30/07/2015 09:00 GMT+7

​Nga phủ quyết nghị quyết lập tòa án xét xử vụ MH17

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Rạng sáng nay 30-7, tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), Nga bỏ phiếu phản đối dự thảo nghị quyết kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử những kẻ đã bắn rơi máy bay MH17.

Hiện trường thảm họa MH17  - Ảnh: Reuters

Theo AFP, có 11 trong số 15 thành viên HĐBA bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết do Úc, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine soạn thảo. Ngoài Nga sử dụng quyền phủ quyết của vị trí thành viên thường trực HĐBA, các nước khác là Angola, Trung Quốc và Venezue bỏ phiếu trắng.

Dự thảo nghị quyết này nhận được sự ủng hộ của Anh, Pháp và Mỹ, các nước cáo buộc quân ly khai thân Nga bắn hạ máy bay MH17 bằng tên lửa phòng không BUK khiến 298 người thiệt mạng. Nga bác bỏ mọi cáo buộc và cáo buộc quân đội Ukraine đã thực hiện việc này.

Tại HĐBA, Đại sứ Nga Vitaly Churkin chỉ trích việc các nhà điều tra Nga không được tiếp cận hiện trường vụ rơi máy bay. “Ai sẽ đảm bảo rằng cuộc điều tra này diễn ra công bằng?” - ông Churkin nhấn mạnh.

Trên thực tế hôm qua Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã tuyên bố phản đối việc lập tòa án LHQ và kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về thảm kịch MH17.

Chỉ trích dữ dội

Đại diện các quốc gia phương Tây đã lên tiếng chỉ trích dữ dội quyết định của Nga. Đại sứ Mỹ Samantha Power tuyên bố: “Việc Nga sử dụng quyền phủ quyết để cản trở hòa bình và an ninh quốc tế là một bi kịch. Mỹ tin rằng những kẻ thực hiện tội ác ghê tởm này phải bị trừng trị”.

Do 39 công dân Úc thiệt mạng trong thảm họa MH17, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã có mặt theo dõi cuộc bỏ phiếu ở HĐBA. Bà bức xúc: “Không thể tin nổi việc HĐBA không chịu hỗ trợ đưa những kẻ bắn rơi máy bay ra đối diện với công lý. Cần phải lên án hành vi đổ lỗi và gây rắc rối của Nga”.

Bà Bishop cam kết chính phủ Úc “sẽ làm tất cả để đảm bảo rằng những kẻ gây tội ác khủng khiếp này sẽ bị trừng trị”. Thứ trưởng Ngoại giao Úc Bert Koenders bày tỏ “sự thất vọng cùng cực” và cho biết ông chia buồn với gia đình các nạn nhân, những người đã kêu gọi lập tòa án LHQ.

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin thẳng thừng chỉ trích Nga. “Không có lý do nào để phản đối việc lập tòa án trừ khi Nga chính là hung thủ. Mục tiêu của tòa án này là tìm ra sự thật. Nếu bạn sợ sự thật thì chắc chắn là bạn ở cùng với phía của bọn phạm tội” - ông Klimkin nhấn mạnh.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng lên án Nga. “Kết quả bỏ phiếu đã nói lên tất cả. Nhưng Ukraine sẽ không đầu hàng. Những kẻ phạm tội phải bị trừng trị. Đó là nghĩa vụ của tất cả chúng ta đối với các nạn nhân và gia đình họ” - ông Poroshenko khẳng định.

Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho rằng một tòa án LHQ là nơi tốt nhất để tìm lại công lý cho các nạn nhân MH17 và gia đình họ. “Các hành khách đi máy bay trên thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ lớn nếu những kẻ thủ ác không bị trừng trị” - ông Liow cảnh báo.

Giải pháp thay thế

Hiện Hà Lan, Malaysia, Úc, Bỉ và Ukraine đang thực hiện cuộc điều tra hình sự về vụ bắn rơi máy bay MH17. Ngoài ra, vào tháng 10 tới Ủy ban An toàn Hà Lan sẽ công bố báo cáo điều tra cuối cùng về nguyên nhân vụ máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines gặp nạn.

Gần đây giới truyền thông đưa tin báo cáo điều tra của Hà Lan khẳng định quân ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine đã dùng tên lửa BUK bắn rơi máy bay MH17. Tại HĐBA, Đại sứ Nga Churkin cho rằng Nga là “nạn nhân của một chiến dịch tuyên truyền” trên báo chí phương Tây.

Giới quan sát phương Tây nhận định lá phiếu phủ quyết của Nga đã ngăn chặn cơ hội tốt nhất để LHQ buộc tất cả các nước phải hợp tác tối đa để tìm ra hung thủ thực hiện vụ thảm sát trên không. Theo quy định LHQ, tất cả các nước thành viên LHQ phải công nhận quyền pháp lý của tòa án do HĐBA lập ra.

Các tòa án quốc tế khác không có được vị thế như vậy. Một quốc gia hoàn toàn có quyền phớt lờ bất cứ tòa án quốc tế nào khác không do HĐBA thành lập. Không có sự ủng hộ của HĐBA, các tòa án quốc tế đối mặt với nguy cơ hoạt động không hiệu quả.

Như vậy, nỗ lực truy tố hung thủ vụ MH17 sẽ gặp nhiều khó khăn. Các nước sẽ phải tìm phương án bên ngoài phạm vi HĐBA. Một sự lựa chọn là Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague. Tuy nhiên các nước không phải là thành viên ICC hoàn toàn có quyền phớt lờ phán quyết của tòa án.

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị ICC truy tố vì tội tấn công thường dân, nhưng vẫn là nguyên thủ quốc gia và có thể đến bất cứ nước nào không có ý định bắt giữ ông ta để giao cho ICC.

Một sự lựa chọn khác là các nước có công dân thiệt mạng trong vụ MH17 sẽ đưa vụ việc ra truy tố tại tòa án trong nước. Nhưng cách này sẽ không đảm bảo được sự hợp tác của các nước khác.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên