09/03/2015 10:25 GMT+7

​Ấn - Trung chạy đua tăng chi phí quốc phòng

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Mới đây bà Phó Oánh, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc, loan báo Bắc Kinh sẽ tăng kinh phí cho quân đội khoảng 10% trong năm 2015.

Binh sĩ Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở tỉnh Cát Lâm - Ảnh: Reuters

Trung Quốc cho tăng ngân sách quốc phòng ở mức hai số, bất chấp tỉ lệ tăng trưởng GDP chỉ đạt 7,4% năm 2014, không đạt chỉ tiêu là 7,5%.

Trong thực tế, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2015 này sẽ là 145 tỉ USD, so với 129 tỉ USD của năm 2014. Tất nhiên, Trung Quốc vẫn có thể phân bua rằng ngay cả với mức tăng này, ngân sách quốc phòng của mình vẫn còn kém xa ngân sách quốc phòng Mỹ, năm ngoái là 581 tỉ USD.

Song, một sự so sánh giữa ngân sách quốc phòng Mỹ và Trung Quốc sẽ là khập khiễng khi quy mô dàn trải quân sự của Mỹ là ở cấp độ toàn cầu, trong khi quy mô quân sự Trung Quốc mới chỉ là nội bộ và khu vực.

Muốn hay không, các nước khu vực vẫn phải lo lắng khi nhìn lại và thấy rằng từ năm 1995 đến nay Trung Quốc đã tăng ngân sách quân sự của mình đến 500%. Có thể chứng kiến những tác động của việc Trung Quốc không ngừng tăng ngân sách quốc phòng như thế qua việc Bắc Kinh đã và đang tự xác định vị thế thượng phong của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những mệnh đề như “Bắc Kinh hiện đang có tranh chấp với Nhật ở biển Hoa Đông, với Việt Nam, Philippines, Malaysia ở biển Đông, tranh chấp biên giới với Ấn Độ dọc dãy Himalaya” không chỉ là những khái niệm mà là hành động thực tế.

Những ồn ào từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 chẳng qua nhằm che khuất cả một chiến dịch nạo vét và xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa để làm căn cứ quân sự tiền phương.

Đây rõ ràng không phải là để “phòng thủ đúng với nội dung được ghi trong hiến pháp” theo như giải thích của bà Phó Oánh.

Song song với việc phát triển hải quân ráo riết như thế, Trung Quốc cũng đang phát triển khả năng tấn công hạt nhân bằng tên lửa đạn đạo và tàu ngầm, cũng như tàu sân bay thứ hai. Trung Quốc còn đang phát triển một loạt hệ thống vũ khí khác làm thay đổi sự cân bằng quốc phòng ở châu Á, bao gồm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và các loại vũ khí siêu thanh.

Trong vòng xoáy tăng cường binh bị và thể hiện mưu đồ bằng hành động trong thực tế đó của Trung Quốc, các nước láng giềng vất vả rượt đuổi.

Láng giềng đông dân nhất của Trung Quốc là Ấn Độ cho dù năm nay có quyết liệt tăng ngân sách quốc phòng đến 11%, lên 40 tỉ USD cho tài khóa bắt đầu từ ngày 1-4, cũng vẫn chỉ tương đương 1/3 ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Và tỉ lệ này không thay đổi từ nhiều năm qua.

Tuy nhiên, rõ ràng là chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã nhấn mạnh đến quốc phòng bằng cách này hay cách khác, chứ không chỉ bằng ngân sách vốn đang phải tập trung cho phát triển kinh tế và dân sinh.

Là nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, đến 6 tỉ USD năm 2013, Ấn Độ nay đã tìm ra cách “liệu cơm gắp mắm” để mua sắm được nhiều nhất và tốt nhất cũng với chừng đó tiền bỏ ra.

Tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng Modi đã bật đèn xanh cho phép các nhà thầu nước ngoài liên doanh trong các dự án quốc phòng của Ấn Độ được tham gia góp vốn từ 26% lên đến 49%, tức nâng cao năng lực sản xuất vũ khí.

Đây là một nỗ lực nhằm giảm giá thành vũ khí mà cho tới nay Ấn Độ vẫn thường phải nhập khẩu, chủ yếu là từ các nước phương Tây. Đây là một kế sách dài hơi cho kế hoạch nhập khẩu vũ khí lên đến 100 tỉ USD trong những năm tới.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên