08/09/2014 08:04 GMT+7

​Nhật cạnh tranh Trung Quốc ở Nam Á

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Hôm qua, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã kết thúc chuyến công du Nam Á với mục tiêu cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hội kiến Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina - Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hội kiến Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina - Ảnh: AFP

Ông Abe là thủ tướng Nhật đầu tiên thăm Sri Lanka trong gần một phần tư thế kỷ. Trước đó, ông cũng trở thành nhà lãnh đạo Nhật đầu tiên đến Bangladesh trong 14 năm qua. Chuyến công du Nam Á của ông Abe cũng diễn ra chỉ một tuần sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Tokyo. Như vậy, ông Abe đã nhanh chân đi trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một bước. Theo dự kiến, cuối tháng này ông Tập sẽ thăm Ấn Độ và Sri Lanka.

Cả Bangladesh và Sri Lanka đều có nhiều căn cứ quan trọng dọc các tuyến hàng hải kết nối Nhật với Trung Đông. Hai nước có quan hệ tốt với Nhật, nhưng trong những năm gần đây Bắc Kinh liên tục tăng cường ảnh hưởng tại đây bằng hàng loạt dự án xây dựng hải cảng quy mô lớn.

Giới quan sát mô tả Bắc Kinh muốn thiết lập “chuỗi ngọc trai” trên Ấn Độ Dương. Nhật từng nhiều lần bày tỏ lo ngại nguy cơ Trung Quốc kiểm soát các tuyến hàng hải Tokyo sử dụng để nhập khẩu dầu.

Tăng cường đầu tư

"Chính sách đối ngoại của Trung Quốc với các nước láng giềng đã thúc đẩy Nhật tăng cường quan hệ với các nước Nam Á "

ASHFAQUR RAHMAN (cựu đại sứ Bangladesh tại Trung Quốc)

“Tôi hi vọng thắt chặt quan hệ hai nước. Tôi đến đây với tư cách là lãnh đạo Nhật và một người bán hàng cấp cao” - AFP dẫn lời Thủ tướng Abe phát biểu tại Dhaka hôm qua. Đi cùng đoàn 22 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Nhật, ông khẳng định quan hệ Nhật - Bangladesh đã bước vào một giai đoạn mới và sẽ “giúp đỡ nhau như anh, chị em”.

Ngoài ký kết thỏa thuận về các dự án hạ tầng lớn ở Bangladesh, ông Abe và lãnh đạo chính quyền Dhaka cũng thống nhất đẩy mạnh hợp tác về vận tải, năng lượng, đầu tư thương mại...

Trước đó Tokyo cam kết sẽ rót thêm gần 6 tỉ USD cho Bangladesh trong năm năm tới. “Chúng tôi hiểu rằng cam kết của Nhật sẽ không giới hạn bởi con số đó” - Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đánh giá.

Ông Abe cho biết chính quyền Bangladesh sẽ lập khu công nghiệp dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật. Tokyo cũng sẽ hỗ trợ Dhaka 4 tỉ USD để thực hiện dự án nhiệt điện quy mô lớn và một cảng nước sâu. Chính phủ Nhật cũng đang quan tâm đến Ấn Độ Dương và muốn xây dựng một cảng nước sâu ở miền nam Bangladesh, một nỗ lực rõ ràng để cạnh tranh với chiến lược xây dựng hải cảng của Trung Quốc tại đây.

Trước đó tại Sri Lanka, thủ tướng Nhật cũng đặt vấn đề nâng cấp quan hệ kinh tế và chính trị, cam kết giúp nước này xây dựng hệ thống truyền hình kỹ thuật số mới và nâng cấp ngành dịch vụ vận tải.

Ông Abe và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapakse cũng muốn củng cố hợp tác hàng hải. Theo đó, Tokyo sẽ cung cấp tàu tuần tra để giúp Sri Lanka đảm bảo an ninh hàng hải.

Đối phó với Trung Quốc

“Người Nhật biết rằng chúng tôi chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và họ muốn đối phó với điều đó” - Reuters dẫn lời ông Nanda Godaga, cựu quan chức ngoại giao Sri Lanka, nhận định.

Trên thực tế, ngay sau khi Thủ tướng Ấn Độ Modi đến Tokyo, tờ Trung Quốc Nhật Báo đã chỉ trích ông Abe muốn xây dựng quan hệ an ninh thân thiết với Ấn Độ và các nước Nam Á nhằm kiềm chế Trung Quốc ở phía đông lẫn tây, cũng như tranh thủ sự ủng hộ tranh chấp lãnh thổ với Nhật và Trung Quốc.

Một diễn biến chắc chắn khiến Bắc Kinh khó chịu là việc Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tuyên bố rút kế hoạch tranh cử ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc và ủng hộ Nhật lấp chỗ trống.

Cả Bangladesh và Nhật đều vận động tranh chiếc ghế đại diện châu Á - Thái Bình Dương ở HĐBA trong cuộc bầu cử tháng 10-2015. Tuy nhiên Dhaka thay đổi quyết định sau khi Tokyo cam kết tiếp tục đầu tư vào các dự án hạ tầng chủ chốt của Bangladesh.

Theo cơ chế của Liên Hiệp Quốc, chỉ có một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương được bầu vào ghế thành viên không thường trực của HĐBA.

Bangladesh từng thắng cử hai lần vào năm 1979 và 1999. Nhật công bố việc ứng cử vào năm 2011.

Trên thực tế, Nhật chưa bao giờ che giấu tham vọng trở thành thành viên thường trực của HĐBA. Tokyo từng kêu gọi mở rộng quy chế thành viên thường trực ở HĐBA cho Nhật, Brazil, Ấn Độ và Đức.

Trong chuyến công du tới Nam Mỹ và Trung Mỹ mới đây, ông Abe cũng đã đề nghị các nước khu vực này ủng hộ Tokyo trở thành thành viên thường trực HĐBA.

Ngoài việc mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế của Nhật, chiếc ghế thường trực HĐBA sẽ giúp Tokyo cạnh tranh trực tiếp với Bắc Kinh. Tuy nhiên Chính phủ Trung Quốc đã liên tiếp công khai phản đối ý tưởng này.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên