12/03/2024 16:54 GMT+7

TP.HCM nhiều 'sếu đầu đàn' ở bất động sản, hiếm ở mảng công nghiệp

Quỹ đất cho công nghiệp còn ít mà giá lại rất đắt, TP.HCM cần xác định “chỗ đứng” của mình trong ngành công nghiệp là gì...

Toàn cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Toàn cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Đó là một số trong những nội dung chia sẻ tại tọa đàm “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp tại TP.HCM gắn với các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược thuộc nghị quyết số 98”, do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức sáng 12-3.

Ở TP.HCM, đất làm đô thị hấp dẫn hơn làm công nghiệp

Phát biểu mở đầu tọa đàm, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trương Minh Huy Vũ cho biết chiến lược công nghiệp TP.HCM theo hướng tái cấu trúc và cập nhật các xu hướng mới, không phải bắt đầu từ hôm nay, mà là quá trình được thai nghén, nghiên cứu đưa vào nhiều ý tưởng, việc làm, quy hoạch. Từ đó viện đã xây dựng dự thảo kết quả ban đầu. Dù dự thảo có hoàn chỉnh và được phê duyệt thì vẫn tiếp tục được cập nhật bằng nhiều hình thức khác nhau.

“Gần đây nhất, những xu thế như kinh tế xanh, kinh tế số không phải việc ta nói với nhau bằng lời, mà đã có những dự án, công trình, sáng kiến, thí điểm rất cụ thể. Những câu chuyện đó tác động rất lớn đến ngành công nghiệp”, ông Vũ nói.

TS Trần Du Lịch - chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện nghị quyết 98 - cho rằng TP.HCM cần xác định “chỗ đứng” của mình trong ngành công nghiệp là gì. Có nghĩa phải xác định những ngành công nghiệp nào ưu tiên phù hợp với quy hoạch, cả quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và trong chiến lược quốc gia để thu hút các nhà đầu tư.

TP chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp thâm dụng đất, thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ từ giai đoạn năm 2006-2010, nhưng quá trình đó diễn ra rất chậm. Đến nay TP không bàn nhiều về sản phẩm công nghiệp, mà tập trung công đoạn giá trị gia tăng nhất trong chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp.

Theo ông Lịch, khi phân tích nguyên nhân ngành công nghiệp TP chuyển dịch chậm, có hai nhóm vấn đề, trước hết phải nhìn nhận TP không có lợi thế phát triển công nghiệp như các tỉnh lân cận bởi ở TP, đất làm đô thị hấp dẫn hơn làm công nghiệp. Đất làm công nghiệp TP quá đắt và chỉ ngành công nghiệp nào thâm dụng vốn cao mới làm được.

Một bất cập khác khi TP có rất nhiều lĩnh vực, ngành công nghiệp nhưng không có những “con sếu” đầu đàn trong từng ngành để thu hút doanh nghiệp trong nước. Đối với bất động sản thì rất nhiều nhưng với công nghiệp lại rất hiếm.

TS Trần Du Lịch phát biểu gợi mở tại tọa đàm - Ảnh: CẨM NƯƠNG

TS Trần Du Lịch phát biểu gợi mở tại tọa đàm - Ảnh: CẨM NƯƠNG

TP không còn quỹ đất thu hút các ngành công nghệ cao

Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - nhận định TP đưa ra định hướng, mục tiêu tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển kinh tế số, xanh… nhưng chưa có mục tiêu cụ thể qua các con số. Những đóng góp của kinh tế số, kinh tế xanh sẽ là bao nhiêu phần trăm trong ngành công nghiệp.

Không chỉ vậy, bà Chi trăn trở vì sao ngành công nghệ thông tin, viễn thông, kỹ thuật số, vật liệu mới, công nghệ sinh học là những ngành rất quan trọng bởi nó là yếu tố để quyết định nâng cao năng suất lao động và hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm, nhưng đề án phải để đến năm 2050 mới định hướng ưu tiên phát triển.

Theo chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm, địa bàn TP, quỹ đất cho công nghiệp còn ít mà giá lại rất đắt, như các ngành công nghiệp về thực phẩm phải mở rộng nhà xưởng liên tục nhưng rất khó để tìm được các vị trí đất thích hợp.

“Như vậy trong nghị quyết 98 có đề xuất được cơ chế đột phá tạo ra liên kết vùng để doanh nghiệp có thể đặt ở ngoài TP hay không, nếu bước ra như vậy có được hưởng cơ chế và chính sách gì”, bà Chi chia sẻ.

Ông Trần Việt Hà - phó trưởng ban Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TP - cho rằng TP là nơi đầu tiên đi đầu phát triển khu công nghiệp và khu chế xuất nhưng các doanh nghiệp đầu tiên thu hút đến giờ đã “già cỗi”, các ngành ban đầu không còn phù hợp với kinh tế TP như các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và quỹ đất, lao động… điều đó khiến giờ đây TP không còn quỹ đất thu hút các ngành công nghệ cao.

Trong đề án định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2030 mà ban được TP phân công, đã hướng đến 3 vấn đề gồm chuyển đổi các ngành công nghiệp hiện hữu; định hướng phát triển khu công nghiệp mới và định hướng những vị trí phát triển các khu công nghiệp trong tương lai.

TP cũng sẽ giữ tối đa diện tích đất tại các khu công nghiệp hiện hữu và tiếp tục quy hoạch phát triển, tái cơ cấu thành khu công nghiệp công nghệ cao.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng nêu ý kiến việc chuyển đổi công nghiệp dệt may thành công nghiệp thời trang; tận dụng lợi thế liên kết vùng để phát triển ngành công nghiệp vật liệu mới; đưa “công nghiệp” vào các trường đại học để tạo sự gắn kết giữa nhân lực và vật lực, giải quyết vấn đề đào tạo không gắn kết với thực tiễn…

Đầu tư vào khu công nghiệp ở TP.HCM lần đầu tiên vượt 1 tỉ USD nhờ Viettel Đầu tư vào khu công nghiệp ở TP.HCM lần đầu tiên vượt 1 tỉ USD nhờ Viettel 'làm tổ'

Tổng vốn đầu tư thu hút vào các khu chế xuất, công nghiệp tại TP.HCM lần đầu tiên vượt mức 1 tỉ USD trong một năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên