25/01/2016 16:56 GMT+7

Nữ sinh Gia Long đi bán báo xuân

LÊ VĂN NGHĨA
LÊ VĂN NGHĨA

TTO - Giữa sân trường, dưới tán những cây điệp lớn che nắng có năm cô gái tóc dài, tha thướt trong những tà áo dài đứng bên cạnh bàn sắp đầy những tờ giai phẩm xuân Gia Long.

Báo xuân năm 1968 của Trường nữ Gia Long (nay là THPT Nguyễn Thị Minh Khai).
Báo xuân năm 1968 của Trường nữ Gia Long (nay là THPT Nguyễn Thị Minh Khai).

Nhiều thập niên trước ở Sài Gòn, mỗi năm đến gần dịp tết nguyên đán, học sinh các trường trung học đều làm một tờ báo xuân rồi đi đến các trường bạn để bán báo.

Trích đoạn trong truyện Mùa Hè Năm Petrus của nhà văn Lê Văn Nghĩa kể về việc các nữ sinh Trường nữ Gia Long (nay là THPT Nguyễn Thị Minh Khai) đi bán báo xuân ở Trường Petrus Ký (nay là Trường THPT Lê Hồng Phong):

"Chuông nghỉ chơi vừa reo lên thì các nam sinh Trường Petrus Ký nghe tiếng thông báo phát ra từ cái loa mà âm thanh muôn thuở rè rè:

“Trong giờ chơi hôm nay, học sinh trường nữ trung học Gia Long sẽ bán báo xuân tại giữa sân trường. Kính mời các bạn mua báo xuân ủng hộ trường bạn”.

Nghe nói đến học sinh trường Gia Long đi bán báo, không những tụi lớp thằng Dũng mà gần như những lớp đệ tứ, đệ ngũ đều reo lên những tiếng kêu ngạc nhiên và tụi nó túa ra đứng tràn ra cả hai bên hành lang như để thăm dò “đối thủ”.

Giữa sân trường, dưới tán những cây điệp lớn che nắng có năm cô gái tóc dài, tha thướt trong những tà áo dài trắng.

Trước mặt các cô là một cái bàn dài, sắp đầy những tờ giai phẩm xuân Gia Long. Đã gần như thông lệ, năm nào trường Petrus Ký cũng đến trường Gia Long bán báo trước rồi sau đó các cô gái trường Gia Long sẽ đến trường Petrus Ký bán như để "đáp lễ".

Những năm trước, trường Gia Long đến bán vào buổi sáng. Năm nay, hình như phá lệ, Ban đại diện học sinh Trường Gia Long chọn bán vào buổi chiều. 

Quầy bán báo ở sân trường lác đác vài chú nhóc làm “cảm tử quân” ra đứng lóng ngóng. Các chú nhóc học trò Petrus Ký muốn nhìn mặt các cô nữ sinh gia Long coi... có mụn không hoặc da trắng trẻo cỡ nào. Các cô có thoa son môi hay đánh phấn không vì bọn nó nghe nói trường Gia Long kỷ luật rất gắt gao.

Tụi nó nghe nói cô hiệu trưởng Trần Thị Tỵ cấm nữ sinh đi học đánh phấn ,thoa son. Ai vi phạm sẽ bị kỷ luật.

Nhiều chàng Petrus Ký sau giờ tan học đứng trước chùa Xá Lợi ăn đậu đỏ bánh lọt để chờ diện kiến dung nhan "người tình trong mộng" của mình xác nhận điều ấy.

“Đỡ ghê, tụi bây. Có bồ học ở trường Gia Long khỏi tốn tiền mua son, phấn tặng" - đó là điều tâm đắc đầu tiên mà các chàng Petrus Ký nghĩ về những "cô bồ trong mộng" trường Gia Long.

Từ trong hành lang, tiếng một chú nào đó “hú” ra: “Em ơi, anh nè. Anh là Hùng ghẻ nè”.

Mấy thằng đứng ngoài hành lang nhìn xuống cười quá xá cỡ. Thằng Hùng ghẻ ở lớp nào đó, chắc bị thằng bạn trong lớp mình xỏ ngọt, bèn la to lên trả đũa:

- Em ơi, thằng Nghĩa lé mượn em năm đồng mua chai thuốc lác trả chưa?

Rồi vài tiếng la to khác phụ họa: “Anh nè Hồng, Lan, Cúc, Tuyết…ơi”, “Oanh ơi, anh nhớ em”...

Các cô gái Gia Long mặt đỏ dừ. Chưa bao giờ các cô bé có thể hình dung ra khi đi bán báo mình sẽ bị lâm vào hoàn cảnh như thế này. Nhưng cảm giác đó chợt thoáng qua vì bây giờ xung quanh bàn đặt báo có một vòng “bạn đọc" Petrus Ký đang đứng bao quanh.

- Em ơi, em tên gì. Nói đi anh mua tờ báo!

- Mua báo có ký tặng không em?

Một cô nữ sinh bẽn lẽn đáp: “Dạ. nếu anh muốn”.

- Muốn chứ. Nhớ... ghi địa chỉ nhà luôn được không? Nè, nè em ký tên chỗ này nè. Ghi là tặng anh Hoàng hai néo lớp Tứ 7

Ngoài ra còn nhiều tiếng nói khác:

- Giá mười đồng hả em. Mắc quá, mua cho một tờ an ủi!

- Cái bìa báo ai vẽ mà sao giống em vậy?

Và chuyện tuổi tác cũng thú vị lắm khi anh chàng Petrus Ký nào đó nhỏ tuổi hơn nhưng lại xưng "anh, em" ngọt xớt với nữ sinh Gia Long bán báo:

- Em học lớp mấy. Cho anh biết lớp được không?

- Thôi đi… em. Tui học đệ nhị rồi nha. Tui lớn hơn… em hai tuổi đó!

- Hả, Có sao đâu. Con gái vẫn là em con trai mờ…chị ơi! 

Tiếng cười nói rôm rả giữa đám con trai:

- Đừng giỡn mà. Chị tao đó. Phải hôn chị...

- Chị mầy thiệt hả? Xấu hoắc à!

Nghe thế, một nữ sinh nghiêm mặt:

- Tui hổng có mấy đứa em học dỡ như mấy… em. Dòm mặt là biết …không biết chữ!

- Nếu vậy thì chị bán cho em hai tờ.

- Sao mua nhiều vậy?

- Một tờ để đọc, một tờ để tặng…người chị mới quen, đẹp nhưng hơi dữ.

Cũng có cậu học sinh tán tỉnh:

- Em ơi trong cuốn giai phẩm này có truyện nào giống truyện Vòng tay học trò không em.

- Làm sao mà có được anh. Tụi mình là học sinh mà.

- Như vậy thì có truyện vòng tay em không?

Ngoài miệng tụi nó chọc ghẹo các cô Gia Long hết cỡ nhưng tay tụi nó vẫn chìa tiền ra để lấy được tờ báo. Chẳng mấy chốc mà chồng giai phẩm xuân Gia Long trên bàn vơi đi gần hết.

Thằng Thạch, thằng Dũng, thằng Thuật có mặt trong đám đông đang bu quanh năm cô gái trường Gia Long đó. Bỗng dưng thằng Thạch nhìn chăm chú vào cô bé đứng ở góc trái. Nó ngờ ngợ hình như đã gặp cô này nhưng không thể nhớ ra nổi.

Cũng cái mái tóc đó, cặp mắt đó nhưng nó không biết từng gặp ở đâu. Nó cố moi lại trí nhớ của mình nhưng chịu thua bởi vì những tiếng trêu ghẹo ồn ã mấy cô bán báo của đám bạn.

Còn thằng Thuật đứng nhìn cô bé dám xưng “chị đang học đệ nhị lớn tuổi hơn mấy em” để tìm cách tiếp cận. Thằng Thuật cay cú vì nó cảm thấy đang bị "con nhỏ Gia Long" hỗn hào trêu tuổi tác đối với nó. Nó đang học đệ tứ, nhưng năm nay nó đã 18. Dưới quê nó, mấy thằng bạn cùng lứa với nó hồi tiểu học trường làng đã có con.

Tiếng chuông reo báo hiệu giờ học tới bắt đầu. Đám học sinh rời bàn bán báo với vẻ tiếc rẻ. Trong khi đó thằng Thuật  len lén đi tới phía sau lưng cô bé “dám xưng chị” đánh nhẹ vào mông cô bé này một cái.

Cô bé quay lại, nhìn trừng mắt vào mặt thằng Thuật. Nó cười khì khì trơ trẽn nói “mềm thiệt”.

Cô gái đỏ mặt im lặng quay lại dọn dẹp những tờ báo còn sót lại trên bàn...

*Tuổi thơ Sài Gòn và "rạp" chiếu bóng thùng

LÊ VĂN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên