21/09/2015 12:17 GMT+7

​Cuộc sống của bác sĩ kiếm 100.000 USD từ người tị nạn

MINH TRUNG - TRẦN PHƯƠNG
MINH TRUNG - TRẦN PHƯƠNG

TTO - Abu Mahmoud bây giờ đang giàu hơn cả khi ông còn là một bác sĩ ở thành phố Aleppo, Syria. Tháng này Mahmoud kiếm được 100.000 USD chỉ từ công việc chở người tị nạn vào châu Âu.

Một cư dân địa phương giúp một người tị nạn Syria trên hòn đảo Lesbos, Hi Lạp - Ảnh: Reuters

Nhưng đây không phải là một cuộc sống dễ dàng. Cuộc phỏng vấn kéo dài vài giờ với phóng viên báo Telegraph (Anh) trong một quán cà phê ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bị gián đoạn bởi tiếng chuông từ ba chiếc điện thoại trong túi Mahmoud.

Kẻ bị săn đuổi

Một vài cuộc gọi đến từ khách hàng của Mahmoud, tức những người muốn nhờ ông mang họ đến châu Âu. Một cuộc gọi khác thông báo cho Mahmoud một chiếc xe buýt chở người tị nạn bị cảnh sát chặn và áp tải ngược về thành phố.

“Nói với họ là họ sẽ không phải ở lại Istanbul thêm nữa đâu nhé. Tôi sẽ dàn xếp ngay lập lức”, Mahmoud trấn an.

Một gia đình nọ năn nỉ Mahmoud mang họ đến Hi Lạp. “Chỉ cho đến chừng nào tôi nhận được tiền của người bà con anh”, Mahmoud lạnh lùng đáp. Chẳng là người bà con của gia đình đó được Mahmoud đưa đến châu Âu an toàn nhưng vẫn còn nợ ông này 1.100 USD.

Ngày hôm trước, cảnh sát ập vào văn phòng của Mahmoud, họ biết công việc của ông và đòi số tiền 1.000 USD mới chịu để yên. Đối với Mahmoud, những vấn đề kiểu này là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn đó là tên của ông đang nằm trong danh sách truy nã của Interpol.

Cuộc chiến tại Syria đang biến hàng nghìn người như Mahmoud từ một công dân bình thường trở thành tội phạm. Khi quân nổi dậy chiếm thành phố Aleppo hồi tháng 7-2012, Mahmoud bị cả hai phe săn lùng.

Chính phủ Syria săn lùng Mahmoud vì ông chữa thương cho một số nhà hoạt động chống chính phủ, phe nổi dậy thì lại nghĩ ông là người ủng hộ chính phủ. Mahmoud chỉ còn đường bỏ trốn.

Châu Âu cứ đóng cửa, người tị nạn cứ đến

Mahmoud cùng hai người bà con bỏ tiền để lên một con tàu khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ đi châu Âu. Con tàu chìm. Đó là lần đầu Mahmoud chứng kiến phụ nữ, trẻ con chết đuối ngay trước mặt mình mà không thể làm gì. Họ bơi trên biển 11 tiếng cho đến khi được cứu.

Thêm vài lần vượt biên không thành công, nhưng bù lại Mahmoud bắt đầu kết nối được với các mạng lưới chuyển lậu người và những người có nhu cầu.

“Ban đầu tôi không dám lấy tiền hoa hồng. Nhưng tôi cần tiền để sống, tôi còn gia đình phải nuôi. Rồi tôi nhận ra đó là một nghề kiếm ra tiền rất tốt”, Mahmoud giãi bày.

Trong hai năm qua, Mahmoud cho biết đã vận chuyển 8.000-9.000 người đến Ý và Hi Lạp “mà không có một nạn nhân chết đuối nào”. Thực tế việc chuyển người từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hi Lạp ngày càng khó khăn dù các tay buôn như Mahmoud phải trả hàng nghìn USD cho cảnh sát để họ “nhắm một con mắt”.

Nhưng không gì ngăn cản được những người di cư khi giờ đây họ tin rằng chỉ cần đặt chân đến Hi Lạp, con đường đến các nước giàu có hơn sẽ mở ra. “Tôi chỉ muốn gửi thông điệp này cho khối EU: người tị nạn sẽ tiếp tục đổ về nước của các ông dù các ông có đóng cửa biên giới. Họ sẽ đào đường hầm nếu cần thiết”, Mahmoud nói với phóng viên Telegraph.

“Không có tương lai nào ở Syria. Nếu chúng tôi ở lại, chúng tôi chắc chắn sẽ chết. Nếu chúng tôi lên tàu, có lẽ có 50% cơ hội chúng tôi được sống sót”, cô Fatima Feytrouni tâm sự với phóng viên khi đứng chờ trong công viên cùng con gái Nadia 9 tuổi.

Nhà của họ ở thành phố Damascus đã bị phá hủy, còn ở Thổ Nhĩ Kỳ họ chỉ là những người xa lạ không được xã hội chấp nhận.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi giúp đỡ người tị nạn 

Hai đứa trẻ người Syria ở trại tị nạn Zaatari, Jordan - Ảnh: Reuters

Phát biểu sau chuyến thăm trại tị nạn Zaatari ở Jordan, phó tổng thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo Stephen O'Brien cho biết khoảng cách giữa nhu cầu được giúp đỡ của người tị nạn và sự hỗ trợ của thế giới ngày một lớn.

Có khoảng 630.000 người tị nạn đăng ký ở Jordan trong khi một số lượng lớn người không đăng ký đang sống lẫn trong các cộng đồng của nước này.

“Các nước láng giềng của Syria đã đạt đến điểm mà cả thế giới phải chia sẻ trách nhiệm để hỗ trợ các nhu cầu nhân đạo từ cuộc khủng hoảng”, phó tổng thư ký LHQ nhấn mạnh.

Không chỉ ở Syria, các nước trong khu vực còn đối mặt với các cuộc khủng hoảng khác tại Nam Sudan, Yemen.

Trong năm 2015, các tổ chức cứu trợ cần hơn 7,4 tỉ USD để hỗ trợ người tị nạn và những người mất nhà cửa do cuộc khủng hoảng Syria nhưng đến nay họ chỉ mới nhận được 2,8 tỉ USD. Các chương trình cứu trợ tại Jordan, Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Iraq chỉ nhận được 41% tài chính.

Trong diễn biến khác vào cuối tuần trước, Đức cho biết sẽ hỗ trợ 22,6 triệu USD cho Chương trình Lương thực thế giới để cung cấp thực phẩm cho người tị nạn.

“Điều này có nghĩa là khoảng 500.000 người tị nạn Syria sẽ có cái ăn trong vòng ba tháng”, Bộ trưởng Hợp tác và phát triển kinh tế Đức Gerd Muller nói.

MINH TRUNG - TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên