06/01/2009 08:43 GMT+7

Hamas là ai?

NGUYỄN NGỌC HÙNG (nghiên cứu và tổng hợp từ các nguồn Ả Rập)
NGUYỄN NGỌC HÙNG (nghiên cứu và tổng hợp từ các nguồn Ả Rập)

TT - Hamas, tên gọi tắt của “Phong trào kháng chiến Hồi giáo”, tuyên bố thành lập ngày 15-12-1987 trùng với thời gian phát động cuộc nổi dậy (Intifada) lần thứ nhất. Tuy nhiên, người ta cho rằng mầm mống của Hamas đã có từ những năm cuối thập niên 1940, khi Hamas được coi là tiếp nối tổ chức “Anh em Hồi giáo” của Ai Cập, bởi lúc ấy Ai Cập cai quản vùng Gaza sau khi nhà nước Israel thành lập.

gwP1chSb.jpgPhóng to
Người biểu tình ôm hình nộm thi thể nạn nhân chiến tranh tuần hành đến đại sứ quán Israel tại Manila, Philippines hôm 5-1 - Ảnh: Reuters

Ngày 15-12 vừa qua, chính quyền Hamas tại Gaza đã tổ chức đại lễ trọng thể với một cuộc duyệt binh lớn và mittinh hơn 200.000 người, để kỷ niệm 21 năm ngày khởi xướng Phong trào Hamas. Trong cuộc mittinh, có một nghi thức tuyên thệ trung thành với Tổ chức Anh em Hồi giáo. Một người điều khiển đã yêu cầu quần chúng giơ tay phải lên và hô vang lời thề: “Tôi thề trước Allah sẽ trung thành với lý tưởng của Anh em Hồi giáo, thực hiện các quy định đối với thành viên của tổ chức này, hoàn toàn tin tưởng vào lãnh đạo của tổ chức, nghe theo và tuân thủ lãnh đạo”.

Các thủ lĩnh của Hamas tại Gaza

Lãnh tụ tinh thần của Hamas là Sheikh Ahmed Yaseen. Vị giáo sĩ này chính là người sáng lập Hamas năm 1987. Ông bị Israel bắn tên lửa từ máy bay lên thẳng ám sát chết thảm khốc tại Gaza ngày 23-3-2004. Người kế nhiệm là bác sĩ Abdu al-Azeez Rantisi cũng bị ám sát tương tự tại Gaza chưa đầy một tháng sau đó (ngày 17-4).

Người thay thế Rantisi tại Gaza, không được công bố danh tánh nhằm tránh bị ám sát. Nhiều nguồn tin cho rằng đó là bác sĩ Mahmoud al-Zaha’r, hiện có vai trò như một ngoại trưởng của chính phủ Hamas tại Gaza. Ông này từng bị Israel ám sát hồi tháng 9-2003 bằng tên lửa bắn từ máy bay chiến đấu F18 phá hủy ngôi nhà của ông. Tuy nhiên, ông chỉ bị thương trong khi con trai trưởng của ông và một đồng sự thiệt mạng.

Isma’il Huniyah - thủ tướng chính phủ Hamas hiện nay - có thể là phó của Mahmoud Zaha’r trong Phong trào Hamas tại Gaza. Ông này từng là chánh văn phòng và cánh tay đắc lực của Sheikh Yasin. Ông cũng từng thoát chết cùng Sheikh Yasin trong một lần bị Israel ám sát hụt năm 2003. Nhân vật thứ ba của Hamas tại Gaza hiện nay có thể là Sa’eed Sayyam - người phát ngôn chính thức của chính phủ Hamas.

Từ chống đối trở thành cầm quyền

Mục tiêu công khai không thay đổi của Hamas là giải phóng hoàn toàn “lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”, tiến tới xây dựng một chính thể Hồi giáo tại lãnh thổ này. Theo quan điểm của Hamas, “lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng” là bao gồm toàn bộ lãnh thổ Israel hiện nay cùng với Gaza và Bờ Tây. Họ hoàn toàn bác bỏ việc thành lập nhà nước Israel năm 1948 và công khai phấn đấu để xóa bỏ “thực thể Do Thái Israel” hiện nay. Đây không phải là vấn đề “không công nhận Israel”, mà là “không công nhận sự tồn tại của Israel”.

Với lập trường này, Hamas dứt khoát không chấp nhận những văn bản pháp lý mà chính quyền Palestine của Yaser Arafat trước đây và Mahmoud Abbas hiện nay đã ký với quốc tế cũng như với Israel. Điều này cũng có nghĩa là Hamas không công nhận PLO là đại diện của Palestine trên tất cả cấp độ.

Tháng 9-2005, cựu thủ tướng Israel Ariel Sharon thực hiện việc đơn phương rút bỏ khỏi Gaza, để lãnh thổ này cho chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas và Phong trào Fatah quản lý. Đến cuộc tổng tuyển cử bầu hội đồng lập pháp Palestine đầu năm 2006, Hamas chính thức tham gia và bất ngờ giành đa số ghế trong hội đồng này, được quyền đứng ra lập chính phủ. Fatah lần đầu tiên mất quyền lãnh đạo Palestine và trở thành lực lượng vừa hợp tác vừa tranh chấp với Hamas.

Hamas cầm quyền mà không được sự ủng hộ rộng rãi của phương Tây và các nước Ả Rập ôn hòa. Mặc dù tham gia chính quyền, nhưng Hamas vẫn kiên trì lập trường chống lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính quyền Palestine với Israel, do Mỹ và quốc tế bảo trợ.

Trong thời gian cầm quyền cùng Phong trào Fatah, Hamas có điều kiện thuận lợi để nhận trợ giúp mọi mặt từ bên ngoài, nhất là từ Iran. Hamas đã phát triển lực lượng nhanh chóng về cả quân sự, chính trị và quần chúng, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền do Mahmoud Abbas làm tổng thống.

Tháng 6-2007, Hamas làm cuộc chính biến vũ trang tiếm quyền tại Gaza, đẩy chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas sang chỉ còn cầm quyền trên thực tế tại Bờ Tây mà thôi. Từ đó, có thể nói đã hình thành trên thực tế hai thực thể Palestine. Một của Tổng thống Mahmoud Abbas tại Bờ Tây, và một của Hamas tại Gaza.

Theo báo The Guardian, binh sĩ Israel đã ập vào từng ngôi nhà ở thành phố Gaza để tìm kiếm các thành viên Hamas. Nhiều vụ giao tranh ác liệt đã xảy ra khiến ít nhất bảy trẻ em thiệt mạng.

AFP dẫn lời các nhân chứng cho biết những chiếc xe tăng của Israel đã cắt đứt thành phố Gaza và vùng phía bắc với phần còn lại của dải Gaza, một chiến thuật nhằm ngăn chặn binh lính, hàng tiếp tế và các tay súng chi viện từ phía nam. Máy bay chiến đấu cũng oanh kích các mục tiêu ở thị trấn Rafah tại biên giới phía nam, nơi hàng trăm địa đạo được sử dụng để chuyển hàng tiếp tế vào dải Gaza từ Ai Cập. Ngoài ra, giao tranh ác liệt cũng xảy ra xung quanh các thị trấn miền bắc như Beit Lahiya, Beit Hanun và Jabaliya.

Những quan chức y tế ở Gaza cho biết số người chết vì đạn pháo trong mười ngày qua đã lên đến 537 người, trong đó có khoảng 200 dân thường. 2.300 người khác bị thương. Các tổ chức nhân đạo nói rằng cuộc tấn công đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo cho người dân trên dải Gaza, những người đang phải sống trong cảnh không điện nước và thiếu thức ăn. Các bệnh viện hiện nay chỉ vận hành bằng máy phát điện dự phòng.

Cuộc tấn công của Israel đã kích động làn sóng giận dữ trong thế giới Hồi giáo. Theo AP, hàng loạt cuộc biểu tình chống Israel đã nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Jordan, Algeria, Indonesia, Philippines, Na Uy, Úc, Canada...

Phản ứng của đại sứ VN tại Hội đồng Bảo an LHQ

Ngày 5-1, tại Hà Nội, Đại sứ quán Palestine đã tổ chức lễ ký sổ tang để tưởng nhớ các nạn nhân trong chiến sự tại dải Gaza.

Trước đó, tại cuộc họp tham vấn khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ diễn ra đêm 3-1 để thảo luận về tình hình căng thẳng tại Trung Đông, đại sứ Lê Lương Minh, đại diện VN tại Hội đồng Bảo an, yêu cầu Israel chấm dứt ngay các hành động quân sự và phải rút quân ngay khỏi dải Gaza. Đại sứ cũng đề nghị các bên tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người Palestine ở dải Gaza, đồng thời khẳng định VN ủng hộ nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm sớm khôi phục thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.

NGUYỄN NGỌC HÙNG (nghiên cứu và tổng hợp từ các nguồn Ả Rập)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên