06/03/2015 10:03 GMT+7

​10 năm nữa, thế giới nhiều bất ổn hơn?

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TT -  Nhìn từ nhiều phương diện, Stratfor cho rằng 10 năm nữa, thế giới sẽ trở thành nơi tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, bất ổn và khó đoán định hơn.

Vị thế của Mỹ trên chính trường quốc tế sẽ giảm, cùng với đó là sự nhiễu loạn và suy thoái của nhiều “ông lớn” khác.

Strategic Forecasting Inc (Stratfor) - cơ quan tình báo tư nhân chuyên nghiên cứu và phân tích các vấn đề địa chính trị trên toàn cầu ở Austin, bang Texas (Mỹ) - vừa công bố những dự đoán chiến lược cho thập kỷ tiếp theo trong báo cáo có tiêu đề “Decade Forecast”.

Dự đoán đầu tiên là Liên bang Nga sẽ phân thành nhiều “mảnh nhỏ”, dù không có bất cứ cuộc nổi loạn hay đảo chính nào. Stratfor cho rằng các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và châu Âu, giá dầu sụt giảm, đồng rúp mất giá, ngân sách quốc phòng tăng và những bất đồng nội bộ sẽ là hàng loạt yếu tố đẩy Chính phủ trung ương Nga tới việc phải nới lỏng quyền kiểm soát trên vùng lãnh thổ rộng lớn. 

Liên minh châu Âu (EU) được xem là một khối vững chãi không gì ngăn cản. Nhưng báo cáo “Decade Forecast” tiên lượng 10 năm nữa, điều đó sẽ trở thành ký ức xa xôi.

Châu Âu sẽ trở thành bốn “tiểu vùng” ngày càng cách xa nhau: Tây Âu, Đông Âu, Scandinavia và các đảo Anh. Mặc dù vẫn kề cận nhau về địa lý nhưng sự gắn kết giữa các tiểu vùng sẽ không còn thân thiết như xưa.

Các mối quan hệ về quân sự, chính trị, kinh tế trong khu vực sẽ vận hành theo thể thức song phương hoặc đa phương có giới hạn, trên phạm vi nhỏ.

10 năm nữa sẽ là giai đoạn gập ghềnh với Trung Quốc. Cùng với sự suy thoái kinh tế, các phong trào phản đối sẽ lan rộng ngay trong lòng Trung Quốc. Ngoài ra, việc phát triển không đồng đều giữa các khu vực trong nước cũng là vấn đề lớn nước này phải đối mặt thời gian tới. Tình trạng càng tồi tệ hơn khi Trung Quốc tiếp tục quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng hung hăng trên biển Đông, biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương, Nhật Bản không có lựa chọn nào ngoài việc phải tăng cường sức mạnh hải quân.

Hiện tại Nhật đang phụ thuộc vào Mỹ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh hải, nhưng cùng với xu thế nước Mỹ giảm bớt thế và lực trong thập kỷ tới, Nhật sẽ phải tự lo liệu vấn đề này.

Đây là căn cứ để báo cáo phán đoán Nhật sẽ trở thành quốc gia có tiềm lực hải quân tăng nhanh tại châu Á.

Trong bối cảnh thế giới sẽ có nhiều bất ổn và khó đoán định hơn ở thập kỷ tới, thay vì đóng vai trò lĩnh xướng chủ động trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, nước Mỹ sẽ ngày càng cân nhắc, tính toán kỹ hơn khi lựa chọn những thách thức họ muốn tham gia. Theo đó, quyền lực nước Mỹ sẽ giảm, tuy vẫn tiếp tục là quốc gia hàng đầu về kinh tế, chính trị, quân sự.

Không có chiến tranh ở biển Đông

Về các xung đột trên biển Đông, báo cáo nhận định các tranh chấp chủ quyền tại đây sẽ không leo thang thành các cuộc chiến tranh vũ trang lớn, nhưng sẽ là dấu hiệu cho thấy động cơ tranh giành ảnh hưởng rất nguy hiểm.

Dự báo cho rằng sẽ lại xuất hiện cuộc chơi cũ giữa ba bên: Nga với quyền lực suy giảm sẽ tiếp tục mất đi khả năng bảo vệ các quyền lợi hàng hải, Trung Quốc và Nhật Bản đều mong muốn thâu tóm các đảo và ngăn cản không cho nhau giành được chúng.

 

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên