11/10/2016 10:25 GMT+7

Hàn Quốc không để yên vụ tàu cá Trung Quốc hung hăng

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Bất chấp lời kêu gọi "giữ cho cái đầu lạnh" từ Bắc Kinh, sáng nay chính quyền Seoul đã gửi đi phản ứng chính thức về vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu tuần duyên của Hàn Quốc.

South Korean Mokpo Coast Guard
Tàu cá trái phép của Trung Quốc bốc cháy sau khi bị lực lượng chức năng Hàn Quốc ném lựu đạn khói lên tàu để ngăn chặn và bắt giữ hôm 29-9 - Ảnh: South Korean Mokpo Coast Guard

Theo hãng thông tấn Yonhap, sáng nay (11-10), Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Seoul để gửi giấy phản đối chính thức về chuyện tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hàn Quốc và còn hung hăng đâm chìm một tàu tuần duyên.

Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Hyong-zhin đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Chu Guo Hong đến văn phòng của ông để gửi giấy phản đối về vụ việc và yêu cầu Bắc Kinh thực thi những nỗ lực để phòng tránh vụ việc tương tự.

Theo hãng tin Yonhap, vụ việc xảy ra chiều 7-10, tại vùng biển ở Incheon, tại vùng biển cách đảo Songcheong 76 km về phía Tây Nam. Một chiếc tàu của lực lượng tuần duyên Hàn Quốc đã bị chìm sau khi va chạm với một chiếc tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc.

Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc cho biết đây là một vụ đâm "cố ý" của tàu cá Trung Quốc vào tàu chức năng Hàn Quốc. Tuy không có thương vong trong vụ việc này nhưng phía Hàn Quốc đã ghi số hiệu chiếc tàu thủ phạm vào danh sách đen. 

Sáng sớm ngày 9-10, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và lực lượng tuần duyên Incheon đã triệu Tổng Lãnh sự và Phó Tổng lãnh sự Trung Quốc tới để chính thức phản đối và yêu cầu Bắc Kinh có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm tránh tái diễn tình trạng này.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong cuộc gặp nhà ngoại giao Trung Quốc tỏ ý lấy làm tiếc về vụ việc, và khẳng định lập trường của Bắc Kinh là tiếp tục thúc đẩy truy quét nạn đánh bắt cá trái phép. 

Theo hãng tin AP, khi được yêu cầu bình luận về vụ việc hôm 10-10, ông Geng Shuang, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tỏ ý đe dọa: "Hàn Quốc cần xử lý vụ việc với cách ứng xử sáng suốt và cái đầu lạnh khi xét đến quan hệ song phương và ổn định khu vực".  

Với phản ứng tiếp tục theo đường ngoại giao sáng nay của Hàn Quốc, rõ ràng Seoul không muốn chìu theo lập trường của Trung Quốc là không nên để vụ việc làm xấu đi quan hệ hai nước. 

Ngư dân Trung Quốc (trái) hung hăng dùng hung khí đánh trả lực lượng chức năng của Hàn Quốc trong một lần bị truy bắt - Ảnh: AFP

Trở lại vụ việc chiều 7-10, khi chiếc tàu cao tốc 4,5 tấn của lực lượng tuần duyên Hàn Quốc chở một số sĩ quan tìm cách bắt giữ một chiếc tàu của Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hàn Quốc thì bị một chiếc tàu khác đâm vào đuôi, khiến chiếc tàu tuần duyên bị lật.

Theo báo Korea Times, chiếc tàu đánh cá vỏ thép hơn trăm tấn của Trung Quốc sau đó đã bỏ chạy khỏi hiện trường. 

Vào thời điểm khi chiếc tàu tuần duyên của Hàn Quốc bị lật, chỉ còn 1 sĩ quan trên tàu, người này sau đó được một chiếc tàu khác của lực lượng tuần duyên Hàn Quốc vớt lên, còn 8 người khác đang ở trên chiếc tàu của Trung Quốc mà họ chặn giữ.

Hàng chục tàu đánh cá khác của Trung Quốc cũng tham gia vào vụ việc đâm chìm tàu tuần duyên trên khiến các sĩ quan bảo vệ bờ biển Hàn Quốc phải nổ súng và lệnh cho 8 sĩ quan rời khỏi chiếc thuyền của Trung Quốc. 

Theo lực lượng chấp pháp Hàn Quốc, vào thời điểm xảy ra vụ việc có khoảng 40 tàu đánh cá Trung Quốc đang đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hàn Quốc.

Mới hôm 29-9 vừa qua, 3 ngư dân Trung Quốc đã thiệt mạng sau khi Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc (KCG) ném lựu đạn khói lên tàu cá đang chạy trốn nhằm bắt giữ nó. Ba ngư dân này bị cho là chết cháy trong khoang tàu và vụ việc còn đang trong quá trình điều tra.

Hồi tháng 12-2011, sĩ quan Lee Cheong-ho của lực lượng tuần duyên Hàn Quốc từng bị các ngư dân Trung Quốc vây đánh đến chết ở ngoài khơi Incheon khi sĩ quan này tham gia vây bắt các tàu đánh cá trái phép.

Theo Yonhap, các vụ đụng độ giữa lực lượng chấp pháp của Hàn Quốc với các tàu cá trái phép của Trung Quốc thường rất dữ dội. Hồi tháng 10-2014, một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc từng bị bắn chết khi bất tuân lệnh của cơ quan chức năng Hàn Quốc. Lần đó, lực lượng tuần duyên của Hàn Quốc bắt giữ một tàu thì bị các ngư dân của bốn tàu khác của Trung Quốc nhảy sang giải vây. Họ dùng vỏ chai bia ném vào lực lượng chức năng nên đã bị nổ súng đáp trả.

Indonesia kêu gọi hợp tác toàn cầu chống đánh bắt cá trái phép

Ngày 10-10, phát biểu khai mạc Hội nghị Quốc tế về tội phạm thủy sản lần thứ 2 diễn ra tại Yogyakarta (Indonesia), Tổng thống Joko Widodo đã khẳng định "tội phạm thủy sản là tội phạm xuyên quốc gia".

Hội nghị có sự tham dự của 46 nước như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Ghana, Nigeria, Nam Phi, Việt Nam… nhằm bàn thảo về các vấn đề tiên quan đến tội phạm trên biển như đánh bắt cá bất hợp pháp, nạn buôn bán người, tội phạm ma túy, gian lận thuế, tham nhũng trong cấp giấy phép, rửa tiền…

Tổng thống Widodo cho biết Indonesia chống đánh bắt cá trái phép bằng cách bắt giữ và đánh chìm các tàu cá bất hợp pháp. Cách làm này đã giúp Indonesia có thể tăng năng suất đánh bắt cá từ 7,3 triệu tấn trong năm 2013 lên 9,9 triệu tấn năm 2015.

Theo số liệu của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), nạn đánh bắt cá bất hợp pháp khiến Indonesia thiệt hại 20 tỉ USD mỗi năm đồng thời đe dọa sự tồn tại của 65% các rạn san hô của Indonesia.

Ước tính, biển là nguồn thu nhập cho 520 triệu người trên thế giới, cung cấp lương thực cho 2,6 tỉ người.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên