29/12/2016 15:41 GMT+7

Đường sách: Một chuyển biến quan trọng trong lịch sử TP.HCM

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Khởi từ ý tưởng của một số tác giả trên Tuổi Trẻ, Đường Sách TP.HCM ra đời vào ngày 9-1-2016 vừa được UBND TP.HCM công bố là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2016 của thành phố.

Chương trình The Sofa với ý tưởng chia sẻ các việc cần làm để ra một cuốn sách được thực thi thành công tại Đường Sách TPHCM trong năm qua - Ảnh: L.Điền
Chương trình The Sofa với ý tưởng chia sẻ các việc cần làm để ra một cuốn sách được thực thi thành công tại Đường Sách TPHCM trong năm qua - Ảnh: L.Điền

Với cái nhìn lạc quan, giới quan tâm đến hoạt động Đường Sách TP.HCM cho rằng Đường Sách đang trở thành một điểm đến không thể thiếu của cư dân Thành phố.

Nơi sách mới chào sân

Đến nay, không chỉ các đơn vị xuất bản mà các tác giả sách, những nhà văn, nhà báo khi có tác phẩm mới xuất bản đều gặp nhau ở chỗ: Hẹn ra Đường Sách để giới thiệu sách mới.

Thú vị hơn cả là sự ra đời Đường Sách TP.HCM được ghi nhận trong tập sách viết về Sài Gòn của nhà báo Phúc Tiến như một sự kiện có tính chuyển biến quan trọng trong lịch sử thành phố này từ thuở mới hình thành cho đến tận ngày nay. 

Và khi sách vừa in xong, tác giả Phúc Tiến đã cầm trên tay một quyển Sài Gòn không phải ngày hôm qua còn nóng hổi hẹn ngay nhóm bạn thân thiết ra ngồi cà phê tại Đường Sách để... khoe!

Hay như nhà báo Phạm Công Luận, tác giả của loạt sách khảo cứu và kể chuyện Sài Gòn theo dòng cảm xúc Sài Gòn chuyện đời của phố, từ khi Đường sách TPHCM ra đời, anh chọn hẳn không gian này làm nơi ra mắt sách. 

Thống kê ban đầu trong năm hoạt động đầu tiên 2016 cho thấy có hơn 100 cuộc ra mắt sách mới và giao lưu với tác giả đã được tổ chức ở Đường Sách TP.HCM
Ban Điều hành Đường Sách

Mùa đông năm trước là tập 3 Sài Gòn chuyện đời của phố, và sắp tới đây, tập 4 bộ sách này chắc chắn cũng sẽ “chào sân” với bạn đọc tại không gian Đường Sách.

Và không chỉ những tác giả trong nước khi có sách mới đều mong muốn “book được lịch” ra mắt tại Đường Sách mà những trường hợp như Nguyễn Nhật Ánh, Tuấn Khanh, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Đình Tư... mà cả học giả nước ngoài như Giáo sư Larry Berman - tác giả quyển Điệp viên hoàn hảo - cũng chọn Đường Sách TPHCM làm nơi giao lưu để thông báo về lần in mới có sửa chữa bổ sung của bản sách này.

Không những thế, các nhà nghiên cứu từ hải ngoại về ra mắt sách trong nước cũng chọn Đường Sách bởi lợi thế không gian mở cùng với lượng bạn đọc đang có sẵn sự quan tâm về sách.

Trong năm rồi có nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp từ Úc về ra mắt 3 đầu sách nghiên cứu về Sài Gòn - Chợ Lớn; và nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính từ Mỹ về giao lưu ký tặng bạn đọc tại Đường Sách loạt công trình 8 quyển của ông khảo cứu về thời Tây Sơn và quan hệ Đại Việt - Thanh triều.

Điểm hẹn và chuyển tải những ý tưởng nhân văn

Chỉ sau ba tháng đi vào hoạt động, Đường Sách TPHCM đã chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa Hội Xuất bản Việt Nam và đoàn lãnh đạo Hội Xuất bản Indonesia đồng thời ký kết văn bản mở rộng hợp tác giữa hai Hội của hai nước.

Đến nay, Đường Sách trở thành không gian hội tụ quan trọng cho những cuộc gặp gỡ vượt ra ngoài giới làm sách.

Một tuần lễ triển lãm áo dài và tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những đợt triển lãm ảnh nghệ thuật, phóng sự ảnh về biển đảo, về hoạt động cộng đồng, mới nhất là triển lãm tranh và gốm Biên Hòa của nhóm nghệ nhân trẻ như gợi lại chút hồn Nam bộ trong những ngày cuối năm...

Mới đây, Hội đồng Anh cũng chọn Đường Sách TPHCM để tổ chức hoạt động Shakespeare sống mãi tưởng niệm 400 năm ngày văn hào William Shakespeare qua đời.

Xúc động nhất là ý tưởng chung tay gây quỹ Một quyển sách - một hạt gạo cho khúc ruột miền Trung do Quán sách Mùa Thu và giới chơi sách tại TPHCM hẹn nhau đến Đường Sách trong ngày 27-11 vừa qua để đấu giá sách quý hiếm. Tất cả tiền bán sách đấu giá sau đó đã được chuyển đến đồng bào miền trung đang khó khăn vì lũ lụt.

Trong năm qua, Đường Sách cũng là nơi thực thi ý tưởng về chuỗi chương trình The Sofa của Nhã Nam với chủ để Làm thế nào để xuất bản một cuốn sách: Trao đổi, chia sẻ những vấn đề bên trong của công việc xuất bản sách, chẳng hạn câu chuyện bản quyền, những mâu thuẫn khi biên tập, các quy định về thuần phong mỹ tục, các xu hướng xuất bản hiện nay...

Ông Lê Hoàng - giám đốc Công ty Đường Sách TPHCM - nhận định rằng sau một năm hoạt động, Đường Sách đã nằm ở tâm điểm chú ý của giới làm nghề xuất bản không chỉ tại TP.HCM mà cả nước.

“Một hoạt động nổi bật về sách, có chiều sâu, có sức hút đối với cộng đồng bạn đọc, nếu không diễn ra ở không gian Đường Sách thì còn ở đâu thích hợp bằng”, ông Lê Hoàng chia sẻ.

Và TS Quách Thu Nguyệt - Phó giám đốc Công ty Đường Sách TPHCM - ghi nhận trong số các mặt làm được của Đường Sách trong năm hoạt động đầu tiên, nổi bật có các điểm quan trọng:

Đường Sách tạo ra không gian để các nhà xuất bản, các doanh nghiệp kinh doanh sách có cơ hội chia sẻ, học hỏi, giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm nghề nghiệp, quảng bá thương hiệu, tiếp cận nhu cầu bạn đọc và xu hướng làm sách tiến bộ, xu hướng thị trường xuất bản trong và ngoài nước, có điều kiện gắn kết, giao lưu với các nhà xuất bản, Hội nghề nghiệp và ngành xuất bản thế giới.

Bên cạnh đó, Đường Sách là một không gian tri thức, nơi ươm mầm, lan tỏa thói quen, tình yêu với sách, là một điểm hẹn của người thành phố, một địa chỉ dừng chân lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước.

“Đặc biệt cùng với sức lan tỏa các hoạt động của mình, Đường Sách TPHCM cũng trở thành hình mẫu trong xây dựng và tổ chức hoạt động cho các tỉnh thành bạn trong việc hình thành Đường Sách, Phố Sách, Vườn Sách”, bà Thu Nguyệt nhấn mạnh.

Trong năm 2016, Đường Sách TPHCM có:

- 15 cuộc triển lãm - trưng bày sách hay, sách đẹp; sách xưa/ quý hiếm; sách chủ đề ; triển lãm ảnh, triển lãm tranh, triển lãm áo dài, gốm…

- 18 đợt hoạt động chủ đề gắn với các đợt vận động chính trị, các ngày kỷ niệm, các mùa của năm;

- Gần 1,5 triệu lượt đến với Đường Sách trong năm; trong đó ngày thường có từ 4.000 - 4.500 lượt/ ngày; các ngày cuối tuần:5.000 - 6.000 lượt/ ngày.

- Thành phần khách đến Đường Sách: Học sinh, sinh viên: 30%,  Thiếu nhi: 15%; Người lớn: 30% ; Khách nước ngoài: 25%.

(Thống kê của Công ty Đường Sách TPHCM)

Xem một số hình ảnh hoạt động nổi bật của Đường Sách năm 2016: 

Đủ mọi lứa tuổi chọn mua sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đủ mọi lứa tuổi chọn mua sách tại Đường Sách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trẻ em đọc sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trẻ em đọc sách tại Đường Sách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các hoạt động tại Đường báo Xuân 2016 trong khuôn viên đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM chiều 25-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đường báo Xuân 2016 trong khuôn viên Đường Sách chiều 25-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bạn Trần Anh Duy khi được là người đầu tiên nhận được chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM sáng 24-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bạn Trần Anh Duy khi được là người đầu tiên nhận được chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng tại Đường Sách sáng 24-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hàng dài bạn trẻ xếp hàng chờ nhận chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sáng 24-9 tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hàng dài bạn trẻ xếp hàng chờ nhận chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sáng 24-9 tại Đường Sách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khách tham quan triển lãm các ấn phẩm quý hiếm thuộc dòng văn học lãng mạn Việt Nam đầu thế kỷ 20 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM chiều 20-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khách tham quan triển lãm các ấn phẩm quý hiếm thuộc dòng văn học lãng mạn Việt Nam đầu thế kỷ 20 tại Đường Sách chiều 20-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tham dự ngày sách Việt Nam chiều 21-4 tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1,TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tham dự ngày sách Việt Nam chiều 21-4 tại Đường Sách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đạo diễn Trần Anh Hùng giao lưu ký tặng sách Nét duyên goá phụ tại Đường Sách sáng 7-9 - Ảnh: T.T.D
Đạo diễn Trần Anh Hùng giao lưu ký tặng sách Nét duyên goá phụ tại Đường Sách sáng 7-9 - Ảnh: T.T.D

Đường Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM - kéo dài từ đường Hai Bà Trưng đến Công xã Paris, bên hông Nhà thờ Đức Bà) chính thức trở thành Đường sách TP.HCM từ 15g ngày 9-1-2016.

Đường sách được đánh dấu hai đầu bằng hai bức tượng điêu khắc Cô gái bên trang sách và Suy ngẫm - hai tác phẩm được tuyển chọn từ Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM.


 

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên