Châu Âu muốn các hãng công nghệ như Facebook, Google, Twitter phải trả tiền bản quyền nội dung cung cấp cho người dùng - Ảnh: H. ĐÔNG
Ngày 12-9, Nghị viện châu Âu đã thông qua luật bản quyền cải cách với những điều khoản mới thích ứng với thời công nghệ số được giới công nghệ đánh giá làm thay đổi cách nghĩ, sử dụng Internet không chỉ với người dùng tại Liên minh châu Âu (EU).
Đáng chú ý, luật này có điều khoản yêu cầu các hãng công nghệ như Facebook, Google, Twitter phải trả tiền bản quyền cho nội dung tin tức, giải trí cho các hãng truyền thông, giải trí khi sử dụng trên nền tảng của họ.
Nhiều ý kiến trái chiều
Luật bản quyền cải cách trong thời đại số của EU (tên chính thức là "Copyright directive": Chỉ thị bản quyền) có 2 điều khoản gây tranh cãi rất nhiều song rốt cuộc đã được thông qua.
Cụ thể, đó là điều 11, yêu cầu các hãng công nghệ như Facebook, Google, Twitter phải trả tiền bản quyền cho nội dung tin tức, giải trí cho các hãng truyền thông, giải trí khi sử dụng trên nền tảng của họ. Điều khoản này được gọi tắt là "link tax", hay "thuế dẫn lại nội dung".
Và điều 13, buộc các hãng công nghệ phải có biện pháp kiểu như phần mềm tự động để sàng lọc, kiểm soát nội dung và ngăn ngừa tình trạng vi phạm tác quyền trước khi phát tán trên nền tảng.
Cái này còn được gọi là giải pháp "upload filters" (những bộ lọc tải nội dung lên mạng). Phải nói thêm, công nghệ sàng lọc này rất tốn kém và phức tạp.
Mặc dù được các nhà sản xuất nội dung, nhất là giới truyền thông và cộng đồng hoạt động nghệ thuật (nhạc sĩ, nhà văn, ca sĩ...), đặc biệt hoan nghênh, song phía chỉ trích, trong đó tiên phong là các ông lớn công nghệ như Google, Facebook và Apple, cho rằng luật mới gây cản trở dòng chảy tự do của thông tin, biến các hãng công nghệ thành lực lượng kiểm duyệt nội dung trên mạng và dẫn tới tình trạng kém linh hoạt của mạng Internet.
Ông Axel Voss, chính trị gia người Đức, thành viên Nghị viện châu Âu (MEP), người lĩnh xướng các nội dung trong điều khoản 11 và 13, cho rằng: "Đây là một tín hiệu tốt lành cho các ngành công nghiệp sáng tạo tại châu Âu".
Trái lại, những người phản đối cảnh báo những thay đổi trong luật này một mặt sẽ giúp các nhà sáng tạo nội dung hưởng lợi tài chính từ mạng Internet mở, nhưng cũng sẽ dẫn tới một tương lai "đóng" của mạng Internet.
Mặc dù gần như tất cả mọi người, cả phía ủng hộ lẫn phản đối, đều thừa nhận việc có những thay đổi trong luật bản quyền cải cách để người sáng tạo nội dung có thêm thu nhập là cần thiết, song lại không đồng tình với giải pháp "link tax" và "upload filters".
Ngay nội bộ nghị viện EU cũng có những ý kiến trái chiều. Nghị sĩ Hà Lan, bà Marietje Schaake, nói bà thất vọng với kết quả bỏ phiếu.
Tương tự, một số người khác cũng bày tỏ lo ngại và cho rằng luật này không chỉ ảnh hưởng tới các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp, mà còn cả những người dùng bình thường trên các nền tảng Internet, trong đó có những người đóng góp hình ảnh, văn bản hay mã máy tính cho các nền tảng hợp tác mở như Wikipedia và GitHub.
Còn một lần bỏ phiếu nữa
Mặc dù đã được thông qua ngày 12-9, song đây mới chỉ là cấp phê chuẩn tại Nghị viện châu Âu. Theo Hãng tin Quartz (Mỹ), giờ sẽ tới bước từng quốc gia thành viên EU bỏ phiếu với luật này trước khi nó quay trở lại Nghị viện châu Âu để bỏ phiếu "chốt" dự kiến vào tháng 1-2019.
Trang The Verge dẫn quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng khả năng rất lớn nó sẽ được thông qua. Nếu được phê chuẩn, khi đó mỗi quốc gia thành viên EU sẽ triển khai cụ thể luật bản quyền theo cách "diễn dịch" luật này của từng nước.
Như vậy có thể hiểu, sẽ còn một chặng đường tương đối dài nữa trước khi các nội dung tải lên mạng bị sàng lọc, kiểm soát và các bảng cấp tin trên nhiều nền tảng sẽ phải trả phí cho nơi sản xuất nội dung ban đầu.
Có thể thấy, nếu luật bản quyền cải cách EU được phê chuẩn, nó sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn trên toàn mạng Internet cả ở EU lẫn toàn thế giới.
Việc thực hiện luật có thể sẽ có những khác biệt tại từng quốc gia thành viên EU, song chắc chắn sẽ có sự thay đổi thế cân bằng quyền lực từ luật này: các hãng công nghệ lớn nhất trên mạng hiện nay sẽ mất quyền kiểm soát Internet như họ đã nắm giữ lâu nay.
Các hãng công nghệ xử lý ra sao?
Theo trang Business Insider, từ tháng 1 đến tháng 6-2017, Facebook nhận được khoảng 377.400 ý kiến khiếu nại về các vi phạm xảy ra trên nền tảng mạng xã hội của họ, trong đó 60% liên quan tới vi phạm bản quyền.
Trong báo cáo minh bạch cuối năm ngoái, Facebook thông báo loại bỏ 3 triệu nội dung đăng tải, trong đó có các video và quảng cáo vi phạm bản quyền trong nửa đầu năm 2017.
Facebook cũng đã cung cấp các công cụ theo dõi giúp cảnh báo về các trường hợp nghi ngờ vi phạm xảy ra trên nền tảng của họ.
Theo đó, chủ nhân thực sự có thể gửi yêu cầu tới Facebook để gỡ bỏ các nội dung sao chép bất hợp pháp.
Google cũng thường xuyên nhận được các yêu cầu gỡ bỏ nội dung khỏi các kết quả tìm kiếm do vi phạm bản quyền.
Báo cáo minh bạch của Google cho biết đã nhận hơn 3,7 tỉ yêu cầu gỡ bỏ, trong đó có 150.976 yêu cầu của những người sở hữu bản quyền nội dung bị vi phạm.
Tháng 2 năm nay, sau những khiếu nại của Công ty Getty (chuyên cung cấp hình ảnh số), Google đã có thay đổi nhỏ song khá quan trọng trong việc ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền hình ảnh.
Công ty này đã bỏ nút "View image" trong phần kết quả tìm kiếm hình ảnh, khiến người dùng gặp khó khăn hơn trong việc lưu hình ảnh trực tiếp với độ phân giải lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận