20/04/2015 09:27 GMT+7

Nhiều việc phải làm cho đường sách ​Sài Gòn

LAM ÐIỀN
LAM ÐIỀN

TT - Trong ký ức ấu thơ của nhiều người Sài Gòn, không gian sách và những câu chuyện về sách chiếm một “ngăn kéo” không nhỏ.

Một góc hội sách nhân Ngày sách Việt Nam trên đường Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) chiều 19-4 - Ảnh: H.Đăng

Ông Lê Nguyên Ðại - bồi hồi nhớ lại niềm vui hồi nhỏ khi đi tìm mua sách ở hai kiốt của cô Thu, cô Nga ngay góc ngã tư Công Lý - Lê Lợi, hay xông vào tiệm sách đổ đống của ông Tư Chà cũng trên đường Công Lý để lựa chọn thỏa thích.

Theo nhiều người, dân Sài Gòn gắn bó với sách từ rất lâu là một nét văn hóa thị dân sang cả đáng yêu.

Ðó là những tâm sự gặp nhau trong tọa đàm Ðường sách Sài Gòn - tại sao không? được tổ chức vào chiều 18-4 trong khuôn khổ hội sách nhân Ngày sách VN diễn ra tại đường Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM).

Tham gia góp ý là những người làm sách, đại diện các nhà xuất bản, công ty sách và cả nhà sưu tập. Ý tưởng về một con đường sách cho Sài Gòn nhanh chóng được mọi người đồng cảm và hưởng ứng.

Nhà báo Lê Văn Nghĩa - người khởi xướng ý tưởng này trên báo - cho rằng nếu TP.HCM dành riêng con đường Nguyễn Văn Bình này để tổ chức thành đường sách, sẽ hình thành tại đây ba không gian: văn hóa, sách và du lịch.

Ông Lê Văn Nghĩa cũng nhấn mạnh rằng ở TP.HCM hiện chưa có một “con đường văn hóa”, nơi có thể diễn ra các cuộc gặp gỡ giữa giới nhà văn với nhau, giao lưu giữa nhà văn và bạn đọc, đặc biệt là tạo ra không gian của những người mê sách, đến đây tìm kiếm, trao đổi về sách.

“Nên làm không gian mở, dễ chịu, có khoảng không, có bầu trời, tạo hiệu ứng tâm lý thúc đẩy người ta mua sách mặc dù trước khi đến đây có thể người ta chưa có ý định mua sách” - ông Nghĩa hào hứng nói.

Bà Quách Thu Nguyệt - nguyên giám đốc NXB Trẻ - chia sẻ cảm giác ấn tượng khi bắt gặp phố sách cũ giữa lòng thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Từ đó bà suy nghĩ nếu Sài Gòn có một con đường sách, “đây có thể sẽ là hàn thử biểu cho thị trường sách thành phố và cả nước”.

TS Nguyễn Thị Hậu - phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN - cho rằng với vị trí là vùng lõi trung tâm đô thị Sài Gòn, đường Nguyễn Văn Bình nếu tổ chức thành đường sách sẽ trở thành phố đi bộ một cách tự nhiên, cũng sẽ thành di sản của thành phố...

Là người nhiệt tình ủng hộ ý tưởng đường sách Sài Gòn, ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản VN phụ trách phía Nam - cho rằng chúng ta có sự đồng cảm của những người hết lòng vì sách.

Nhưng để từ một con đường như đường Nguyễn Văn Bình trở thành “con đường sách”, khối lượng công việc tương đương quá trình lập và thực hiện một dự án. Ðiều đó cũng có nghĩa là còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết.

Nhà báo Lê Minh Quốc nêu ý kiến khi tổ chức đường sách phải giải bài toán kinh tế cho những người tham gia. Chỉ khi nào người tham gia hoạt động trên đường sách được lợi thì đường sách mới phát triển tự nhiên và bền vững.

Ông Dương Thành Truyền - chủ tịch hội đồng thành viên NXB Trẻ - đặt vấn đề chúng ta muốn có một con đường sách có sức sống hay chỉ để... làm kiểng. Bởi nếu những người tham gia không tìm thấy niềm vui ở đây, không gắn đời sống của mình với đường sách thì đường sách sẽ không có sức sống tự nhiên.

Ðó là chưa kể, để chuyển công năng một con đường từ hoạt động giao thông sang hoạt động sách, cần nhiều ý kiến của các ban ngành liên quan, thậm chí cần phải có ý kiến của Hội đồng nhân dân TP để tạo sự cộng hưởng đồng thuận ở cả chính quyền và người dân. Những nội dung này vẫn còn ở phía trước.           

LAM ÐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên