25/11/2015 08:50 GMT+7

NSƯT Thế Hiển: Nhánh lan rừng nở mãi

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TT - Đó cũng là tên của bộ phim tài liệu dài 2 tập do TFS sản xuất, phát sóng lúc 14g ngày 26 và 27-11.

Đoàn phim ghi hình nhạc sĩ Thế Hiển - Ảnh: ĐPCC
Đoàn phim ghi hình nhạc sĩ Thế Hiển - Ảnh: ĐPCC

Hát về anh, Nhánh lan rừng, Người mẹ và hoa sứ trắng, Hát trên nông trường xanh, Nhong nhong nhong, Dấu chấm hỏi, Tóc em đuôi gà... Đó là những ca khúc của người nhạc sĩ, mà hình ảnh của ông luôn gắn liền với cây đàn guitar và những chuyến đi bất tận.

60 tuổi, 40 năm sáng tác, những tác phẩm của nhạc sĩ Thế Hiển gắn bó cùng với sự phát triển của TP. Năm 1980, ông tốt nghiệp chương trình đào tạo của Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Bông Sen và trở thành đơn ca chính của đoàn. Đó là “một bước ngoặt lớn trong cuộc đời” để ông đi vào con đường âm nhạc như ông chia sẻ.

Đạo diễn Trần Quốc Sơn cho biết trong hai tập (mỗi tập 21 phút), bộ phim chỉ là lát cắt trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Thế Hiển. Tập 1 của phim đề cập những ca khúc gắn liền với chiến sĩ bộ đội và tập 2 đề cập những ca khúc về biển đảo và đời sống...

Đoàn phim mất khoảng sáu tháng thu thập tư liệu và ghi hình nhiều nơi trong cả nước. “Đến bất cứ nơi đâu, chúng tôi đều được tiếp đón nhiệt tình. Với những người lính, Thế Hiển là người thân của họ. Còn ở Khánh Hòa, bà con sau khi đi chèo lưới đã đem cá tươi đến tặng đoàn làm phim cùng các anh em biên phòng. Rất tình cảm” - đạo diễn Trần Quốc Sơn cho biết.

Và trong hai tập phim, hình ảnh thường thấy nhất là Thế Hiển với cây đàn trên tay, hát bất cứ ở đâu: trên mảnh đất khô cằn ở đồn bộ đội biên phòng, trên thảm cỏ ở lực lượng thanh niên xung phong hay trên sân khấu giản dị ngay tại làng SOS... Đi nhiều để tích lũy cảm xúc, những ca khúc của nhạc sĩ Thế Hiển vừa rất đời thường vừa đầy ắp tình người.

Bài hát Hát về anh - ca khúc đầu tiên ghi dấu ấn với người lính - được ra đời ngay tại chiến trường vùng biên giới phía Bắc năm 1983. Nhánh lan rừng được viết với cảm xúc về người lính xa nhà ở biên giới Campuchia, được ví von như tấm huy chương được dệt bằng giai điệu, tiết tấu mà nhạc sĩ tặng những người lính làm nghĩa vụ quốc tế...

Hay như bài hát Người mẹ và hoa sứ trắng được nhạc sĩ Thế Hiển sáng tác năm 1989 khi tình cờ xem một phóng sự trên Đài truyền hình TP.HCM về người mẹ hằng ngày đi nhặt hoa sứ trắng tại Bệnh viện 175 bán để nuôi con nằm điều trị tại bệnh viện...

Còn Dấu chấm hỏi với những ca từ da diết: Tại sao sinh em trong cuộc đời mà sao không cho em tình người/Tại sao em lang thang lạc loài/em nào có tội gì đâu/Tuổi thơ em không một mái nhà/Tuổi thơ em không được đến trường/Tuổi thơ em bơ vơ đầu đường/xin từng hạt cơm rơi... được Thế Hiển viết năm 1991 chỉ sau năm giờ khi ông tình cờ gặp một em nhỏ nằm co ro trên phố giữa cái lạnh cắt da thịt của mùa đông Hà Nội...

Nhạc sĩ Thế Hiển chia sẻ: “Nếu không có những người lính, thanh niên xung phong và những trẻ em cơ nhỡ thì sẽ không có sáng tác của Thế Hiển”. Và ở tuổi 60, ông vẫn tiếp tục rong ruổi đến mọi nẻo đường Tổ quốc cùng với cây đàn guitar, giản dị kể cho mọi người những câu chuyện bằng âm nhạc...

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên