01/05/2011 16:04 GMT+7

Phi lý với phim truyền hình Việt Nam

BÙI VIỆT PHƯƠNG
BÙI VIỆT PHƯƠNG

TTO - Xem một bộ phim truyền hình Việt Nam, khán giả dễ dàng tìm ra nhiều chỗ “đuối” so với phim nước ngoài. Trong đó, cái sự “đuối” dễ nhận thấy và gây phản cảm nhất là sự cẩu thả của nhiều kịch bản tạo ra sự bất cập trong nhịp điệu của phim.

Với một bộ phim nước ngoài, cảnh mở đầu thường khá yên ả và hé lộ nhiều chi tiết tưởng như vô tình, nhỏ nhặt để tạo ra một phục bút cho phần kết. Kế đến mới là những biến cố, tình huống thúc đẩy cốt truyện…

c6uC3fFB.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Đầm lầy bạc

Nhưng với phim truyền hình Việt Nam thì nhiều khi lại khác. Gần đây, nhiều bộ phim như cố vùng vẫy ra khỏi lối vào đề an bài trước đây và tung ra những vụ trọng án với nhiều tuyến nhân vật, nhiều hướng suy luận làm người xem rối mắt.

Nhưng chỉ qua vài tập mọi công phu bầy biện nghi binh đó đã bị lật tẩy bằng kinh nghiệm theo dõi kiểu phim này: Một nhân vật râu ria, bặm trợn nào đó xuất hiện thì thường sẽ là thủ phạm ẩn sau những cái chết kia. Trong khi một ông quan chức hay giám đốc nào có tướng mạo bệ vệ thì sẽ lình xình chuyện con “rơi”, con riêng.

Cứ nắm lấy hai “đối tượng” ấy là người ta suy ra được gần hết cái kết cục về sau của phim.

Đây là điều tối kị với các loại hình nghệ thuật có chất tự sự.

Cũng vì tránh được điều này mà Đầm lầy bạc của đạo diễn Bùi Quốc Việt đã đứng riêng ra thành một phim hình sự hấp dẫn khi trao “nhiệm vụ” gây tội ác cho những kẻ thư sinh, có học. Xem đến phần kết lại thấy phi lí ở cách hạ màn. Một đường dây tội phạm được phanh phui, các tên xã hội đen được giới thiệu là rât nguy hiểm lại cùng bị khống chế dễ dàng theo những cách khá giống nhau.

Hay ở những thể loại tâm lí xã hội khác cũng có hậu theo kiểu tuyền thống nhạt nhẽo của phim Việt: Ai thiếu cái gì sẽ được kịch bản “bù đắp” cái đó! Ai chưa có đôi thì sẽ được ghép đôi, ai chưa lương thiện sẽ được lương thiện, ai chưa biết tình cảm quý hơn tiền bạc sẽ được “bỗng dưng” hối hận.

Đành rằng, kết cục tốt đẹp sẽ hướng thiện nhưng kiểu kết kiểu như dụ khị trẻ con thế này sẽ làm người xem mất lòng tin ở cả những giá trị tốt đẹp từ đầu phim đến giờ.

Nhưng khi xem nhiều phim truyền hình, sự phi lý nhất là ở chuyện tình yêu của các nhân vật. Lời thoại dở (vốn đã thừa dung lượng, kịch tính mà thiếu xúc cảm, thiếu sức gợi) lại cộng thêm cách diễn tả cảm xúc gượng gạo càng làm người ta ngán ngẩm.

Nhìn một đôi trai gái tình tự mà như thể họ bị kịch bản ép duyên. Mọi động tác, cử chỉ đều máy móc theo vài công thức lâu nay trên màn ảnh. Cầm tay gượng, ôm gượng, hôn sượng sùng. Có lẽ vì bị chê bai nhiều về chuyện ấy mà nhiều phim gần đây tìm cách trang bị thêm cảnh nóng, với trợ lực của áo trễ, váy ngắn, bãi biển hay nhà nghỉ… Có điều, khi không thay thế được cảm xúc thì những phụ kiện kia lại tự làm hại chính những mối tình đánh ra phải mang giá trị cao đẹp trong phim truyền hình Việt.

Điện ảnh cũng như các loại hình nghệ thuật khác, nó không làm thay thông tin đại chúng việc ghi chép, chiếu chụp một chính xác mọi hiện tượng cuộc sống đến từng centime. Nghệ thuật hướng đến những đối tượng của mình trong đó và nói theo cách của mình, giúp người thưởng thức có được những xúc cảm thẩm mỹ. Nụ hôn giấu ẩn hiện sau khung cửa vẫn đủ sức gợi về một tình yêu nồng nàn.

Một phút im lặng không lời thoại cũng đủ khắc hoạ tính cách một nhân vật hay trào lên cơn bão tố của nội tâm. Thiết nghĩ nếu những nhà làm phim chú tâm hơn vào những điều phi lí từ những bộ phim trước đây thì những hạn chế này sẽ được khắc phục. Người xem sẽ tìm thấy sự đồng vọng của những bộ phim truyện hình Việt - một thể loại phim gần gũi với đời sống tâm hồn của khán giả Việt Nam nhất.

BÙI VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên