Phóng to |
Bộ sưu tập đồ cổ của học giả Vương Hồng Sển hiện được cất giữ và trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) - Ảnh: Thuận Thắng |
* Thưa ông, hiện trạng của di tích nhà cổ cụ Vương qua khảo sát hiện nay như thế nào? Phía cơ quan quản lý có biết chuyện căn nhà đã thành nơi bán ốc?
- Di tích nhà cổ dân dụng truyền thống của cố học giả Vương Hồng Sển được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 2003. Về hiện trạng, khối nhà chính với kết cấu gỗ hiện đang trong tình trạng xuống cấp, khuôn viên di tích thấp so với khu vực xung quanh. Hiện có 12 nhân khẩu đã đăng ký thường trú/tạm trú tại đây, trong đó có ba người cháu nội của cụ Vương cùng một vài họ hàng. Đối với việc buôn bán tại đây như phản ánh, các cơ quan chức năng của Q.Bình Thạnh và P.14 đã tiến hành kiểm tra, giải quyết.
* Trải qua chín năm kể từ ngày căn nhà được xếp hạng di tích nhưng vẫn chưa thể đưa vào trùng tu, tôn tạo và phục vụ cộng đồng như di nguyện của cụ Vương. Việc kéo dài thời gian như vậy đã và sẽ ảnh hưởng thế nào đến “Nhà trưng bày sưu tập Vương Hồng Sển” (nếu có) trong tương lai?
- Do nhiều nguyên nhân, việc khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế của các cháu nội cụ Vương với cơ quan nhà nước đã diễn biến rất phức tạp. Từ năm 2003 theo quyết định của UBND TP thì Q.Bình Thạnh, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và Sở Văn hóa - thông tin (cũ) có trách nhiệm phối hợp thông báo di dời các nhân, hộ khẩu đang cư ngụ tại nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật để thu hồi nhà di tích. Tuy nhiên, trải qua chín năm nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa thực hiện được việc di dời các nhân khẩu do phát sinh khiếu nại và việc bà Vương Hồng Liên Hương đã khởi kiện tại TAND TP về tranh chấp di sản thừa kế với UBND TP, Sở Văn hóa - thông tin (cũ) và Bảo tàng Lịch sử TP.
Trên thực tế từ tháng 6-2006, Sở Văn hóa - thông tin đã lập báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích nhà cụ Vương nhưng cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện được do chưa được tiếp nhận bàn giao nhà di tích. Sự kéo dài này đã dẫn đến tình trạng xuống cấp hiện nay của căn nhà cổ này và chắc chắn sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức để trùng tu.
* Trong di chúc khi quyết định hiến nhà, cụ Vương yêu cầu Nhà nước trợ cấp cho các cháu nội của mình đến tuổi trưởng thành. Việc này đã được thực hiện như thế nào? Tại sao lại phát sinh vụ kiện đòi quyền thừa kế di sản?
- Theo ý nguyện của cụ Vương, thông qua Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, TP đã chi trả hỗ trợ cho các cháu nội cụ từ năm 1997 đến nay, mặc dù hiện nay họ đều đã trưởng thành. Mặt khác, tuy không thuộc ý nguyện của cụ Vương nhưng UBND TP vẫn tiến hành giới thiệu nơi ở mới cho các cháu của cụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tu bổ, trưng bày tại di tích.
Sở Xây dựng, UBND Q.Bình Thạnh đã giới thiệu những ngôi nhà như căn hộ tại chung cư Minh Phụng hoặc căn nhà mặt tiền tại đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh) có giá ở thời điểm đó là 7,8 tỉ đồng, nhưng đều không nhận được sự đồng ý của các cháu nội cụ Vương.
Yêu cầu được bà Vương Hồng Liên Hương (cháu nội cụ Vương) đưa ra là: “Về nhà ở: Chúng tôi đề nghị được nhận ba căn nhà có giá trị tương đương nhà 91 Vạn Kiếp, Q.Bình Thạnh. Vì chúng tôi đã lớn cần phải có cuộc sống riêng tư và như vậy mới tạm tương xứng với một phần căn nhà di sản của ông bà nội chúng tôi để lại. Về cổ vật: Chúng tôi đề nghị được nhận số tiền 10 tỉ đồng để làm vốn sinh sống và thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho cha tôi là Vương Hồng Bảo”.
* Vậy trở ngại của toàn bộ chuyện này là do mong muốn của người đời sau đã vượt quá di nguyện của người đã khuất?
- Thật ra chuyện này còn liên quan đến bản án năm 1998 của ông Vương Hồng Bảo (con trai cụ Vương Hồng Sển) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân. Bản án này xác định: “Về trách nhiệm dân sự, do ông Vương Hồng Sển đã hủy bỏ tờ di chúc và hiến tất cả cổ vật, sách quý và một phần tài sản thuộc quyền sở hữu của ông cho Nhà nước, nên bị cáo Vương Hồng Bảo chỉ còn được hưởng di sản theo diện thừa kế pháp luật trên phần di sản của mẹ chết để lại theo quyết định của Bộ luật dân sự. Để khắc phục một phần hậu quả, trong giai đoạn thi hành án sẽ phát mãi một phần tài sản mà bị cáo Vương Hồng Bảo được hưởng theo thừa kế pháp luật để trả tổng số tiền là: 5.350.915.000 đồng + 1.001,5 chỉ vàng và 46.700 USD cho bị hại”. Trách nhiệm dân sự của ông Vương Hồng Bảo theo bản án nêu trên chưa được thi hành, đến ngày 22-12-1998 ông Bảo đã chết trong tù. Như vậy toàn bộ số nợ đó vẫn chưa được giải quyết. Và đến tháng 10-2005, bà Vương Hồng Liên Hương tiến hành khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế đối với cơ quan nhà nước.
* Vụ kiện đã được phán quyết thế nào?
- TAND TP.HCM đã ra quyết định tách vụ án dân sự đã thụ lý làm hai vụ án khác nhau: tranh chấp nhà và cổ vật, sách. Về tranh chấp nhà, TAND TP đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, trả lại đơn kiện cho bà Hương. Đến nay, quyết định này không bị kháng nghị hoặc phát sinh tình tiết khác theo quy định, cần được cơ quan thi hành án xem xét hướng dẫn để kết thúc quá trình tố tụng. Riêng về cổ vật và sách, đến nay tòa án vẫn chưa thông báo hoặc quyết định giải quyết tranh chấp di sản thừa kế liên quan các cổ vật và sách.
* Trong khi chờ đợi, hiện nay phía Sở VH-TT&DL TP.HCM có biện pháp gì để bảo vệ di tích này? Và dự kiến đến khi nào thì có thể thực hiện được?
- Căn cứ theo chức năng và nhiệm vụ, Sở VH-TT&DL TP.HCM có trách nhiệm chính trong việc quản lý nhà di tích Vương Hồng Sển, nhưng thực tế là cơ quan văn hóa không thể giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến tranh chấp dân sự, quản lý nhân khẩu và bảo đảm trật tự tại di tích. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều công việc liên quan nhằm bảo vệ di tích, từ việc triển khai di dời tạm bảo quản cổ vật, sách về bảo tàng và thư viện, tổ chức lập hồ sơ khoa học và xếp hạng di tích, trình duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích, xử lý cây có khả năng ngã đổ vào nhà di tích...
Chúng tôi thật sự mong muốn có sự hợp tác của các cháu nội cụ Vương, tạo điều kiện để cơ quan nhà nước thực hiện công tác bảo vệ, phát huy giá trị của di tích.
Tiếc những gốc mai! Lời kể của một người cháu trong gia đình cụ Vương: “Tôi không liên quan gì đến vụ tranh chấp quyền thừa kế di sản. Khi những chuyện này xảy ra, điều tôi tiếc nhất là những gốc mai mà ông nội đã trồng khi xây nhà. Hồi đó trong vườn có năm gốc mai lớn rất quý, còn có thêm một số cây khác như sầu riêng, xabôchê, xoài. Mỗi lần gần tết, tôi hay giúp ông lặt lá mai, đến tết mai nở bung rất đẹp. Nhưng cách đây hai năm, tôi thấy người ta đã chặt hết những cây mai, bứng cả gốc và đem lên xe cẩu đi nơi khác, nghe đâu là bán cho khu du lịch Bình Quới. Tôi có hỏi thì người bên phía gia đình chú Bảo (ông Vương Hồng Bảo) cho biết đã chặt mai theo yêu cầu của ủy ban phường nhằm chống muỗi. Nhưng tôi nghĩ cây mai đâu có liên quan gì đến muỗi. Bây giờ thì trong vườn chỉ còn cây xoài, nhìn rất trơ trọi và hoang tàn bên cạnh quầy tạp hóa, quán ốc ngay trong khuôn viên nhà. Tôi nghĩ ngày xưa ông nội đã làm đúng khi di chúc hiến nhà cho Nhà nước làm bảo tàng, và Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho những người cháu, nếu không thì có thể căn nhà này đã thuộc về chủ nợ sau vụ án của chú Bảo. Ngày xưa lúc ông nội còn sống, tôi thường giúp ông bôi dầu nhớt vào khe cửa, cột kèo, gầm bàn, ghế, tủ để tránh mối mọt, nhưng nếu cứ tranh chấp không đi đến đâu như thế này hoài thì căn nhà sẽ ngày càng xuống cấp và không thể làm gì được”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận