12/01/2024 17:45 GMT+7

TP.HCM tìm cách thúc đẩy trẻ mầm non làm quen tiếng Anh hiệu quả

TP.HCM yêu cầu nhân rộng mô hình hiệu quả cho trẻ làm quen tiếng Anh và tính đến phương pháp đánh giá để nâng cao hiệu quả của chương trình ở bậc mầm non.

Học sinh mầm non hứng thú với phương pháp khảo sát đánh giá việc làm quen với tiếng Anh của EMG - Ảnh: EMG

Học sinh mầm non hứng thú với phương pháp khảo sát đánh giá việc làm quen với tiếng Anh của EMG - Ảnh: EMG

Ngày 12-1, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Đánh giá kết quả tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh theo thông tư 50/2020/TT-BGDDT của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đánh giá lại việc thực hiện thông tư 50 của các trường mầm non cũng như thúc đẩy chất lượng và số lượng trẻ mầm non tham gia vào chương trình Làm quen tiếng Anh.

Mới chỉ 57% trẻ mầm non được làm quen tiếng Anh

Báo cáo tại hội thảo, bà Lương Thị Hồng Điệp – Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho biết năm học 2023-2024, TP.HCM có 449/474 trường mầm non công lập cho trẻ làm quen tiếng Anh, đạt tỉ lệ tỷ lệ 94,72%. Số trường ngoài công lập cho trẻ làm quen tiếng Anh là 401/787 trường, tỷ lệ 50,9%. Tỷ lệ này ở các lớp mẫu giáo độc lập tư thục ít hơn nhiều, chỉ có 20,7%.

Nếu tình số trẻ thì tổng số trẻ mầm non ở TP.HCM được tham gia các chương trình làm quen tiếng Anh là 156.878/ 273.438, đạt 57,3%.

Cũng theo bà Điệp sau 3 năm thực hiện cho trẻ làm quen tiếng Anh theo thông tư 50, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp trẻ sớm được làm quen với ngôn ngữ thứ 2. Thông qua việc học tiếng Anh, trẻ đã mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp... 

Bên cạnh đó, trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh với nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, khả năng của trẻ theo phương châm "chơi mà học, học bằng chơi".

Trẻ mầm non trong một hoạt động làm quen tiếng Anh tại TP.HCM - Ảnh: MỸ DUNG

Trẻ mầm non trong một hoạt động làm quen tiếng Anh tại TP.HCM - Ảnh: MỸ DUNG

Tuy vậy, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non vẫn còn tồn tại không ít khó khăn và nhiều hạn chế.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, những khó khăn lớn như: trẻ tham gia làm quen tiếng Anh tại các cơ sở nhóm lớp độc lập thấp, do cơ sở vật chất chưa đảm bảo điều kiện tổ chức; trẻ ở các huyện ngoại thành trong diện hộ cận nghèo không có cơ hội tiếp cận ngoại ngữ do không thu được phí tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh; số trẻ tham gia trong một giờ hoạt động làm quen tiếng Anh ở một số cơ sở còn đông, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy…

Còn hạn chế trong làm quen với tiếng Anh như bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - nhìn nhận là mong chất lượng giảng dạy sẽ ngày càng đồng đều ở các trường, các cơ sở giáo dục mầm non, để trẻ mầm non TP.HCM thực sự làm quen hiệu quả ngôn ngữ thứ 2 ở độ tuổi mà một số nghiên cứu cho là "độ tuổi vàng". Chính vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho rằng TP.HCM cần cải thiện cả số lượng và chất lượng cho trẻ làm quen tiếng Anh.

Đề xuất có thang đo cho trẻ trong làm quen tiếng Anh

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, giáo viên, nhà quản lý giáo dục, trung tâm ngoại ngữ… đã góp ý về cách để tăng hiệu quả của việc làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non trong các trường.

Ông Nguyễn Bá Lĩnh - chuyên viên Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi, TP.HCM - cho biết, tại huyện Củ Chi số lượng trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh chưa cao do một bộ phận phụ huynh chưa hiểu đúng về khái niệm cho trẻ làm quen tiếng Anh theo thông tư 55. 

"Các bậc phụ huynh thường nghĩ tiếng Anh là một ngôn ngữ phố biến và vô cùng quan trọng nhưng dù vậy cũng không nhất thiết phải nhồi nhét ngoại ngữ cho con ngay từ khi còn nhỏ". 

Với điều này, đề xuất của Phòng Giáo dục và Đào tạo Củ Chi là đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh, giúp phụ huynh hiểu đúng về từ "làm quen Tiếng Anh". Đồng thời khuyến khích phụ huynh cho trẻ tham gia lớp làm quen tiếng Anh…

Bên cạnh đó, đại diện huyện Củ Chi cũng đưa ra nhiều giải pháp song song đồng bộ như đẩy mạnh hợp tác với các dơn vị cung cấp giáo viên Việt Nam, nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiêng Anh; bồi dưỡng cho giáo viên để đạt chuẩn, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác cho trẻ làm quen tiếng Anh, xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, linh động đối với các lớp học ngoại khóa…

Ông James Moran - Giám đốc học vụ EMG Education - Ảnh: EMG

Ông James Moran - Giám đốc học vụ EMG Education - Ảnh: EMG

Trình bày tại hội thảo, ông James Moran - Giám đốc học vụ EMG Education - cho biết trên thế giới, học tiếng Anh ở mỗi độ tuổi sẽ có một thang đánh giá thích hợp. Thang đo chuẩn tiếng Anh toàn cầu GSE là bộ thước đo quy chuẩn các mục tiêu học tập cho từng độ tuổi và trình độ được thiết kế bởi tổ chức giáo dục hàng đầu thế giới Pearson.

"Với độ tuổi tiền hiểu học (3 - 6 tuổi), trẻ đang trong quá trình làm quen với tiếng Anh, với các đặc thù về tâm sinh lý và phương pháp tiếp cận hoàn toàn khác biệt so với các lứa tuổi khác. Chính vì vậy, GSE có riêng các bộ chuẩn kỹ năng cho nhiều độ tuổi và đối tượng người học ngoại ngữ, trong đó có thang đo GSE Pre-Primary dành cho trẻ mầm non. 

Thang đo này vô cùng chi tiết dành riêng cho trẻ trong độ tuổi tiền tiểu học với các mô tả chuẩn kỹ năng được chi tiết hóa ở mức cao nhất, phân tầng kiến thức để thể hiện sự tiến bộ của trẻ qua từng giai đoạn" - ông James Moran phát biểu.

Vì thế, ông James Moran đề xuất 4 phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo theo thông tư 50 mà các trường nên áp dụng.

"Thứ nhất, chúng tôi đề xuất nên khuyến khích các trường kết hợp hoạt động phát triển kỹ năng nghe - nói có sử dụng các từ ngữ và câu lệnh đồng nhất trong các hoạt động học tập thường ngày của trẻ. 

Thứ hai, các trường phải thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên. 

Thứ ba, các trường phải tích hợp công nghệ trong giảng dạy: Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, các công cụ giáo dục và tài nguyên học tập có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và làm quen với tiếng Anh của trẻ mẫu giáo. 

Thứ 4 là các trường phải đánh giá và phản hồi thường xuyên. 

Theo đó, nên có công cụ và phương pháp hiệu quả để đánh giá, đưa ra các phản hồi về các biểu hiện tiến bộ trong từng kỹ năng nghe, nói, làm quen với đọc và làm quen với viết, cũng như đánh giá về sự hứng thú của trẻ đối với các hoạt động làm quen với tiếng Anh" - ông James Moran đề xuất.

Phát biểu tổng kết hội thảo, bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho rằng con số chỉ hơn 50% trẻ mầm non TP.HCM được làm quen với tiếng Anh trong trường mầm non là một con số "chưa vui" và TP cần phải phấn đấu để đạt con số cao hơn trong thời gian tới. Vì việc cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh là một trong những cách để hình thành kỹ năng giao tiếp, kỹ năng công dân toàn cầu cho trẻ.

"Sau cuộc hội thảo hôm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ có những văn bản chỉ đạo về chuyên môn, về quản lý. Trách nhiệm quản lý hiệu quả của thực hiện thông tư 50 trong thúc đẩy trẻ làm quen với tiếng Anh là của Phòng GD các quận, huyện, TP. Thủ Đức, của địa phương".

Bà Lê Thụy Mỵ Châu cũng chỉ đạo TP.HCM cần nhân rộng những mô hình làm quen tiếng Anh hiệu quả trong cơ sở giáo dục mầm non cũng như tính đến đánh giá hiệu quả của việc trẻ làm quen tiếng Anh trong trường để nâng cao chất lượng. 

EMG phát triển thành công Bộ công cụ đánh giá kết quả làm quen tiếng Anh với trẻ mẫu giáo

ông James Moran - Giám đốc học vụ EMG Education, cho biết đơn vị này đã phát triển thành công bộ Công cụ đánh giá kết quả làm quen với Tiếng Anh với trẻ mẫu giáo. Bộ công cụ được biên soạn bám sát các hướng dẫn về đánh giá của thông tư 50, đồng thời dựa trên các cơ sở nghiên cứu khoa học, phương pháp lý luận sư phạm thực tiễn và tham khảo rộng rãi từ các chuyên gia của Việt Nam và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục Mầm non.

Bộ công cụ của EMG nhằm hỗ trợ thu thập thông tin về năng lực tiếng Anh của trẻ mầm non ở các kỹ năng nghe, nói, tiền đọc viết và mức độ tự tin của trẻ dựa trên thước đo chuẩn quốc tế là thang đo GSE Pre-Primary Framework do tổ chức giáo dục Pearson phát triển.

Công cụ đánh giá được thiết kế chú trọng sự thân thiện, nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho trẻ. Công cụ đánh giá sử dụng thang điểm sao để bảo đảm tính thân thiện, khích lệ sự tiến bộ của trẻ, trong đó 3 sao là mức đạt cao nhất.

Hồi tháng 8 năm 2023, EMG Education đã dùng bộ công cụ mà đơn vị này phát triển tiến hành thí điểm khảo sát đánh giá kết quả hoạt động làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo tại ba cơ sở giáo dục mầm non: Mầm Non Thành Phố, Mầm Non Nam Sài Gòn và Mầm Non 19/5 Thành Phố.

Tổng cộng có 366 học sinh đã tham gia vào các buổi đánh giá khảo sát. Trong số 366 trẻ, có 178 trẻ tham gia đánh giá ở cấp độ Level 1 (các bé bắt đầu lớp Chồi trong năm học 2023-2024) và 188 trẻ tham gia đánh giá ở cấp độ Level 2 (các bé bắt đầu lớp Lá trong năm học 2023-2024). Kết quả đợt đánh giá thể hiện các bé nói trên thể hiện mức độ quen thuộc cao với ngôn ngữ Anh so với độ tuổi.

Vì thế, EMG đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM về việc triển khai bộ công cụ đánh giá khảo sát kết quả chương trình làm quen với Tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo một cách đồng bộ, khoa học, phù hợp với lứa tuổi.

Chương trình học tiếng Anh như thế nào sẽ phù hợp cho trẻ bậc tiểu học?Chương trình học tiếng Anh như thế nào sẽ phù hợp cho trẻ bậc tiểu học?

Việc chọn lựa chương trình tiếng Anh phù hợp cho trẻ khi bước vào bậc tiểu học rất quan trọng. Thấu hiểu tâm lý đó, nhiều chương trình học tiếng Anh chất lượng đã được xây dựng và đạt kiểm định quốc tế, giúp ‘con học vui - cha mẹ hài lòng’.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên