07/06/2015 09:26 GMT+7

​Trung Quốc tham vọng bá chủ trên biển

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Hai tuần sau khi Lầu Năm Góc trình Quốc hội Mỹ báo cáo hằng năm về an ninh và quân sự của Trung Quốc, hôm 26-5 Bắc Kinh lần đầu tiên công bố Sách trắng chiến lược quân sự với nội dung cho thấy những tham vọng bá chủ trên biển của nước này.

Mẫu máy bay J-15 của Trung Quốc. Ảnh: asianarmsrace

Các chuyên gia quốc tế khá bất ngờ với việc Bắc Kinh công khai những chính sách tham vọng trên biển cùng cách giải thích ngang nhiên của Trung Quốc. Nhưng họ cũng không quá ngạc nhiên trước những ý đồ của Trung Quốc vì nó đã được thể hiện qua các bước đi có tính toán suốt vài năm gần đây.

Thật ra từ năm 2014, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã lộ rõ ý đồ sẵn sàng chấp nhận những căng thẳng dâng cao tại khu vực trong quá trình tìm kiếm những lợi thế phục vụ lợi ích cho Trung Quốc.

Cụ thể, Bắc Kinh đã gia tăng những động thái tuyên bố chủ quyền ở cả biển Đông và biển Hoa Đông. Chẳng hạn tại khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản, từ đầu năm đến nay đã có 16 lần các tàu Trung Quốc vào ra khu vực này.

Bắc Kinh đã nâng cấp hàng loạt vũ khí để thực hiện các cuộc tấn công mang tính khu vực đối với những mục tiêu trên biển thông qua hoạt động phối hợp giữa những máy bay chiến đấu mới được họ nâng cấp và hai loại tên lửa hành trình hiện đại
Giáo sư LYLE J. GOLDSTEIN 
(Trường cao đẳng Chiến tranh hải quân Mỹ

Bành trướng tham vọng bá chủ biển

Nhưng rõ nhất là việc Trung Quốc tăng sức mạnh vũ khí để thể hiện uy lực. Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng đã chỉ rõ Trung Quốc đang phát triển một loạt vũ khí nằm trong chiến lược chống tiếp cận (A2/AD).

Trong đó bao gồm các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tầm ngắn và tầm trung, tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM), đội tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình, tên lửa hành trình chống hạm (ASCM) và tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân.

Tạp chí The National Interest dẫn lời giáo sư Lyle J. Goldstein (Trường cao đẳng Chiến tranh hải quân Mỹ) cho biết trong số vũ khí đó, những con át chủ bài mà Trung Quốc muốn sử dụng để đe dọa Mỹ là tên lửa ASCM và ASBM DF-21D có khả năng gây nguy hiểm cho tàu sân bay đang hoạt động ở cự ly cách bờ biển Trung Quốc 900 hải lý (khoảng 1.667 km).

“Bắc Kinh đã nâng cấp hàng loạt vũ khí để thực hiện các cuộc tấn công mang tính khu vực đối với những mục tiêu trên biển thông qua hoạt động phối hợp giữa các máy bay chiến đấu mới được họ nâng cấp và hai loại tên lửa hành trình hiện đại” - giáo sư Goldstein nhấn mạnh.

Giới chuyên gia cảnh báo một thực tế mà quốc tế cần phải lưu ý rằng nếu các loại ASCM và ASBM được phát triển đúng tầm sẽ cho phép Trung Quốc xây dựng sức tấn công trên biển khu vực.

Từ đó, Bắc Kinh có thể thực hiện tham vọng bá chủ toàn bộ khu vực biển xung quanh nước này. Tuy nhiên, giáo sư Goldstein nhấn mạnh những loại tên lửa này vẫn còn nhiều nhược điểm và không thể đối đầu với hạm đội tàu ngầm của Mỹ.

Bắc Kinh cũng đã chi tiền khá mạnh mua các loại vũ khí của Nga như máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không S-400, những loại vũ khí mà giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng “có thể làm xói mòn hệ thống phòng thủ của Đài Loan”.

Sở hữu hệ thống tên lửa S-400, Bắc Kinh lần đầu tiên sẽ có khả năng kiểm soát các vùng trời bao trùm hết đảo Đài Loan và một số nơi khác. Sách trắng chiến lược quân sự Trung Quốc cũng nhấn mạnh về sức mạnh hạt nhân và tên lửa chiến lược của nước này.

Trung Quốc sẽ tập trung hướng tới những sáng chế độc lập trong vũ khí, tăng cường tính hiệu quả trong các hệ thống tên lửa, cải thiện sức mạnh của cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thường.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng phát triển tên lửa JL-2 phóng từ tàu ngầm, các tên lửa đường đạn chiến lược loại DF-31 (Đông Phong-31), DF-31A và DF-41 có khả năng tách đầu đạn độc lập và có thể cơ động trên các máy phóng cùng những loại tên lửa đường đạn tầm trung và hàng trăm loại tên lửa đường đạn chiến thuật có khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.

Bắc Kinh đang nâng cấp tầm bắn của các loại tên lửa này nhằm phục vụ kế hoạch “thọc sâu” vào chủ quyền của các nước ven biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó có việc tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Các bằng chứng gần đây cho thấy Bắc Kinh có thể đang “tự cho rằng” các loại vũ khí mới mua từ Nga hoặc do chính họ sản xuất sẽ cho phép họ càng có những quan điểm “khiêu khích” trong tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các nước xung quanh.

Hình ảnh vệ tinh trong những năm gần đây cho thấy Bắc Kinh đã quân sự hóa trên hòn đảo cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 299km về phía tây bắc. Trên đảo này, Trung Quốc đã cho thiết kế 10 chỗ đậu trực thăng, trên lý thuyết là chuẩn bị cho một cuộc tấn công đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Thay đổi cân bằng sức mạnh ở châu Á?

Trang IHS Jane’s cho rằng những tiến bộ quân sự của Trung Quốc đang làm thay đổi sự cân bằng sức mạnh ở châu Á giữa Bắc Kinh và Washington. Báo này dẫn chứng Washington đang tập trung sự hiện diện quân sự và ngoại giao ở châu Á nhằm phục vụ chiến lược “xoay trục châu Á” của mình.

Trong khi đó, Trung Quốc đang bành trướng tham vọng chủ quyền đến điểm cuối cùng trên biển Đông. Đây là một động thái mà giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang muốn “tạo xung đột” với các đồng minh của Mỹ ở khu vực là Nhật Bản và các nước châu Á khác.

Trung Quốc đang có những động thái tăng cường quân sự với kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Cheng Du J-20 và máy bay Shen Yang J-31, các hệ thống tên lửa đạn đạo, một loạt hạm đội tàu hải quân tân tiến, đóng thêm tàu sân bay sau tàu Liêu Ninh. Mục tiêu là rút ngắn khoảng cách trong cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ ở khu vực Đông Á.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Tâm Chi cho biết Bắc Kinh đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện phiên bản thử nghiệm đối với các nguyên mẫu của J-20 và những loại máy bay tiêm kích khác. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc vẫn chưa sử dụng được các loại máy bay này vì thiết kế còn quá nhiều nhược điểm.

Thời báo Hoàn Cầu từng thừa nhận khả năng tàng hình của máy bay J-20 vẫn còn kém do vùng bụng máy bay được thiết kế khá lớn để có thể mang theo nhiều loại vũ khí, trong khi vùng cánh lại được thiết kế quá nhỏ.

Ngoài ra, việc hai động cơ của J-20 nằm quá gần nhau có thể gây nguy hiểm khi máy bay bay ở tốc độ cao. Còn tờ Business Insider cho rằng J-20 có những bộ phận na ná như máy bay chiến đấu F-35 và F-22 của Mỹ.

Những chi tiết này có thể nằm trong mớ dữ liệu kỹ thuật quốc phòng mà tin tặc Trung Quốc đã dày công ăn cắp trong những năm qua từ các nhà thầu quân sự của Mỹ.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên