19/01/2017 10:55 GMT+7

Giỏ sách cho những ngày Tết đến xuân về

TRẦN XUÂN TIẾN - VĨ LONG - HOÀNG LIÊN
TRẦN XUÂN TIẾN - VĨ LONG - HOÀNG LIÊN

TTO - Đọc sách ngày xuân có thể xem là một thú vui du hành trên những nẻo đường văn chương, tri thức. Thế giới sách kỳ này gợi ý một số cuốn sách có thể hợp với phong vị mùa xuân cho giỏ sách của độc giả.

Ảnh: L.X.TIẾN
Ảnh: L.X.TIẾN


Gặp lại nàng Kiều

Ôn cố tri tân. Quyển Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều: Từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam (Trung tâm nghiên cứu Quốc học và NXB Thế Giới) thực là một tác phẩm mang cả hai màu sắc mới và cũ như thế.

Bản gốc tiếng Anh của công trình này chính là luận án tiến sĩ của Charles Benoit (tên tiếng Việt là Lê Vân Nam) bảo vệ tại Đại học Harvard năm 1981 với nhan đề The Evolution of the Wang Cuiqiao Tale: From Historical Event in China to Literary Masterpiece in Vietnam.

Có thể nói, công trình là hành trình đầy gian nan và công phu của Charles Benoit nhằm phục dựng một cách chân thực, sống động nhất có thể về diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều đi từ lịch sử đến văn chương.

Trong khi đó, bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Nam và các đồng dịch giả Trần Hải Yến, Nguyễn Đào Nguyên, Mai Thu Huyền cũng là một hành trình đầy công phu và gian nan không kém khi phải dày công tìm kiếm tài liệu liên quan và cách chuyển ngữ phù hợp.

Phương thức đề xuất và triển khai vấn đề của công trình là một cách nhìn mới, một hướng triển khai mới không chỉ trong việc tiếp cận tác phẩm Đoạn trường tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du mà còn mang tính gợi mở đối với các tác phẩm văn chương Việt Nam khác khi lấy bối cảnh, tình tiết của lịch sử để hư cấu thành văn chương. Một công trình đáng quý và đáng đọc, nhất là trong tiết trời đang nở bừng những nụ hoa xuân.

Ảnh: HỮU KHOA
Ảnh: HỮU KHOA

Ngôi nhà của con chim khổng tước

“Ngôi nhà” đã ám ảnh và làm chỗ dựa cho toàn bộ cuốn tạp văn Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất (NXB Trẻ) - tác phẩm thứ ba của Phan An.

Những lời tự sự đầy yêu thương với thứ tiếng Việt thuần khiết xuất hiện rõ ràng và liên tục trong mỗi bài tạp văn, dù là đang viết về một con đường, một làn khói, một cây gạo gù, một cái giếng hay một phận người lam lũ; hoặc cả lúc viết về những vấn đề có tính thời sự như trách nhiệm của một công dân đối với đất nước.

Văn phong có lúc bốc đồng như đứa trẻ, có lúc sâu lắng như một người từng trải, nhưng tính nhân văn toát ra từ cuốn sách là hơi thở bản năng. Và hơn thế là thái độ sống có trách nhiệm, căm phẫn trước “Những kẻ nhân danh điều thiện để làm điều ác... Những người tốt nhún vai đi qua và bỏ cuộc”.

Chạm trán với trần trụi cuộc đời, tác giả cũng có lần trách cứ “ai đó” đã làm tổn thương hình ảnh Việt Nam, nhưng suy cho cùng điều đó cũng xuất phát từ ý thức trách nhiệm và tình yêu: nhìn cô gái Việt mưu sinh nơi xứ người mà chạnh lòng, rồi dùng cách nói ẩn dụ để nhắc nhớ cô ấy về quê hương, về giá trị của cuộc sống - đó là mối thương cảm đối với một người đồng hương lầm lạc.

Bảo rằng chọn một cuốn sách để đọc vào những buổi tối mùa xuân, thì Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất là một chọn lựa thú vị. Không phải bởi nó sẽ mang đến nụ cười giải trí, mà là sự sảng khoái với nhiều chi tiết hay khi lần giở từng trang một.

Một kiểu giọng bừng sáng. Đó là việc mang nhạc điệu và hơi thở hiện đại vào những hoài niệm, khi tác giả đang ở trong cỗ máy Internet khổng lồ lại đi tìm những chiếc đinh ốc của chiếc xe gắn máy ở quê nhà.

Phan An chưa đi được một phần ba con đường viết văn của mình, nhưng với Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất, chúng ta cảm thấy một bút lực đậm, chắc của một nhà văn thực thụ trong tương lai.

Ảnh: H.LIÊN
Ảnh: H.LIÊN

Tự sự gia đình trong Thời nắng lịm

Một cuốn sử thi của dòng họ Umnitzer, đặt dưới ánh sáng của chế độ chính trị và phản chiếu chính cái ánh sáng ấy: xã hội Đông Đức.

Gia đình bốn thế hệ trải dài từ những năm 1950 của thế kỷ trước cho đến năm đầu tiên của thế kỷ sau, sự hình thành lẫn sự tan rã của nó hòa trộn trong sự hình thành và tan rã của Đông Đức.

Câu chuyện mở ra bảy góc nhìn từ lỗ khóa nhà bếp ra đến đại sảnh đường chính trị, với bảy giọng tự sự tương ứng với bảy nhân vật trong gia đình, với những thăng trầm, những khốn khó, những lợi danh.

Một gia đình được hình thành từ niềm tin và hy vọng, để rồi trải qua bốn thế hệ va chạm nhau ồn ã bởi chính những niềm tin và hy vọng ấy, cho đến khi im bặt và lịm đi như vệt nắng cuối cùng.

Cuốn sách không có nhiều kịch tính, nhưng bản thân nó có được một sự duyên dáng vừa đủ để giữ chân người đọc, một sự sáng suốt đầy khách quan khi để từng nhân vật lên tiếng trong cùng bối cảnh chung.

Nó có được một sự ấm áp gia đình, dẫu va chạm không ngừng về quan điểm sống. Những nỗ lực tìm được tiếng nói chung của họ luôn hiện hữu, bằng tình yêu thương, bằng tha thứ, bằng sự quên mình.

Một gia đình đã tan rã trong cơn gió thời đại, nhưng dư âm của nó ắt hẳn sẽ còn dài. Một tác phẩm đầu tay rất xuất sắc của Eugen Ruge, ở tuổi ngoài 50, với giọng văn dí dỏm, hài hước. Sách do Hoàng Đăng Lãnh dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành.

TRẦN XUÂN TIẾN - VĨ LONG - HOÀNG LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên