Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang về Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận - Ảnh: Thanh Tú
Theo đánh giá của thứ trưởng Nguyễn Nhật, Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dù chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng tiền giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Tiền Giang đã làm tốt công tác vận động người dân di dời, giải tỏa để nhường mặt bằng thi công.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho biết đã hoàn tất phương án trình Chính phủ về Trạm thu phí BOT Cai Lậy
Ngày 12-4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật có buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang về việc thúc đẩy tiến độ thi công đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo đó, cuối tháng 5-2018, các ngân hàng đã cam kết cho vay sẽ giải ngân để chủ đầu tư triển khai nhanh dự án.
Theo Sở GTVT Tiền Giang, đến nay , tiến độ giải phóng mặt bằng được 49,3/51,1km (chiếm 96%). Số tiền đền bù giải tỏa đã giải ngân được 1.266,88 tỉ/ 1.303,25 tỉ theo phê duyệt.Số diện tích còn lại không đáng kể ( khoảng 388 tỉ)sẽ sớm được thực hiện trong nay mai.
Tuy nhiên, theo báo cáo của ông Phan anh Dũng, giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương- Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án cho biết đến nay 13/13 gói thầu đã triển khai thi công nhưng mới chỉ triển khai khoảng 250 tỉ đồng. Nguyên nhân là do chưa vay được tiền để thi công.
Ông Vũ Tuấn Anh, phó vụ trưởng Vụ đối tác công tư thì cho rằng Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 9.600 tỉ đồng. Trong đó nhà đầu tư đã ứng gần 1.500 tỉ để giải phóng mặt bằng. Còn lại 8.100 tỉ thì phải vay 7.100 tỉ, số còn lại huy động bằng các nguồn khác nhau.
Theo dự kiến, 31-5 sẽ hoàn tất các thủ tục vay vốn để các nhân hàng đã cam kết giải ngân 7.100 tỉ đồng. Khi đó chắc chắn tiến độ thi công sẽ được đẩy nhanh.
" Phải đến 2020 thì dự án mới hoàn thành chứ không thể xong trong 2019 như thông báo trước đó" - Ông Vũ Tuấn Anh nói.
Ông Phạm Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác giải tỏa mặt bằng. Về cơ bản người dân đồng tình, chấp hành tốt chủ trương chung nên phần này coi như xong.
Tuy nhiên, Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận chậm tiến độ phần nào ảnh hưởng đến đời sống của những hộ dân xung quanh. Một số công trình của tỉnh kết nối với tuyến cao tốc này cũng bị chậm trễ theo và tỉnh cũng rất khó giải thích với cử tri về những vấn đề này. Còn về vấn đề cát san lấp mặt bằng, tỉnh đảm bảo sẽ chỉ đạo sớm các đơn vị có liên quan cung ứng đầy đủ cho đơn vị thi công.
Chia sẻ vấn đề này với tỉnh, thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng Tây Nam bộ chỉ có một trục duy nhất là tuyến cao tốc này. Tiến độ thi công như hiện nay đúng là có chậm. Thứ trưởng đề nghị chủ đầu tư phải sớm thống nhất với các địa phương lần cuối đối với các đường dân sinh, đường gom, cầu, cống...tránh để sau khi dự án hoàn thành, người dân lại phá rào, mở đường.
" Tôi yêu cầu chủ đầu tư phải có kế hoạch thi công rõ ràng, UBND tỉnh Tiền Giang cần thành lập tổ giám sát để giám sát tiến độ. Phải làm sao dự án này được triển khai như đại công trường, chứ ì ạch như thế này thì không được" - Ông Nhật chỉ đạo
Cũng trong buổi làm việc này, thứ trưởng Nguyễn Nhật đã thông tin với tỉnh là Bộ GTVT đã hoàn tất phương án trình Chính phủ về việc thu phí tại Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, thời gian cụ thể khi nào triển khai thì chưa khẳng định vì phải chờ ý kiến cuối cùng của Chính phủ.
Theo thứ trưởng Nguyễn Nhật, cả nước có 88 trạm thu phí BOT, trong đó có 8 trạm làm ở tuyến tránh nhưng đặt trạm thu phí trên QLI, Trạm thu phí Cai Lậy nằm trong số đó. Bộ GTVT đã hoàn tất báo cáo lần thứ 3 về Trạm thi phí BOT Cai Lậy và sẽ sớm trình Chính phủ trong nay mai
Trạm thu phí BOT Cai Lậy bị người dân phản ứng nhiều - Ảnh: Thanh Tú
Theo đó, lần này Bộ GTVT đề xuất 5 phương án thu phí vụ tại Trạm BOT Cai Lậy.
Phương án 1 là giữ nguyên vị trí thu phí trên QLI rồi giảm giá ở mức thấp nhất là 15.000đ/ phương tiện ô tô thay cho mức 25.000đ gần đây nhất (Các loại xe khác sẽ có mức điều chỉnh giảm tương ứng), đồng thời mở rộng phạm vi miễn giảm cho các hộ dân có phương tiện không kinh doanh lẫn kinh doanh( 50%) ở vùng lân cận thuộc hai huyện Cai Lậy và Cái Bè;
Phương án 2, lập thêm trạm thu phí trên tuyến tránh, thu phí cả hai trạm với mức 25.000đ ở tuyến tránh và 15.000 đồng trên QL I. Thời gian thu giá là 10 năm.Phương án này phải tốn thêm khoảng 90 tỉ đồng cho việc giải phóng mặt bằng và xây dựng trạm mới;
Phương án 3, Giữ nguyên vị trí trên QLI và thu mức giá 25.000đ và thời gian thu phí là 7 năm;
Phương án 4, Chỉ đặt trạm thu phí trên tuyến tránh, nhà nước bù 1.250 tỉ đồng; Phương án 5, đàm phán với nhà đầu tư mua lại toàn bộ dự án tức là xóa sổ trạm thu phí BOT này.
Cũng theo thứ trưởng Nguyễn Nhật, trong 5 phương án vừa nêu, Bộ GTVT thiên về phương án 1, các phương án khác có những bất lợi riêng nhưng tùy vào quyết định cuối cùng của Chính phủ Bộ sẽ thực hiện khi có thông báo chính thức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận