04/04/2017 16:18 GMT+7

2 năm, hơn 600 người chết trong nhà tù Malaysia

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Tình hình đáng báo động tới mức Ủy ban Nhân quyền quốc gia Malaysia (Suhakam) ngày 4-4 đã phải lên tiếng quan ngại, kêu gọi cải tổ hệ thống nhà tù ở nước này.

Bên ngoài trung tâm giam giữ người nhập cư Bukit Jalil ở Kuala Lumpur - Ảnh: Reuters

Theo báo cáo nhân quyền thường niên năm 2016 của Suhakam, chỉ tính riêng trong hai năm 2015 và 2016, tổng cộng đã có 639 người chết trong các nhà tù và trung tâm giam giữ người nhập cư của Malaysia.

Trong đó, có 118 người nước ngoài, bao gồm những người nhập cư không giấy tờ, dân tị nạn. Gần một nửa trong số này là người đến từ Myanmar, Reuters dẫn báo cáo cho biết.

Phần lớn những người này đều chết do bệnh tật phát sinh trong quá trình bị giam giữ như viêm phổi, các bệnh liên quan tới tim và bệnh xoắn khuẩn vàng da do chủng Leptospira gây ra.

Những người được Reuters liên hệ, bao gồm các cựu tù nhân, các cơ quan chính phủ Malaysia và những nhóm hoạt động xã hội Malaysia, đều khẳng định điều kiện sinh hoạt của tù nhân rất tệ. Riêng trong năm 2015 có 12 người chết khi bị giam trong các đồn cảnh sát Malaysia.

Các trại giam thường bị quá tải và mất vệ sinh dẫn tới phát sinh các bệnh ngoài da, viêm phổi và một số bệnh truyền nhiễm khác.

Nhiều người nói họ không được cho ăn đầy đủ, thiếu nước và các dịch vụ khám chữa bệnh; có người còn cáo buộc đã bị lính canh đánh hoặc thấy những người khác bị đánh trong tù.

Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền quốc gia Malaysia Razali Ismail - Ảnh: The Malaysia Online

Người đứng đầu Suhakam, ông Razali Ismail, thừa nhận quyền con người của những người tù rất ít khi được quan tâm đúng mức ở Malaysia.

"Có rất ít sự quan tâm dành cho vấn đề nhân quyền của những người bị giam giữ. Thái độ ngó lơ này được phản ánh qua các ưu tiên trong ngân sách của chính phủ và việc dành các nguồn lực sẵn sàng cho việc duy trì và vận hành các trung tâm giam giữ", Reuters dẫn lời ông Razali nói.

Căn cứ vào đạo luật nhân quyền của Malaysia năm 1999, Suhakam đã đều đặn trình các báo cáo về tình hình nhân quyền của đất nước lên Quốc hội Malaysia kể từ năm 2002.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay không một báo cáo nào được đưa ra thảo luận trong các phiên họp của Quốc hội Malaysia, The Star cho biết.

Sự trì trệ này đã khiến Suhakam mất kiên nhẫn và người đứng đầu nó đã phải lên tiếng, kêu gọi Quốc hội Malaysia cần phải có vai trò tích cực hơn nữa, thúc đẩy cải tổ hệ thống nhà tù và điều kiện sinh hoạt tại các cơ sở giam giữ.

"Là một bộ phận chính yếu của nhà nước, Quốc hội phải có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ và tôn trọng các quyền con người, thực hiện các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Malaysia cùng với nhánh hành pháp và tư pháp", báo The Star dẫn lời ông Razali nhấn mạnh.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên