ước đã ký, hay họ có thể "làm luật" riêng để đè lên một trật tự thế giới dựa trên luật lệ?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS".

Trong các năm qua, bằng việc áp dụng chiến thuật "vùng xám", Trung Quốc đã và đang tăng cường năng lực hàng hải, trang bị vũ khí cho các lực lượng bán quân sự như tàu hải cảnh, tàu dân quân biển, tàu ngư chính và các tàu hải dương địa chất để quấy phá hoạt động khai tác tài nguyên của các quốc gia ven Biển Đông. Tuy nhiên, đây không chỉ là mặt trận duy nhất của Trung Quốc.

Năm 2021 là năm Trung Quốc đẩy mạnh mặt trận pháp lý khi tự đưa ra các luật lệ, áp đặt quyền tài phán hàng hải của họ ở Biển Đông.

Tháng 2-2021, Trung Quốc áp dụng luật hải cảnh, cho phép lực lượng hải cảnh nước này được dùng vũ lực với các hành vi họ cho là vi phạm lãnh hải Trung Quốc. Và tới tháng 9-2021 là luật an toàn giao thông hàng hải. Trong khi còn đang đàm phán với các nước Đông Nam Á về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Trung Quốc vẫn đơn phương đưa ra các luật lệ đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Hàm ý của luật mới không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các vùng biển khác mà Trung Quốc tự tuyên bố là lãnh hải của họ. Điều đó dẫn đến sự căng thẳng vốn đã âm ỉ trong khu vực giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và thúc đẩy sự tham gia lớn hơn của cộng đồng quốc tế.

Mỹ phản đối

Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều đã lên tiếng phản đối luật an toàn giao thông hàng hải 2021 của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng John Supple gọi luật này là "mối đe dọa nghiêm trọng" với tự do hàng hải và thương mại. Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ned Price tuyên bố: "Chúng tôi không ngại phản đối và trong nhiều trường hợp đã cùng các đối tác và đồng minh phản đối những yêu sách hàng hải bất hợp pháp, quá đáng của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó".

Các phát biểu này cũng phù hợp với chính sách chung lớn hơn của Mỹ với Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại Singapore vào hạ tuần tháng 8 vừa qua, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho rằng khu vực này cần phải làm nhiều hơn nữa để đối phó với các yêu sách lãnh thổ rộng lớn và hành vi gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.

Một viễn cảnh biểu dương lực lượng giữa hai phe: một bên là Trung Quốc và bên kia gồm Mỹ và các nước đồng minh, đối tác ngày càng rõ nét, thường xuyên hơn. Chỉ trong tháng 8, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo họ có 4 cuộc tập trận ở Biển Đông, bao gồm cả vụ thử tên lửa diệt tàu sân bay như thể một thách thức với hạm đội tàu sân bay của Mỹ.

Mỹ và các quốc gia bạn bè cũng bận rộn không kém. Cuộc tập trận toàn cầu quy mô lớn do hạm đội Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cùng các đồng minh Nhật Bản, Úc và Anh diễn ra gần cả tháng, từ ngày 2 đến 27-8. Tiếp đó, các nước thuộc "bộ tứ" là Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc có cuộc tập trận Malabar thường niên từ ngày 26 đến 29-8 ở ngoài khơi đảo Guam. 

Trước đó vào đầu tháng 8, lần đầu tiên sau 20 năm Đức gửi tàu chiến tới Biển Đông trong chuyến hải trình dự tính kéo dài 6 tháng. Nước Anh cũng tuyên bố triển khai thường trực 2 tàu hải quân tại châu Á vào cuối năm nay.

Sự tăng cường hiện diện của Hoa Kỳ và đồng minh tại Biển Đông gắn với lợi ích hàng hải chung và cam kết hướng đến tự do hàng hải trên biển nhằm đối phó với sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trung Quốc thường chỉ trích các cuộc tập trận như vậy gây mất ổn định cho khu vực. Song chính các hành động gây căng thẳng mới của Trung Quốc đã khiến quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia đồng minh, đối tác ngày càng chặt chẽ hơn, bởi họ hiểu chỉ có hợp tác mới ngăn chặn được tham vọng của Trung Quốc.

Mỹ chỉ trích luật an toàn hàng hải Trung Quốc Mỹ chỉ trích luật an toàn hàng hải Trung Quốc

TTO - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple gọi Luật an toàn giao thông hàng hải 2021 do Trung Quốc đặt ra là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với tự do hàng hải và thương mại. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ sát cánh cùng đối tác và đồng minh.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên