26/11/2017 10:17 GMT+7

Trình đủ giấy tờ, vẫn bị xếp vào diện 'sống lang thang'

HOÀNG LỘC - TUYẾT MAI (hoangloc@tuoitre.com.vn)
HOÀNG LỘC - TUYẾT MAI (hoangloc@tuoitre.com.vn)

TTO - "Tôi như bị đi tù". Ông Nguyễn Hữu L. (30 tuổi, nhân viên một công ty vận tải hành khách ở TP.HCM) nói như vậy về việc “bỗng dưng” bị đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội.

Trình đủ giấy tờ, vẫn bị xếp vào diện sống lang thang - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu L. - Ảnh: H.LỘC

Hiện ông L. đang chuẩn bị thủ tục khiếu nại Công an P.12, Q.5 về việc đưa người vào trung tâm hỗ trợ xã hội trong khi ông có đầy đủ giấy tờ tùy thân, có việc làm và có hộ khẩu thường trú, tạm trú cụ thể, rõ ràng.

Bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội

Theo trình bày của ông L., ông có đăng ký hộ khẩu tại huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), hiện tại có vợ và hai con đăng ký tạm trú ở phường An Bình (TP Biên Hòa, Đồng Nai) từ năm 2012 tới nay.

Cuối tháng 8-2017, ông đi xe buýt từ TP Biên Hòa về Bến Tre. Khi vừa xuống trạm dừng xe buýt thuộc P.12, Q.5 đón tiếp xe khách về quê, ông bị một số người mặc đồng phục công an yêu cầu kiểm tra hành chính. Ông L. xuất trình chứng minh nhân dân (CMND) và thẻ nhân viên công ty, nhưng những người này vẫn đưa ông về phường làm việc.

Tại trụ sở, ông L. bị thu giữ giấy tờ và yêu cầu ký vào biên bản. Do không được đọc nội dung biên bản nên ông L. không chịu ký. "Một cán bộ công an nói không ký cũng không sao. Sau gần hai tiếng rưỡi tạm giữ, tôi bị còng tay, kéo lên xe và đưa về Trung tâm Hỗ trợ xã hội Bình Triệu (Q.Bình Thạnh) theo diện 'sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định'" - ông L. kể.

Ông L. cho biết tại trung tâm này, ông bị tịch thu điện thoại, giấy tờ, tiền và không được liên lạc với người thân. Sau đó ít lâu, ông mới được trung tâm cho phép liên hệ với gia đình. Qua đó, ông nhờ vợ lên bảo lãnh về nhưng trung tâm không đồng ý.

Vợ ông L. phải chạy đến Công an P. An Bình - nơi ông đăng ký tạm trú - xin xác nhận của địa phương. Nhận được các xác nhận, trung tâm mới chấp nhận cho ông L. về. "Tôi vô cùng bức xúc trước cách làm việc nóng vội của công an. Suốt 29 ngày ở trung tâm, tôi như bị đi tù, danh dự tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng" - ông L. bức xúc nói.

Liên quan tới vụ việc, lãnh đạo Công an P.12, Q.5 nói ông Nguyễn Hữu L. bị bắt 3 lần trong năm 2017 về hành vi hoạt động mại dâm nam. Mọi quy trình thủ tục về trường hợp này đều được công an phường làm hồ sơ lưu. Còn việc ông L. bị bắt ngày 24-8 là do Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở Lao động - thương binh & xã hội) thực hiện rồi đưa về công an phường làm việc. Do ông L. không xuất trình được giấy tờ nên mới đưa đi theo diện sống lang thang, không nơi cư trú ổn định.

Tiếp nhận thông tin này, ông L. vô cùng bức xúc cho biết những gì ông trình bày là đúng sự thật và cho rằng ông không hề hoạt động mại dâm nam. "Có một lần tôi bị công an phường đưa tôi về trụ sở làm việc khi đang ngồi uống cà phê tại đường Hùng Vương. Trước công an, tôi nói tôi không hoạt động mại dâm nam liền bị một công an nắm đầu bạt tai, ép ghi biên bản thừa nhận là người đồng tính đang chèo kéo bạn tình. Sau khi viết biên bản, ký nhận, tôi bị giữ CMND, thả về. Hôm sau, tôi phải lên chuộc CMND" - ông L. bức xúc. Ông L. còn nói ông sẵn sàng đối chất để làm sáng tỏ vụ việc.

Đề cập những phản ảnh của ông L., lãnh đạo Công an P.12 khẳng định: "Khi bị chúng tôi đưa về, ông L. đều thừa nhận đi khách sạn nào, giá tiền bao nhiêu. Hồ sơ đều thể hiện ông này được đọc và ký rõ ràng. Còn việc ổng nói bị đánh và ép ký nhận thì không có cơ sở nào để xác định. Bây giờ tôi không trả lời được hôm đó ông L. có bị đánh hay không".

Có dấu hiệu làm trái pháp luật

Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết muốn đưa người vào trung tâm bảo trợ xã hội, cơ quan chức năng phải chứng minh được người đó có các hành vi sau đây: sinh hoạt thường ngày tại nơi công cộng; không xác định được nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có nhưng không sinh sống; thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định.

Trong trường hợp của ông L., nếu đúng như ông nói thì Công an P.12 có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của pháp luật về việc thực hiện thủ tục đưa người vào trung tâm bảo trợ xã hội.

Để giảm bớt tình trạng gom người trái luật, cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát những khu vực, địa bàn có đối tượng vô gia cư thường xuyên hoạt động. Đồng thời thực hiện đúng thủ tục đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội sẽ tránh được vấn nạn làm việc kiểu 'vơ đũa cả nắm', khiến nhiều người bị oan ức"

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

Đồng quan điểm, luật sư Vũ Quang Đức - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng ngay cả trong trường hợp ông L. không xuất trình được CMND, công an phường phải yêu cầu ông L. cung cấp địa chỉ người thân hoặc địa chỉ nơi khai báo cư trú để xác minh. Nếu thấy ông L. không cư trú tại địa phương mới lập thủ tục đưa vào diện không có nơi cư trú... Còn như có nơi cư trú cụ thể, công an phường chỉ có thể phạt hành chính hành vi không đem theo CMND khi ra đường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Quý (Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM) cho biết việc đưa người vào trung tâm hỗ trợ xã hội thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã hoặc phường, chi cục chỉ thực hiện giám sát quản lý nhà nước chứ không trực tiếp tham gia. Công an phường là lực lượng tham mưu cho UBND phường nên phải chịu trách nhiệm chính. Nếu ông L. bị oan có thể làm đơn khiếu nại trực tiếp đến công an hay UBND phường.

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội trái luật. Nhưng do thiếu hiểu biết và ngại va chạm, nên chỉ một số trường hợp được đưa ra công luận.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bắt người trái luật, luật sư Trạch phân tích: do người thi hành công vụ không nghiêm túc thực hiện đúng quy định như không xác minh, không lắng nghe trình bày, không tạo điều kiện... để đối tượng liên lạc với người thân. "Không loại trừ nguyên nhân có thể xuất phát từ những tiêu cực trong đội ngũ cán bộ" - luật sư Trạch đánh giá.

Xin lỗi người bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội

Cuối tháng 9-2017, ông Võ Văn Tiến - bí thư Đảng ủy P.Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) - yêu cầu các bộ phận liên quan xin lỗi công khai cá nhân và gia đình hai cô gái Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê Tiền Giang) và Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai). Đây là những người bị công an phường bắt đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội.

Chiều 18-9, Công an P.Tam Bình nghi ngờ tại quán cà phê gần chợ đầu mối nông sản Thủ Đức có tổ chức chơi cờ bạc online nên kiểm tra hành chính. Tại đây, công an phường phát hiện Nhung và Kiều không có giấy tờ tùy thân nên đưa về trụ sở. Hai cô gái từ chối cung cấp địa chỉ cụ thể. Ngay sau đó, công an phường đề xuất UBND phường ra quyết định đưa cả hai vào trung tâm bảo trợ xã hội.

Sau vụ việc, gia đình hai cô gái này tố cáo hành vi của Công an P.Tam Bình. Lãnh đạo công an phường thừa nhận hơi... nóng vội. Ông Lê Nguyễn Trọng Quốc - chủ tịch UBND phường, người ký quyết định đưa hai cô gái vào trung tâm bảo trợ xã hội - cũng nhận sai sót khi tin tưởng vào đề xuất của cán bộ cấp dưới, thiếu hậu kiểm.

HOÀNG LỘC - TUYẾT MAI (hoangloc@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên