28/06/2017 21:24 GMT+7

Châu Âu tiếp tục gia hạn trừng phạt Nga 

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Liên minh châu Âu (EU) ngày 28-6 tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga đến ngày 31-1-2018, cấm các công ty Mỹ và châu Âu đầu tư vào năng lượng, quốc phòng và tài chính với Matxcơva.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hình chụp trước buổi nói chuyện với các em thiếu nhi ở tỉnh Gurzuf, bán đảo Crimea ngày 27-6 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hình chụp trước buổi nói chuyện với các em thiếu nhi ở tỉnh Gurzuf, bán đảo Crimea ngày 27-6 - Ảnh: Reuters

Các lãnh đạo EU đã đồng thuận về việc mở rộng lệnh trừng phạt trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) tuần trước. Cho đến hết tháng 1 năm sau, EU vẫn sẽ thực hiện việc hạn chế giao thương ở các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính đối với Nga.

Dưới lệnh trừng phạt này, các công ty Mỹ và châu Âu bị cấm làm ăn hoặc đầu tư vào những ngành công nghiệp năng lượng, quốc phòng của Nga, trong khi lĩnh vực tài chính thì bị giới hạn đáng kể dù không cấm hoàn toàn.

Các công ty châu Âu, theo lệnh này, cũng không được phép vay hoặc cho vay thời hạn trên 30 ngày, đối với 5 ngân hàng nhà nước của Nga, một bước đi nhằm ngăn không cho phía Nga gây quỹ.

Bất kể các hợp tác, giao dịch nào liên quan tới những công ty năng lượng lớn của Nga hoặc việc xuất khẩu trang thiết bị dính tới công nghệ - năng lượng, đều phải có sự chấp thuận của chính phủ các nước EU.

Lệnh trừng phạt kiểu này được EU áp lên Nga từ năm 2014, thời điểm Brussels phản đối việc sáp nhập bán đảo Crimea cũng như cáo buộc Nga tiếp tay cho quân nổi dậy tại miền đông Ukraine. 

Trong khi đó phái Nga bác bỏ việc tiếp tay cho quân nổi dậy.

Vấn đề này khiến quan hệ giữa Nga - EU tiếp tục căng thẳng, và các lệnh trừng phạt kinh tế cứ đều đặn gia hạn 6 tháng một lần tính đến nay.

Mấu chốt trong sự việc này có thể được quy về hiệp định hòa bình cho Ukraine, được các bên đồng thuận tại Minsk, thủ đô của Belarus, bao gồm lãnh đạo của Pháp, Đức, Ukraine và Nga trong năm 2015.

EU nhiều lần nói rằng việc trừng phạt Nga sẽ được dỡ bỏ nếu hiệp định Minsk được các bên tôn trọng và thực hiện. Tuy nhiên, liên tục xuất hiện các cáo buộc nói rằng Nga không cho thấy nỗ lực cho giải pháp hòa bình này.

Cuộc chiến tại miền đông Ukraine giữa quân đội chính phủ và các tay súng nổi dậy ở Donetsk và Luhansk đã làm chết hơn 10.000 người kể từ tháng 4-2014.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên