Chỉ là khách mời nhưng tiết mục biểu diễn góp vui của Bạch Long và Đại Nghĩa cũng chọn cách giả gái khi làm mẹ con Cám trong tiểu phẩm - Ảnh: SV |
* Nguyễn Hữu Chiến Thắng (BTV của VTV 6):
3 “nguy cơ tổn thất”
Tôi có con trai 8 tuổi, năm nay cháu học lớp 3. Cháu là một đứa trẻ yêu thích ca nhạc và có khả năng thẩm âm khá tốt. Cháu rất thích các chương trình văn nghệ, ca hát.
Có lần vô tình bật đúng kênh đang phát chương trình Gương mặt thân quen nhí, cháu xem được một lúc thì chuyển kênh và hỏi tôi: “Bố ơi, sao các bạn toàn nhại lại người lớn thế?”.
Tôi giật mình khi nghe con nói và ngồi xem lại một số tập của chương trình. Đúng là có một vài điểm thú vị. Nhưng điểm thú vị đó không bù đắp được những “nguy cơ tổn thất” rất cao mà chương trình có thể gây ra cho trẻ.
Đầu tiên là việc thui chột khả năng sáng tạo của trẻ. Cứ bắt chước càng giống thì càng được khen, trẻ sẽ chẳng cần suy nghĩ thêm gì. Trong khi đó, chúng ta đang cố gắng hết sức để nuôi dạy một thế hệ thiếu niên sáng tạo, xây dựng đất nước.
Tiếp đến, việc trẻ em gái giả trai cũng có tác hại về mặt tâm lý không kém trẻ em trai giả gái. Không chỉ vậy, việc trẻ hát theo - đồng hành cùng thí sinh hỗ trợ cứ giả gái đến thành thói quen là điều rất nguy hại. Trẻ sẽ xem việc giả giới tính là bình thường.
Khán giả nhỏ tuổi xem truyền hình cũng thế! Điều gì làm mãi sẽ thành thói quen và thói quen xấu được cổ xúy một cách gián tiếp sẽ giết chết thói quen tốt.
Bên cạnh đó, nếu trẻ nhiễm phải suy nghĩ giới tính lẫn lộn là bình thường thì đó là điều cực kỳ nguy hiểm khi trẻ rất có khả năng ngộ nhận về giới tính thật của mình.
Còn một nguy cơ nữa về mặt tâm lý xã hội là sự xúc phạm đến cộng đồng giới tính thứ ba. Trời sinh ra họ thế, đó là nỗi đau sâu thẳm trong họ.
Việc giả gái rất “đồng bóng”, “lòe loẹt” với những cử chỉ lả lơi, nhạy cảm đó sẽ dễ làm họ tổn thương.
Là một phụ huynh quan tâm đến đời sống tinh thần của con, tôi hiểu rằng hiện nay đúng là trẻ con có quá ít gương mặt thần tượng nhí để noi gương, đặc biệt là trong lĩnh vực ca hát - khi các cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi cũng đa số hát nhạc người lớn và nhuộm màu tranh đua dàn dựng.
Tôi hiểu cái khó của những người làm chương trình Gương mặt thân quen nhí. Nhưng như miếng dán cảnh báo sau những chiếc xe hơi: “Cẩn thận, có trẻ em trong xe”. Tôi rất mong các nhà làm chương trình hãy thật sự cẩn trọng, thêm một chút yêu thương, thêm một chút giáo dục, thêm một chút văn hóa sáng tạo vào chương trình mình thực hiện.
Xin nhà sản xuất đừng tặc lưỡi cho rằng: “Ối giời, chương trình giải trí thôi mà, sao nâng quan điểm đến thế”. Xin hãy nhớ rằng trẻ em như tờ giấy trắng và mỗi tác động của người lớn (từ nhà trường đến gia đình và xã hội - nay được thông qua truyền hình) là một nét vẽ lên trang giấy đó!
Bên cạnh đó, chức năng của truyền thông đại chúng ở các kênh truyền hình thì ngoài giải trí ra còn phải đảm bảo tính giáo dục nữa.
Cũng bởi vậy, tôi muốn nhắc lại khẩn thiết: “Hãy cẩn trọng, ở đây có trẻ em”.
* Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A (giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm T.Ư TP.HCM):
Hãy lựa chọn cùng con
Trước hết, về sứ mệnh của nghệ sĩ, đôi khi vì yêu cầu nghề nghiệp họ phải hóa thân thành rất nhiều nhân vật với các tạo hình khác nhau, không ngoại trừ việc giả trai hoặc giả gái. Tất nhiên, việc cải trang đó phải mang đến những giá trị nghệ thuật hay hiệu quả nhất định và cần thiết cho tác phẩm.
Nhưng với trẻ em thì khác. Cho trẻ tham gia hay làm bất cứ việc gì đều phải chọn lọc. Bản thân trẻ chưa có lưới lọc vững vàng để chọn cái nào nên giữ lại, cái nào nên bỏ qua, rất dễ ảnh hưởng bởi những cái xấu hoặc hiểu không hết vấn đề nên chỉ thực hành theo hướng tiêu cực của một sự việc. Và trẻ nếu phải giả trai, giả gái hay xem nhiều quá hình ảnh các diễn viên xuất hiện với bề ngoài không đúng giới tính của mình đều không tốt.
Giới tính tự nhiên là thứ không ai có thể chọn lựa. Nhưng dù là giới tính nào chúng ta đều phải tôn trọng, giữ đúng giới tính, tránh những điều làm lệch lạc giới tính của trẻ. Đó là mục tiêu quan trọng của việc giáo dục giới tính mà hiện nay trong trường học ở tất cả các cấp đều nỗ lực thực hiện. Nỗ lực này không chỉ ở phía nhà trường mà cần sự cộng hưởng từ nhiều phía.
Có một tín hiệu đáng mừng là các đơn vị sản xuất chương trình hiện nay đã bắt đầu lưu ý đến yếu tố giáo dục giới tính cho trẻ, cấm hoặc hạn chế việc cho trẻ tham gia những cuộc giả trai, giả gái không cần thiết. Nhưng không phải nhà sản xuất nào cũng ý thức được điều đó hay có những gạn lọc kỹ lưỡng ngay từ đầu.
Vậy nên gia đình vẫn là nơi bảo vệ, hướng dẫn và giáo dục con trẻ hiệu quả nhất. Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của con.
Vì vậy, các phụ huynh hãy luôn đồng hành cùng trẻ trong mọi hoạt động. Trẻ dưới 18 tuổi luôn cần sự giám hộ của cha mẹ.
Phụ huynh cần cân nhắc, chọn lọc những chương trình phù hợp cho con xem, sân chơi phù hợp cho con chơi.
Trách nhiệm thuộc về nhà sản xuất “Tôi xem chương trình Gương mặt thân quen nhí khá đều và thấy rằng việc các thí sinh người lớn nam hóa thân thành nữ, diễn chung với thí sinh nhí phần lớn do họ bốc thăm trúng nhân vật phải hóa thân, đó là format của chương trình. Đổ lỗi cho các nghệ sĩ cũng tội nghiệp cho họ. Tuy nhiên điều cần nói là vai trò của nhà sản xuất và nhà đài trong việc bố trí, sắp xếp tiết mục của chương trình. Vẫn có nhiều cách để tránh lạm dụng việc giả gái trong các tiết mục, ví dụ như nhà sản xuất, nhà đài đưa danh sách nghệ sĩ hóa thân ít nữ hơn và can thiệp quyết liệt hơn ở các tiết mục nghệ sĩ khách mời biểu diễn...”. |
Giả gái trên truyền hình: thiếu sáng tạo Đã có 51 ý kiến bạn đọc gửi về xung quanh bài viết “Hãy cẩn thận, nơi đó có trẻ em” (Tuổi Trẻ ngày 14-12). Phần lớn ý kiến đều đồng tình với bài viết và bày tỏ sự lo lắng khi các chương trình giải trí truyền hình đang lạm dụng quá nhiều tiết mục biểu diễn giả gái. Trong thời buổi nhà nhà, người người làm truyền hình thực tế như hiện nay, sự cạnh tranh tìm kiếm khán giả, tìm kiếm quảng cáo là một bài toán nan giải cho các nhà sản xuất. Và trong các giải pháp để thu hút khán giả thì “chiêu” nam giả nữ có vẻ như dễ thực hiện lại tạo sự chú ý nên các nhà sản xuất tận dụng triệt để. Không chỉ có ở Gương mặt thân quen nhí, bật tivi vào những ngày cuối tuần đều tràn ngập hình ảnh giả gái. Khán giả Minh Anh (ở quận Tân Bình) cho ví dụ: “Gần đây nhất tối 13-12, ngay trong tiết mục mở màn Ơn giời cậu đây rồi, diễn viên hài Trấn Thành hóa thành nữ ca sĩ da màu Whitney Houston. Rồi Chí Tài biến thành công chúa để thử thách nghệ sĩ Phi Phụng. Xem Cặp đôi hoàn hảo cũng thấy phủ sóng hình ảnh giả gái... Dường như các nhà sản xuất thấy chiêu nam giả nữ dễ tạo được tiếng cười, dễ thu hút khán giả nên lạm dụng quá nhiều”. Nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ cho rằng lạm dụng giả gái còn cho thấy sự nghèo nàn về ý tưởng trong các chương trình giải trí truyền hình hiện nay. Bạn đọc tên Hà bình luận: “Từ nội dung ca khúc tới phong cách biểu diễn tôi thấy chương trình đang già hóa trẻ em. Trẻ em sao lại toàn hát những bài của người lớn. Chúng ta đã hết những bài cho trẻ em sao? Trẻ em sẽ không học được tư duy phản biện và sáng tạo nếu cứ theo kiểu sao chép một hình tượng thành công khác”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận