29/10/2013 08:31 GMT+7

Tội phạm: đánh chỗ này dạt về chỗ khác

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm ngày 28-10, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương - ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp - nói:

550uz9tl.jpgPhóng to
Đại biểu Đỗ Văn Đương - Ảnh: V.Dũng

- Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp và rất đáng lo ngại. Trước hết cần phải phân tích rằng tình hình tội phạm có nguyên nhân từ tình trạng kinh tế - xã hội của chúng ta đang rất khó khăn, số doanh nghiệp giải thể nhiều, người lao động mất việc làm khá lớn, ngay cả số được ra tù, đặc xá hằng năm cũng khá nhiều và trong số đó cũng không tìm được việc làm đã tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm... Lực lượng công an đã ra tay trấn áp mạnh nhưng cứ đánh chỗ này thì tội phạm lại dạt về chỗ khác, đánh ở TP lớn thì lại dạt địa bàn hoạt động về nông thôn. Tôi cho rằng chưa giải quyết căn cơ được những khó khăn của kinh tế - xã hội thì cũng khó giải quyết dứt điểm được tình hình tội phạm, và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ trông chờ vào mình lực lượng công an thì cũng khó.

* Thưa ông, nhưng cũng nhiều ý kiến đặt câu hỏi về trách nhiệm của lực lượng chức năng, đặc biệt là của ngành công an trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bởi biên chế của ngành này đã không ngừng được tăng lên?

- Tôi nghĩ biên chế ngành công an luôn tăng lên nhưng cũng không theo kịp được sự gia tăng của tội phạm. Hiện nay dân số nước ta đã gần 90 triệu người và đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập thì tội phạm nước ngoài vào VN cũng không ít. Lực lượng chức năng của ta hiện nay vẫn chạy theo vụ việc chứ chưa thật sự đi vào căn cơ, gốc rễ để giải quyết tình hình, đặc biệt là công tác phòng ngừa bởi phòng ngừa mới là hướng chính. Tôi muốn nói rằng công tác xử lý chỉ là một mặt của phòng ngừa, bởi xử lý nghiêm thì có tính răn đe, nhưng cuối cùng cái gốc vẫn phải là giải quyết phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa. Ví dụ nếu không giải quyết công ăn việc làm tốt thì nhàn cư vi bất thiện, con người ta vẫn phải sống và nếu không có công ăn việc làm thì phải đi ăn trộm ăn cắp.

Nói tóm lại, giải quyết tình trạng tội phạm cần có giải pháp căn cơ, phối hợp đồng bộ, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp. Tôi cho rằng tới đây nghị quyết của Quốc hội phải quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, bộ, ngành, nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, bảo kê doanh nghiệp, bảo kê cho hoạt động vi phạm trên địa bàn, lĩnh vực quản lý của anh thì phải bị xử lý. Đặc biệt cần làm rõ vai trò của chủ tịch UBND các cấp và người đứng đầu lực lượng công an ở đó.

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên