23/10/2009 06:12 GMT+7

Vị đại tá cõng gạo cứu dân

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Trong đoàn quân cõng gạo băng rừng đi cứu dân bị bão lũ những ngày vừa qua ở Kontum, nhấp nhô những mái đầu xanh của các chiến sĩ trẻ có ba mái đầu tóc muối tiêu, đều mang quân hàm đại tá. Một trong số đó là đại tá Lê Minh Thương.

Vị đại tá cõng gạo cứu dân

TT - Trong đoàn quân cõng gạo băng rừng đi cứu dân bị bão lũ những ngày vừa qua ở Kontum, nhấp nhô những mái đầu xanh của các chiến sĩ trẻ có ba mái đầu tóc muối tiêu, đều mang quân hàm đại tá. Một trong số đó là đại tá Lê Minh Thương.

ImageView.aspx?ThumbnailID=370135
Lúc nào đại tá Lê Minh Thương cũng sẵn sàng lên đường-Ảnh:T.B.D.

Năm nay ông 51 tuổi, đang là trưởng ban khoa học lịch sử Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kontum. Suốt chuyến hành quân, ông thường dẫn đầu đoàn, sải những bước chắc nịch trên từng lối nhỏ giữa bộn bề đổ nát vào cứu dân trong thời điểm nguy khốn nhất.

Lưu dấu chân trên từng tấc đất

Xuất phát từ 2g chiều, trong đêm 5-10 chỉ huy và anh em chiến sĩ được lệnh ngủ lại xã Đăk Rơ Ông để theo kế hoạch ngày 6-10 sẽ cõng hàng tiếp tục luồn rừng vào cứu đói người dân vùng cô lập xã Đăk Na.

Sáng 6-10, đại tá Lê Minh Thương và đại tá Trịnh Ngọc Thuấn (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh) cùng anh em cõng hàng vượt núi. Thấy hai vị đại tá chất gạo cùng những thùng mì lên lưng, anh em chiến sĩ trẻ ra sức can ngăn. Hai ông cười: “Chúng tôi già thì có già nhưng các bạn khó đà theo kịp!”.

Đại úy Phùng Trung Văn - chính trị viên tiểu đoàn B04, trung đoàn 990, Bộ chỉ huy quân sự Kontum - cho biết suốt chuyến hành quân, thấy chỉ huy Thương cùng đại tá Thuấn tóc đã ngả bạc, sức khỏe đã yếu nhiều, anh em thương lắm, ai cũng đòi cõng thay nhưng chính hai ông vừa gùi hàng vừa động viên chiến sĩ: “Ta lại tiếp tục hành quân, đi để lưu dấu chân mình trên mỗi tấc đất Tổ quốc!”. Các chiến sĩ trẻ nghe vậy như được tiếp thêm sức lực. Chuyến cõng hàng gian khó đó nhờ vậy đến được với người dân sớm hơn dự kiến.

Người lính Cụ Hồ thời nào cũng thế

Đại tá Lê Minh Thương đã có 33 năm khoác áo chiến sĩ. Qua lời những đồng đội, chừng ấy thời gian ông sống trong quân ngũ là chừng ấy thời gian ông sống hết mình. Ngày nhận giấy báo vào Đại học Lâm nghiệp, chàng trai trẻ ấy đã gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. “Tôi ngưỡng mộ màu áo xanh bộ đội từ nhỏ, mê lắm. Cứ ước ao đến một ngày nào đó mình cũng được bồng súng oai phong trong hàng ngũ người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ” - ông kể lại.

Trải qua nhiều công tác, nhiều chức vị, về sau ông được điều về làm công tác giảng dạy tại trường quân sự tỉnh. Ông kể đó là thời gian hào hùng nhất, sục sôi tinh thần và cũng đầy ắp những kỷ niệm của cuộc đời người lính. “Đã là lính thì tinh thần chiến thắng gần như tất cả, lúc nào cũng thấy mình sống và cống hiến như chưa đủ, máu trong người lúc nào cũng sục sôi” - ông nói.

Tuy làm công tác giảng dạy nhưng ông vẫn thường xuyên cùng anh em hành quân những ngày dài dọc các vùng biên giới những năm xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam hay chống Fulro. Những ngày hành quân dọc trên bãi bom mìn, dựng tuyến phòng thủ vì địch có thể xâm nhập bất cứ lúc nào... Lúc đó, một thời gian dài, sự sống - cái chết chỉ là gang tấc nhưng chưa bao giờ ông cùng đồng đội dao động. Ông bảo đó là những ngày tháng tuổi trẻ đẹp nhất của đời mình.

“Mỗi thế hệ có một hoàn cảnh khác, tôi thấy hạnh phúc vì được khoác màu áo người lính, ấm áp vì được dân quý mến và nhất là chứng kiến anh em binh lính trẻ bây giờ vẫn giữ được hình ảnh của bộ đội mình ngày xưa. Tôi nghiệm ra một điều: người lính Cụ Hồ thì thời nào cũng thế”.

THÁI BÁ DŨNG

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên