Các ca sĩ đồng ca bài Nối vòng tay lớn trong đêm nhạc Nối vòng tay lớn tưởng niệm 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại công viên Hồ Bán Nguyệt, Q.7, TP.HCM tối 22-4-2016 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Trước những bức xúc của dư luận về sự việc đêm nhạc Nối vòng tay lớn do trường đại học Y dược Huế và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức vào đêm 21-4 gặp khó khăn do có bốn bài hát trong chương trình chưa được cấp phép phổ biến, sáng 11-4, ông Nguyễn Đăng Chương đã có ý kiến.
Chưa cho vì... chưa xin
Ông Chương cho biết theo Nghị định 79/2012 và Nghị định 15/2016, khi phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975, các đơn vị tổ chức, cá nhân nào muốn biểu diễn các tác phẩm này thì phải làm hồ sơ.
“Từ xưa đến nay chưa có đơn vị nào đứng ra xin cấp phép phổ biến bài hát Nối vòng tay lớn. Vì vậy chúng tôi không thể cấp phép được vì cần phải có đối tượng xin cấp phép. Đó là theo quy định của pháp luật.
Trường đại học Y dược Huế đã gửi hồ sơ ra Cục Nghệ thuật biểu diễn và cơ quan quản lý nhà nước đang hướng dẫn trường hoàn thiện hồ sơ cho đủ theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đơn giản vậy thôi chứ không có vấn đề gì cả” ông Chương cho biết.
Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: "Lâu nay bài Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được hát ở rất nhiều nơi, nhiều đêm nhạc và trong nhiều chương trình truyền hình, nhưng vì sao lại vẫn nằm trong danh mục các bài hát chưa được cấp phép?"
Ông Nguyễn Đăng Chương đáp rằng Cục Nghệ thuật biểu diễn có biết chuyện này nhưng cần phải có đơn vị xin phép thì mới cấp phép ca khúc này. Từ trước tới nay mọi người hát bài Nối vòng tay lớn đều chưa xin phép.
Ông nói: “Đến thời điểm hiện tại (sáng 11-4), Cục đã nhận được hồ sơ và đã hướng dẫn trường đại học Y dược Huế là phải xin được xác nhận của chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu tác phẩm. Còn chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm mà Cục cấp phép thì Cục sai”.
Xin phép đến đâu, thẩm định và công bố đến đó
Ông Chương cũng giải đáp băn khoăn vì sao mới chỉ có rất ít bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được cấp phép phổ biến:
“Số lượng bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất đồ sộ. Nhưng theo quy định, Cục không thể tự tiện công bố những bài hát còn lại của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên cổng thông tin được.
Nếu công bố thì Cục vi phạm quyền tác giả. Khi có cá nhân hoặc tổ chức xin phép đến đâu thì Cục sẽ thẩm định và công bố đến đó.
Theo quy định của pháp luật, Cục không được tự ý công bố các bài hát khi các tổ chức hoặc cá nhân không có nhu cầu phổ biến và chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm hoặc đại diện chủ sở hữu tác phẩm”.
Vì vậy, những ai đang thắc mắc vì sao mới chỉ có số ít bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được công bố là do chưa hiểu các quy định của pháp luật.
“Về tinh thần, tôi hoàn toàn ủng hộ đêm nhạc Nối vòng tay lớn do Trường đại học Y dược Huế và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức sắp tới. Ở góc độ chuyên môn, tôi đánh giá bài hát Nối vòng tay lớn là một tác phẩm tốt” - ông Chương nêu quan điểm.
Nên cập nhật thay vì bắt gia đình xin phép... Trước việc phải vất vả xin hát ca khúc Nối vòng tay lớn cùng ba ca khúc quen thuộc khác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Ca dao mẹ, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho hay: "Gia đình rất ngạc nhiên khi hay tin này. Trong hơn 15 năm qua, bốn ca khúc này đã được hát trong rất nhiều chương trình mà gia đình tổ chức để kỷ niệm ngày mất của anh Sơn. Tất cả các ca khúc được hát trong những chương trình gia đình tổ chức đều có sự đồng ý của các Sở Văn hóa địa phương. Trong số đó, Nối vòng tay lớn được coi như một ca khúc của cộng đồng, được đưa vào học đường, hát trong các buổi sinh hoạt đoàn thể. Nhiều buổi tiếp đãi chính khách nước ngoài, lãnh đạo trong nước cũng chọn Nối vòng tay lớn. Gần đây nhất, trong chương trình kỷ niệm 16 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại đường sách TP.HCM, gia đình cũng đã xin phép trình diễn đến 41 ca khúc, trong đó có bốn ca khúc nói trên". Khi được hỏi gia đình có ý định xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép cho bốn ca khúc này kèm rất nhiều ca khúc quen thuộc, đã được phổ biến rộng rãi khắp các tỉnh thành trong thời gian qua hay không thì bà Trinh thẳng thắn chia sẻ: "Trong từng chương trình biểu diễn tại các địa phương, gia đình hoặc các đơn vị tổ chức luôn xin phép theo quy định. Tuy danh mục các bài hát trước 1975 được phép phổ biến do Cục NTBD công bố (tổng số 2.586 bài), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có 70 bài được phép biểu diễn nhưng trên thực tế những ca khúc đã được các Sở Văn hóa địa phương cấp phép trình diễn cũng lên đến khoảng 200 bài. Chúng tôi nghĩ, Cục NTBD nên cập nhật danh sách các bài đã được các Sở Văn hóa khắp cả nước cho phép biểu diễn, lưu hành thay vì chúng tôi phải làm thủ tục xin phép một lần nữa". (Q.N.) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận