08/11/2016 17:04 GMT+7

​Bầu cử Mỹ vào giờ quyết định, kết quả rất sít sao?

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Kịch tính. Điên rồ. Hấp dẫn... Có quá nhiều từ ngữ để mô tả về cuộc tranh cử kéo dài của hai ứng cử viên D.Trump và H.Clinton. Giờ đây, cuộc đua tạm dừng. Cả hai nín thở chờ đợi kết quả bỏ phiếu.

Hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton - Ảnh: Reuters

Bảy cử tri của làng Dixville Notch, ở heo hút phía đông bắc nước Mỹ, trên vùng núi Appalaches của bang New Hampshire đã hoàn tất cuộc bỏ phiếu.

Đúng 0g ngày 8-11, cử tri Clay Smith đã bỏ lá phiếu của mình vào thùng để trở thành cử tri đầu tiên bỏ phiếu trong "Ngày bầu cử" của Mỹ. Tiếp đó bốn nam cử tri cùng hai nữ cử tri của ngôi làng giáp giới Canada này hoàn tất nghĩa vụ công dân. Dường như số nhà báo có mặt để ghi hình còn nhiều hơn cả số cử tri tại đây.

Đây là truyền thống có từ năm 1960, đem về làng Dixville Notch danh hiệu vui vui "First in the Nation" (Nơi bầu cử sớm nhất nước).

Còn một ngày dài

Dù vậy, toàn dân Mỹ bắt đầu bỏ phiếu sau một vài giờ nữa. Có lẽ năm nay là một kỳ bầu cử gây cho họ tâm trạng khác thường dù tất cả các bước của cuộc bầu cử vẫn như mọi khi.

Cho đến sát giờ bỏ phiếu, kết quả thăm dò của Economist-YouGov cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton được 45% số cử tri ủng hộ, nhiều hơn đối thủ Donald Trump 4%; về số phiếu đại cử tri, tính toán của Reuters/State of the Nation cho thấy bà Clinton sẽ đạt 303 phiếu và ông Trump chỉ được 235. Mức tỉ lệ trung bình của các cuộc thăm dò được trang Real Clear Politics thống kê vào sát giờ cho thấy bà Clinton đạt 47,2% mức ủng hộ so với 44,2% của ông Trump.

Kết quả đích thực của cuộc bầu cử, theo dự kiến bắt đầu được công bố theo từng bang đã kết thúc bỏ phiếu, sẽ thể hiện dần từ sáng 9-11 (giờ VN). Tuổi Trẻ Online sẽ cập nhật liên tục.

Bà Laurence Nardon, phụ trách chương trình Bắc Mỹ tại Viện Quan hệ quốc tế (IFRI) dự đoán với đài France Info rằng kết quả cuối cùng sẽ "so kè sít sao" như trường hợp từng xảy ra vào năm 2000 giữa Al Gore và George W. Bush.

Theo bà, ứng viên Trump vẫn còn chút hi vọng vì có thể trông vào lá phiếu của "số cử tri thầm lặng".

Đây là tầng lớp cử tri da trắng đã bị thiệt thòi vì quá trình toàn cầu hóa và cảm thấy bị chính quyền dối lừa trong nhiều năm liền.

"Họ đã chọn ông Trump vì thấy rằng ông là người có thể bảo vệ quyền lợi cho họ", chuyên gia của Pháp giải thích. 

Cuộc đua lưỡng viện

Cũng cần biết rằng trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 58 này, khoảng 225 triệu cử tri của 50 bang, thủ đô Washington và các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ không chỉ bầu chọn Tổng thống, mà sẽ còn quyết định đối với toàn bộ 345 ghế Hạ viện, 34 trong 100 ghế Thượng viện, cùng thống đốc các bang.

Cuộc chạy đua giành ghế tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ được đánh giá đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai chính trị, kinh tế và xã hội của nước Mỹ.

Cuộc tranh cử vào hai viện của Quốc hội Mỹ cũng nóng không kém cuộc bầu cử Tổng thống. Tại Thượng viện 100 ghế, hiện đảng Cộng hòa đang nắm quyền chi phối với tỷ lệ 54 - 46. Đảng Dân chủ cần bảo toàn số ghế hiện có và giành thêm 5 ghế để trở thành phe đa số kiểm soát Thượng viện.

Đây được coi là một nhiệm vụ khả thi khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đại diện của hai đảng tại các bang vốn thuộc Cộng hoà như Illinois, Indiana, Missouri, New Hampshire, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin có sự ủng hộ cân bằng nhau.

Nhiệm vụ của đảng Dân chủ sẽ còn nhẹ nhàng hơn nếu bà Hillary Clinton đắc cử. Khi đó đảng Dân chủ chỉ cần thêm 4 ghế để tạo ra cục diện 50 - 50 và Phó Tổng thống Tim Kaine, với tư cách Chủ tịch Thượng viện Mỹ, sẽ can thiệp mỗi khi không bên nào chiếm thế đa số sau bỏ phiếu.

Trong khi đó, Hạ viện 435 ghế cũng là một "chiến trường khốc liệt" nếu một đảng giành chiến thắng kiểm soát cả Nhà Trắng và Thượng viện. Hiện phe Cộng hòa đang nắm giữ đa số ghế tại Hạ viện với tỷ lệ 247 - 188.

Phe Dân chủ cần giành được 30 ghế để có thể chi phối Hạ viện nhưng điều này được cho là bất khả thi. Việc giành được 30 ghế tại Hạ viện đồng đòi hỏi đảng Dân chủ phải giành chiến thắng gần như mỗi bang mà đảng Cộng hòa đang nắm giữ.

Ngoài ra, một số nghị sĩ Cộng hòa có uy tín hiện đang nắm giữ tại các bang vốn là thành trì của đảng Dân chủ cũng khó có khả năng bị đánh bại.

Giới quan sát dự đoán đảng Dân chủ có thể sẽ giành thêm từ 12 - 15 ghế, nhưng chưa đủ để giành lại thế đa số tại đây, và đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

phi hành gia Shane Kimbrough - Ảnh: AFP
Phi hành gia Shane Kimbrough trước giờ bay vào không gian - Ảnh: AFP

Ngày 7-11, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo phi hành gia Shane Kimbrough đã trở thành nhà du hành Mỹ tiếp theo bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống từ không gian. Kimbrough đang cùng hai nhà du hành Nga thực hiện sứ mệnh kéo dài 4 tháng trên Trạm Không gian quốc tế (ISS). 

Tuy nhiên Shane đã không thông báo anh bầu chọn cho ai.

Theo luật của bang Texas ban hành vào năm 1997, các nhà du hành Mỹ có quyền bỏ phiếu bầu Tổng thống từ bên ngoài vũ trụ bằng cách gửi thư điện tử về trung tâm kỹ thuật thuộc NASA

Mời bạn đọc xem bảng ghi nhận thời gian bỏ phiếu và công bố kết quả bầu cử Mỹ tính theo giờ VN:

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên