08/08/2014 04:27 GMT+7

Dàn hợp xướng mang tên Kỳ Diệu

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - 13g chủ nhật hằng tuần, chiếc xe buýt ghé Trung tâm Dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật VN (ngõ Khâm Thiên, TP Hà Nội) rồi lần lượt ghé Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 và làng trẻ SOS.

 

Nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh và các em tại lớp học Dàn hợp xướng Kỳ Diệu - Ảnh: T.Lụa
Nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh và các em tại lớp học Dàn hợp xướng Kỳ Diệu - Ảnh: T.Lụa

18 em nhỏ từ ba trung tâm được các tình nguyện viên ân cần đón lên xe.

Các em được đưa đến Trường quốc tế Hàn Quốc (đường Lê Đức Thọ kéo dài, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Ở đó, cô Trang Trịnh và thầy Park Sung Min đang đợi các em. Và thế là những giờ học âm nhạc bắt đầu. Lớp học của các em mang tên Dàn hợp xướng Kỳ Diệu.

Ước mơ của cô - ước mơ của em

"Cô có một ước mơ, đó là được cùng các em đứng trên một sân khấu thật đẹp để hát cho mọi người nghe, để tặng món quà âm nhạc cho rất nhiều người. Ước mơ ấy của cô không thể thành hiện thực được nếu như không có các em" - nghệ sĩ dương cầm Trịnh Mai Trang (thường được gọi là Trang Trịnh, 27 tuổi) đã chia sẻ với các em như thế vào ngày đầu tiên của lớp học.

Sự bỡ ngỡ, ngại ngùng của các em nhỏ dần dần được xóa tan bởi cách trò chuyện dịu dàng của cô giáo.

Từ những em nhỏ chưa biết gì về âm nhạc, các em được học từng nốt nhạc, từng loại nhạc cụ, cảm nhận về âm nhạc... Buổi học chiều 19-7, cô Trang mở rất nhiều bản nhạc không lời và hỏi các em cảm nhận về từng bản nhạc.

Mặc dù không phải là một nơi đào tạo tài năng âm nhạc, cũng không đặt âm nhạc lên vị trí hàng đầu nhưng sự luyện tập âm nhạc nghiêm túc chính là môi trường nơi các em nhỏ có thể khám phá sự hòa hợp và tình yêu thương một cách sâu sắc nhất.

PARK SUNG MIN và TRANG TRỊNH

“Cô ơi con nghĩ bản nhạc ở châu Phi vì con thấy đen đen”, “Con nghĩ ở châu Mỹ vì con nghe mỹ mỹ”, “Con thấy có mây, có trăng, mà chắc là buổi hoàng hôn vì con thấy buồn buồn”... Các em thi nhau giơ tay, giành nhau trả lời.

Từ những câu hỏi, những bài học giản dị như thế, Trang Trịnh đã dạy các em nghe, cảm nhận về vẻ đẹp của âm nhạc.

Nhìn các em tự tin, hồn nhiên, cười nói rổn rảng, khó ai có thể tin rằng các em đều đến từ trung tâm bảo trợ xã hội, làng trẻ SOS... 18 em trong lớp học là 18 hoàn cảnh khác nhau. Có em mồ côi bố mẹ được gửi vào làng trẻ, có em bị bỏ rơi được trung tâm nhận về, có em bị bạo hành gia đình theo mẹ vào trung tâm sống...

Cậu bé được bầu làm lớp trưởng buổi học hôm ấy là Sùng A Lự (11 tuổi), người dân tộc Mông. Câu chuyện của Lự đã từng được đăng tải trên báo chí làm những ai biết em phải xót xa. Mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc, Lự và cha sống cuộc sống hoang dã trong một hang đá ở Cao Bằng, hằng ngày ăn lá cây và trái rừng để sống.

Năm 2011, hai cha con em được mọi người phát hiện và đưa về sống tại Trung tâm Dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật VN.

Trong quá trình tuyển chọn, nhận thấy Lự có giọng hát và khả năng thẩm âm tốt, cô Trang đã chọn Lự tham gia Dàn hợp xướng Kỳ Diệu. Cùng trung tâm và tham gia lớp học với Lự còn có bé Hải Yến (6 tuổi). Yến bé nhỏ và dễ thương như một chiếc kẹo nhưng lại bị cha bạo hành tới mức phải cùng mẹ bỏ nhà vào trung tâm sống.

Cũng như 16 em còn lại trong lớp, những buổi học đầu tiên Yến và Lự rất tự ti, nhút nhát. Riêng Lự còn nói tiếng Kinh chưa sõi. Hỏi điều gì, cô Trang và thầy Park phải động viên mãi mới có em dám đứng lên trả lời. Bây giờ, sau chín tháng gắn bó cùng nhau tại lớp học, các em đã trở thành những cô bé, cậu bé tinh nghịch, tự tin.

Các em hào hứng với mỗi bài học, mỗi nốt nhạc mới, các em giành nhau trả lời khi cô Trang hỏi, trêu đùa với cô giáo và các tình nguyện viên, các em ỉu xìu khi nghe cô Trang nói thầy Park hôm nay đi công tác nên không đến lớp...

Điều kỳ diệu từ âm nhạc

“Học văn hóa còn chưa xong thì học âm nhạc làm gì” - đó là câu trả lời của nhiều thành viên trung tâm bảo trợ xã hội khi Trang Trịnh và các tình nguyện viên đến tuyển chọn các em tham gia lớp học. Mất một thời gian thuyết phục, thành viên của các trung tâm đã đồng ý khi biết tâm huyết và mục đích của Trang.

“Người ta có định kiến âm nhạc là thứ xa xỉ không phù hợp với các em, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng Trang luôn tin vào điều kỳ diệu mà âm nhạc mang lại cho các em. Các em có hoàn cảnh khó khăn thường thể hiện cảm xúc một cách tiêu cực. Thông qua âm nhạc, các em đã tự tin, dám ước mơ. Các em nhận được sự trông đợi của mọi người qua mỗi buổi biểu diễn, thay vì trước đây chỉ đợi nhận quà tại các trung tâm...” - Trang chia sẻ.

“Chúng tôi đã thuê xe buýt. Tôi lo lắng không biết tài xế có lái xe an toàn không, các em lên xe và đến nơi có đúng lịch trình không? Tất cả những điều nho nhỏ như vậy đều khiến tôi lo lắng. Tôi đợi ở đây và khi thấy xe tới, thấy các em ùa ra và đứng đợi trước cửa, tôi đã thấy vô cùng hạnh phúc” - đó là những chia sẻ giản dị của nghệ sĩ opera người Hàn Quốc Park Sung Min (chồng Trang Trịnh) về ngày đầu tiên các em tới lớp.

Cùng với vợ, hằng tuần anh Park đều đến với Dàn hợp xướng Kỳ Diệu. Khi anh dạy thì Trang đánh đàn và phiên dịch, Trang dạy thì anh đi chỉnh cho các em cách phát âm từng nốt nhạc, từng tư thế khi cầm nhạc cụ...

“Anh chị là những người có tâm, đã truyền cho mình sự nhiệt huyết và chân thành. Mình là một trong những tình nguyện viên hỗ trợ lớp từ ngày đầu tiên. Đi được một chặng đường dài như vậy với các em vì mình thấy ước mơ và những gì anh chị đang làm đẹp quá!” - tình nguyện viên Lê Hoàng Diệu Anh, sinh viên năm 1 Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, hào hứng nói.

Theo học piano từ năm 4 tuổi, 16 tuổi đã sang Anh du học tám năm về dương cầm, biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, đoạt rất nhiều giải thưởng lớn quốc tế... sự nổi tiếng và thành công ấy của nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh có lẽ các em ở Dàn hợp xướng Kỳ Diệu chưa thể cảm nhận hết. Nhưng một cô Trang rất đỗi dịu dàng, rất đỗi ân cần và tận tình với các em trong từng nốt nhạc, trong từng bài học về cuộc sống là điều mà các em đã cảm nhận.

"Lớp học không phải để đào tạo các em trở thành nghệ sĩ mà dạy các em dám ước mơ, dám hi vọng, biết yêu thương, hòa hợp như một gia đình thực thụ” - với mục đích như thế, mỗi giờ dạy, Trang Trịnh đều cúi xuống thật gần với các em, thủ thỉ cho các em nghe rất nhiều câu chuyện về âm nhạc, về cuộc sống...

Âm nhạc và tình yêu thương đi tay đôi

“Khi được xem các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đến từ Venezuela biểu diễn trong một dàn hợp xướng ở Anh, Trang như tìm thấy hình hài ước mơ của mình” - Trang tâm tình về dự án dạy âm nhạc cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Dàn hợp xướng Kỳ Diệu tại VN ra đời vào tháng 11-2013. Chín tình nguyện viên, các giáo viên và các em học sinh tham gia dự án đều hoàn toàn miễn phí.

Park Sung Min và Trang Trịnh chia sẻ: “Trong dự án này, công cụ giáo dục mà chúng tôi luôn tâm niệm sẽ sử dụng chính là tình yêu thương. Các giảng viên, các cộng tác viên là những người làm gương và có sức ảnh hưởng to lớn đến các em nhỏ. Họ chính là những cuốn giáo án chân thực nhất, vì thế họ được tuyển chọn và đào tạo với tôn chỉ cao nhất về năng lực, tinh thần trách nhiệm và hơn cả là tình yêu thương.

Chúng tôi mơ về một gia đình thật sự, nơi sự nghiêm túc và cầu tiến đi đôi với lòng vị tha và sự kiên trì. Âm nhạc và tình yêu thương phải đi tay đôi, thành công sẽ được đánh giá bằng những nụ cười và từng bài hát”.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên