Chiều 15-7, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai thực hiện nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị. Tham dự còn có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM.
Nghị quyết 98 chính thức được thông qua và ban hành tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV vừa qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2023. Nghị quyết bao gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp tại TP.HCM.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên từng chia sẻ TP.HCM luôn và đã sẵn sàng thực hiện nghị quyết với tâm thế “chiến đấu”. Qua đại dịch COVID-19, ông càng đặt nhiều niềm tin hơn vào tinh thần, sự quyết liệt của mỗi cán bộ, công chức của TP. Và TP sẽ bắt đầu chiến dịch thực hiện nghị quyết bằng tinh thần vượt qua đại dịch đó.
Tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, HĐND TP cũng đã thông qua nghị quyết thực hiện nghị quyết 98 và cụ thể hóa nhiều nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của HĐND được quy định trong nghị quyết.
Trước đó, ngày 7-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với TP.HCM triển khai nghị quyết 98.
Thủ tướng nhấn mạnh cần xác định việc triển khai nghị quyết không chỉ riêng cho TP.HCM, nếu thực hiện thành công thì cả nước cùng được hưởng.
Do đó, đây là nhiệm vụ chung, cả nước phải cùng chung tay với TP.HCM. Mỗi người, mỗi cơ quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần thực hiện tốt các công việc được giao.
Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và TP.HCM, với yêu cầu việc chỉ đạo phải chủ động, kịp thời, bám sát tình hình thực tiễn và phải có hiệu quả, kết quả bằng những sản phẩm cụ thể.
Quá trình thực hiện, Thủ tướng yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phân công cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị.
"TP.HCM có tâm thế sẵn sàng đón nhận, triển khai nghị quyết chính sách đặc thù"
Đại diện cho các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia quá trình góp ý, hình thành dự thảo nghị quyết 98 vừa qua, TS Trần Du Lịch khẳng định lần này TP.HCM triển khai sẽ thành công nghị quyết. Quá trình đề xuất dự thảo nghị quyết, những nội dung, tư tưởng để xin cơ chế đã đưa vào nghị quyết 31.
Cùng với đó, TP.HCM đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng triển khai từ khi bắt đầu chuẩn bị nghị quyết.
Theo ông Lịch, chưa thấy bao giờ TP được cho một số cơ chế chính sách mang tính hệ thống như lần này. 7 nhóm cơ chế chính sách được chia 2 nhóm riêng. Nhóm 1 là mở rộng phân cấp phân quyền trên 5 lĩnh vực.
Các lĩnh vực đó trước đây cần lên trung ương để quyết định, giờ đã trao quyền cho HĐND TP. Cơ chế đó xử lý được rất nhiều vấn đề quan trọng.
Nhóm thứ hai về chính sách tạo động lực, trong đó có chính sách huy động nguồn lực mà TP đang có.
“TP không xin cái bánh đang có mà xin cái bánh lớn hơn. Hy vọng nếu thực hiện tốt tương lai cái bánh lớn hơn thì TP được và cả nước được”, ông Lịch nói.
Nói về ý nghĩa của nghị quyết, ông cho rằng những cơ chế này chắc chắn sẽ gỡ được nghẽn về hạ tầng. Từ đây, Chính phủ, Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu để có Luật đô thị đặc biệt không chỉ TP.HCM mà các đô thị có quy mô như vậy.
Ngoài ra, chuyên gia này mong muốn Chính phủ cho phép TP.HCM phát hành trái phiếu kinh tế để đầu tư hạ tầng, giảm bớt vốn ODA nhằm có nguồn vốn vay hoàn thành hệ thống metro trước năm 2035. Xem xét đề án trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM để tạo đột phá thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Ngày 15-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Thủ tướng sẽ đảm nhiệm vai trò trưởng Ban Chỉ đạo. Phó trưởng ban thường trực là Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là phó trưởng ban. Thành viên Ban Chỉ đạo sẽ gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ.
Thủ tướng phân Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, giúp trưởng ban trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác; xây dựng quy chế hoạt động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận