Thi công tại điểm đầu dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) - Ảnh: M.TRƯỜNG
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công năm 2009 với kỳ vọng rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đến các tỉnh ĐBSCL, thúc đẩy phát triển khu vực Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, đến năm 2012 dự án tạm dừng do thiếu vốn. Khởi công lại năm 2015, đặt mục tiêu hoàn thành năm 2020 nhưng hiện dự án vẫn gặp trắc trở.
Khối lượng công việc đạt 15%
Ngày 22-10, tại điểm đầu của tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang), tiếp giáp với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện hữu, một vài tốp công nhân đang thi công trên công trường. So với 3 tháng trước, đến nay dự án vẫn chưa có nhiều thay đổi. Nền đường vẫn đang được bơm cát, lu lèn...
Ông Nguyễn Văn Tài, 53 tuổi - một người dân địa phương - cho biết sau Tết Nguyên đán 2018, công trình thi công rầm rộ được khoảng vài tháng, sau đó công nhân thưa thớt dần. Đến nay, dù vẫn thi công hằng ngày nhưng số lượng công nhân trên công trường giảm hẳn.
Tại các hạng mục khác của dự án như giao lộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với tỉnh lộ 878 (huyện Châu Thành); cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giao với tỉnh lộ 867 (huyện Tân Phước)... việc thi công vẫn diễn ra bình thường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Anh Dũng, giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (đơn vị quản lý dự án), cho biết: "Hiện nhà đầu tư đang huy động vốn để triển khai ngoài 1.542 tỉ vốn chủ sở hữu... Khối lượng thi công đến thời điểm này đạt khoảng 15%".
Bất ổn khoản vay hơn 8.000 tỉ đồng
Cuối năm 2016, liên danh nhà đầu tư gồm các công ty Tuấn Lộc - Yên Khánh - B.M.T - Thắng Lợi - Hoàng An - CII đã ký với Bộ GTVT hợp đồng BOT số 14, cam kết xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1km. Nhà đầu tư BOT này được Bộ GTVT chỉ định thực hiện dự án, với tổng mức đầu tư 9.668 tỉ đồng.
Sau đó liên danh nhà đầu tư trên đã lập ra Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để thực hiện dự án. Trên thực tế, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ huy động khoảng 1.500 tỉ đồng vốn chủ sở hữu, còn lại hơn 8.100 tỉ đồng đi vay.
Mọi khúc mắc đều phát sinh từ đây. Trong khi lãi vay được ghi trong hợp đồng BOT là 9,17%/năm, thực tế Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận phải vay vốn trung và dài hạn từ nhiều ngân hàng thương mại với lãi vay trung bình 10,83%/năm. Điều này đã đẩy dự án rơi vào đình trệ trong thời gian qua. Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thi công cầm chừng để xin điều chỉnh lãi vay cam kết trong hợp đồng.
Theo tính toán của Bộ GTVT, giả dụ lãi vay dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận không thay đổi trong suốt vòng đời dự án thì tổng lãi vay sẽ tăng 3.082 tỉ đồng so với lãi vay trong phương án tài chính. Cũng phải nói thêm rằng từ tháng 10-2014 đến nay, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã được Nhà nước hỗ trợ đầu tư thêm quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Hủy hợp đồng BOT quá phức tạp?
Báo cáo của Bộ Tài chính đã đề cập các giải pháp gỡ vướng cho dự án theo hai phương án. Thứ nhất, Bộ GTVT và Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có trách nhiệm thực hiện theo hợp đồng BOT đã ký. Nếu hai bên không tiếp tục thực hiện được sẽ thực hiện chấm dứt hợp đồng. Nhưng chính Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc chấm dứt hợp đồng BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận quá phức tạp, thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài, do phải thực hiện lại các khâu lựa chọn nhà đầu tư, giải quyết các phát sinh đối với nhà đầu tư cũ...
Phương án 2 là tiếp tục để Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thực hiện dự án, cho phép Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT đàm phán, cập nhật lại quy định lãi vay trong hợp đồng BOT. Việc sửa hợp đồng BOT theo Bộ Tài chính sẽ bảo đảm tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành vào năm 2020, nhưng lại chưa có quy định pháp luật. Bộ GTVT khẳng định việc chấm dứt hợp đồng BOT do lỗi nhà đầu tư không thực hiện đúng các cam kết hợp đồng nên nhà đầu tư sẽ bị thu hồi toàn bộ số tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng 162 tỉ, và chỉ được Nhà nước bồi hoàn tối đa không quá 80% khối lượng công việc.
Còn trong trường hợp gỡ vướng cho dự án, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh dự án và sửa đổi hợp đồng BOT theo hướng tính lãi vay trong hợp đồng dựa trên lãi vay trung bình của ba ngân hàng thương mại trong nước, đồng thời Chính phủ đồng ý chuyển tiếp quyền thu phí 8 năm 2 tháng cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giải quyết sẽ không đơn giản, phải dựa trên lợi ích toàn cục. Bởi chấp nhận cho nhà đầu tư làm tiếp, cho họ tăng chi phí, có nghĩa sẽ tăng trách nhiệm trả phí của người dân.
TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright):
Không thể đẩy hết rủi ro cho Nhà nước
Cơ chế đầu tư, trong đó có dự án BOT hiện nay, có khi rất bất lợi cho phía Nhà nước. Nhà đầu tư luôn chọn phương án chắc ăn bảo đảm mức sinh lợi của họ. Về nguyên tắc khi hai bên ký hợp đồng BOT thì đã tính đến các rủi ro rồi, giả sử nếu lãi suất ngân hàng xuống thấp hơn nhà đầu tư có đề xuất điều chỉnh không, hay chỉ khi lãi suất lên họ mới muốn điều chỉnh để bảo đảm lợi nhuận. Vậy đâu còn nguyên tắc chia sẻ rủi ro nữa, và cứ có rủi ro Nhà nước chịu tất, còn nhà đầu tư luôn bảo đảm lợi nhuận tối thiểu của họ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận