12/05/2016 15:43 GMT+7

Kenya tuyên bố đóng cửa trại tị nạn lớn nhất thế giới

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Bất chấp ý kiến lo ngại của quốc tế, Kenya đã vạch kế hoạch đóng cửa trại tị nạn lớn nhất thế giới Dadaab vì lo ngại an ninh. Động thái có thể gây ra những tác động lớn.

Nhiều thế hệ người tị nạn sinh ra và lớn lên ở Dadaab, Kenya - Ảnh: Reuters
Nhiều thế hệ người tị nạn sinh ra và lớn lên ở Dadaab, Kenya - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng nội vụ Kenya Joseph Nkaissery tuyên bố nước này đã thành lập lực lượng phụ trách việc đóng cửa trại tị nạn hiện đang là nơi nương tựa của 600000 người tị nạn Somali và Nam Sudan. Nhiều người tị nạn đã sống tại đây trong hàng thập kỷ.

“Chúng tôi sẽ đưa ra khung thời gian dựa trên các nguồn lực được yêu cầu” - Reuters dẫn lời ông Nkaissery  nói.

Tuy nhiên ông khẳng định sẽ đóng cửa tại này trong thời gian sớm nhất “vì an toàn của người Kenya trong bối cảnh các hoạt động tội phạm và khủng bố”.

Năm ngoái, Kenya đã từng đề ra kế hoạch đóng cửa Dabaab trong ba tháng nhưng ra đó rút lại vì vấp phải sự phản đối của Liên Hiệp Quốc.

Kenya vốn hứng chịu nhiều đợt tấn công của nhóm Hồi giáo Somali Shabaab, như vụ xả súng kinh hoàng ở khu mua sắm Westgate tại Nairobi năm 2013, thảm sát Đại học Garissa năm 2015 và hàng loạt vụ tấn công khác làm hàng trăm người thiệt mạng...

Kenya khẳng định Shabaab là công cụ của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm này đang tuyển dụng binh lính ngay trong trại tị nạn Dadaab.

Việc vừa phải phải chống chọi với Shabaab vừa duy trì các dịch vụ công, giáo dục khiến Kenya không thể thực hiện được mục tiêu giúp hơn 50.000 người tị nạn hồi hương trong năm 2016.

Động thái mới của Kenya một lần nữa khiến Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn lên tiếng lo ngại và kêu gọi Kenya cân nhắc lại.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng hối thúc Kenya “giữ vai trò lãnh đạo trong việc bảo vệ và cưu mang những nạn nhân của bạo lực... và không ép buộc họ phải hồi hương”.

Theo giới phân tích, việc đóng cửa trại tị nạn Dadaab có thể đem lại nhiều hệ quả nguy hiểm khó lường. Hàng trăm ngàn người đã rời bỏ quê hương quá lâu không biết sẽ đi về đâu và sống sót như thế nào sau khi trở lại các vùng chiến sự.

“Rất khó đưa mọi người trở lại Somalia - tổng giám đốc Tổ chức di trú quốc tế William Swing nói - Chúng tôi đã cho một số người trở về nhưng chỉ có một số khu vực nhất định họ có thể đến”.

Chưa kể “việc buộc hồi hương quy mô lớn sẽ tạo nên các mầm bạo động dân sự” tại các nước quê nhà của của người tị nạn, chuyên gia Stephanie Schwartz của Đại học Columbia nhận định.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên