Phóng to |
Nhiều trường học ở phường Núi Sam và xã Vĩnh Tế được xây dựng nhờ tiền công đức ở miếu Bà Chúa Xứ - Ảnh: Đức Vịnh |
Bao du khách đến với lễ hội Vía Bà Châu Đốc đều cảm nhận bộ mặt khu vực núi Sam đã thay đổi nhiều, qua từng năm càng thêm khang trang.
Theo báo cáo của ban quản trị lăng miếu núi Sam, lễ hội Vía Bà hằng năm có hàng triệu khách hành hương đến lễ bái, gần đây tổng số tiền công đức bá tánh cúng dường khoảng 70 tỉ đồng/năm. Phần lớn nguồn thu này đều dành cho trùng tu, tôn tạo thêm các di tích, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở địa phương. Cụ thể như làm đường vòng quanh núi, đường Châu Thị Tế, đường ở khóm Vĩnh Xuyên và Vĩnh Tây 2, nâng cấp đường Thủ Khoa Nghĩa ở phường Châu Phú B và một số tuyến trục lộ khác. Đồng thời đầu tư hệ thống cấp điện nước trên núi Sam, ở khóm Vĩnh Tây, ở xã Vĩnh Châu, đáng nói là xây dựng trạm y tế và hàng loạt ngôi trường trên địa bàn phường và xã Vĩnh Tế ở kế bên. Ngoài ra ban quản trị còn hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách và các đơn vị tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn; đóng góp cho quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ; cất nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn...
“Tiền công đức năm nào sử dụng hết năm đó. Chỉ tính sáu năm nay chúng tôi đã chi 300 tỉ đồng đầu tư các công trình phúc lợi, hơn 30 tỉ đồng cho công tác xã hội từ thiện” - ông Phan Văn Trắng, trưởng ban quản trị lăng miếu, nói. Dự kiến sắp tới địa phương sẽ xây dựng thêm tuyến đường mới quanh núi, sắp xếp lại dân cư với kinh phí gần 340 tỉ đồng từ ngân sách địa phương và từ quỹ công đức của miếu Bà.
Ông Trắng cho biết hiện miếu Bà đặt sáu hòm công đức để du khách đóng góp, định kỳ ban quản trị cho mở hòm trước sự chứng kiến giám sát của hội đồng gồm hội quý tế, phòng tài chính thị xã. Tiền được kiểm tra chặt chẽ, có lập biên bản, niêm phong. “Tất cả các khoản tiền và vàng đều gửi vào ngân hàng, lãi cũng nhập vào đó, khi cần sử dụng thì chuyển khoản” - ông Trắng nói. Ngoài ra gạo muối, vật cúng tế, nhang đèn sử dụng không hết thì cấp phát cho nhiều đình chùa. Mỗi đợt tết, ban quản trị hỗ trợ dân nghèo hàng chục tấn gạo cùng nhiều loại thực phẩm khác.
Ông Mai Minh Hùng, phó chủ tịch UBND thị xã Châu Đốc, cho biết UBND thị xã có quy chế sử dụng tiền công đức ở miếu Bà, hằng năm đều lên kế hoạch phân bổ, sử dụng cụ thể. “Ngoài chi cho công tác an ninh trật tự, hoạt động lễ hội, tôn tạo các di tích... thì 70% được sử dụng cho đầu tư các dự án phúc lợi xã hội ở địa phương” - ông Hùng khẳng định.
Ông Thái Công Nô, phó ban quản trị lăng miếu núi Sam, kể hiện nay ban quản trị gồm 1 trưởng ban, 3 phó ban và 143 nhân viên, trong đó có bộ phận hành chính quản trị, bộ phận kế toán, bộ phận kiểm tiền với 20 thành viên. Các nhân viên đều có hợp đồng lao động với mức lương căn cứ theo khung nhà nước như một đơn vị hành chính sự nghiệp. “Thấy mình tổ chức quản lý tốt, du khách càng tin tưởng cúng Bà nhiều hơn, quỹ công đức từ đó tăng đột biến. Trước đây mỗi năm chỉ 30 tỉ đồng, mấy năm nay trung bình 70 tỉ đồng, năm nay dự kiến 80 tỉ đồng” - ông Nô cho hay.
Mô hình cần nhân rộng Ông Nguyễn Văn Lên, giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang, cho biết nhiều lần đoàn công tác của Bộ VH-TT&DL về kiểm tra đều đánh giá việc quản lý, sử dụng tiền công đức ở lăng miếu núi Sam minh bạch, hiệu quả, đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Theo ông Lên, đây là mô hình xã hội hóa làm tốt công tác trùng tu tôn tạo di tích, đầu tư công trình phúc lợi, công tác xã hội cần được học tập, nhân rộng. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Chở tiền công đức đi đâu?Kiểm điểm vụ "chở tiền công đức đi đâu?" Kỳ 1: Đồng tiền công đức đi đâu? Kỳ 2: Những hệ lụy bi hài của “hòm công đức”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận