12/09/2023 16:50 GMT+7

Trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm hơn sau COVID-19, tại sao?

Thời gian gần đây, trẻ thường mắc các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, đau mắt đỏ, thủy đậu,…nhiều trường hợp nhập viện, diễn biến nặng. Đặc biệt, nhiều bệnh xảy ra vào một số mùa nhất định, nay có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào.

Trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm kèm theo triệu chứng, diễn biến nặng - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm kèm theo triệu chứng, diễn biến nặng - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Bệnh truyền nhiễm gia tăng

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, một tháng nay tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nhập viện, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có nhiều trường hợp tái mắc bệnh.

Đối với bệnh viêm kết mạc cấp, hay còn gọi là đau mắt đỏ cũng đang có nhiều ca mắc. Trong 3 tuần của tháng 8, Bệnh viện Mắt trung ương đã tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ, gấp gần 2 lần so với tháng 6. Tại Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận gần 50 ca đau mắt đỏ, trong đó có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng.

Ngoài sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong những tuần gần đây số ca mắc tay chân miệng, thủy đậu cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy (trưởng bộ môn nhi, trưởng khoa nhi, Đại học Y Hà Nội), thời gian gần đây nhiều dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra. Đặc biệt, sau 2 năm đại dịch COVID-19, mô hình bệnh tật thay đổi nhiều, nhiều bệnh xảy ra vào một số mùa nhất định, nay có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào, liên tục có các dịch về hô hấp, tiêu hóa, sốt xuất huyết, tiêu chảy,...

"Bệnh hô hấp thường xảy ra khi thay đổi thời tiết thì hiện nay giữa mùa hè nắng nhiều nhưng trẻ vẫn bị bệnh hô hấp. Bệnh viêm phổi do Mycoplasma là bệnh rất hiếm gặp nhưng hiện nay lại đang có nhiều trẻ mắc", PGS Thúy dẫn chứng.

Tại sao trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm?

PGS Thúy đánh giá trong gần 2 năm trở lại đây, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh nhiễm trùng tăng nhiều hơn, ghi nhận nhiều ca bệnh tăng nặng, thời gian xuất hiện bệnh không tuân theo quy luật thông thường, thời gian mắc bệnh kéo dài hơn.

"Đây là hậu quả của tình trạng nợ miễn dịch. Hiện tượng xảy ra do trẻ không được tiếp xúc với vi khuẩn và vi rút một cách thường xuyên trong thời gian dài.

Bình thường, khi trẻ tiếp xúc các loại vi khuẩn, vi rút cũng chính là cơ hội để hệ miễn dịch của trẻ tăng cường hoạt động, sinh ra các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh", PGS Thúy nhận định.

Ngoài ra, theo PGS Thúy, việc đáp ứng miễn dịch của trẻ sau khi mắc COVID-19 bị ảnh hưởng dù có triệu chứng hay không có triệu chứng. Mắc COVID-19 gây giảm số lượng hoặc chức năng tế bào trình diện kháng nguyên. Thậm chí còn gây tăng các cytokine kháng viêm, làm tăng các phản ứng viêm quá mức, đặc biệt tại đường hô hấp, cản trở hấp thụ oxy khiến oxy trong máu giảm thấp.

Suy giảm miễn dịch do COVID-19 còn gây khó khăn trong đào thải vi rút và chống nhiễm trùng thứ phát. Khi xảy ra nhiễm trùng thứ phát sau mắc COVID-19, trẻ còn có nguy cơ bị nặng hơn khoảng 5-15%.

"Ở người lớn hệ miễn dịch đã ổn định. Trong khi trẻ em thì khác, trẻ em cần cho phát triển. Vì vậy các chuyên gia mới có khái niệm nhân đôi đề kháng, nhân đôi miễn dịch nhằm giúp miễn dịch đang thiếu trở về bình thường, ổn định", PGS Thúy nhận định.

Làm sao để cải thiện miễn dịch cho trẻ?

PGS Thúy phân tích nhân đôi đề kháng có thể hiểu giống như khi bị ốm, đầu tiên chúng ta bị sụt cân, sau đó chúng ta ăn giả bữa để bù lại lượng cân đã sụt giảm và miễn dịch cũng thế.

Cha mẹ cần bù đắp kịp thời khoảng trống miễn dịch được hình thành sau những khoảng thời gian trẻ ít tiếp xúc nơi đông người một cách thường xuyên và khoảng trống miễn dịch do hệ miễn dịch bản thân của trẻ chưa được hoàn thiện.

"Để nhân đôi đề kháng, chúng ta cần phối hợp rất nhiều yếu tố bên ngoài, bên trong. Yếu tố bên ngoài là môi trường trong lành, sạch sẽ, không có khói thuốc lá.

Yếu tố bên trong là việc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Trẻ dưới 6 tháng bú sữa mẹ hoàn toàn để nhận được đề kháng từ mẹ. Trẻ trên 6 tháng nên đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ 4 nhóm chất đạm, đường, chất béo, chất xơ và các vitamin, vi chất như sắt, kẽm. Bởi sắt, kẽm vừa là thành phần, vừa là xúc tác tăng cường sản xuất ra các yếu tố miễn dịch", PGS Thúy khuyến cáo.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 250 trẻ chào đời trong tâm dịch COVID-19Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 250 trẻ chào đời trong tâm dịch COVID-19

Bệnh viện Hùng Vương sẽ khám miễn phí hoàn toàn cho 259 trẻ em chào đời trong tâm dịch COVID-19. Với những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trẻ mồ côi, bệnh viện sẽ có kế hoạch hỗ trợ cho các bé.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên