16/05/2017 15:30 GMT+7

​Nên làm gì khi bị đau quanh khớp vai?

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Bệnh viêm quanh khớp vai là một bệnh lý không nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nhưng nó gây ra những hậu quả nặng nề.

Người bệnh có thể bị tàn phế, mất sức lao động, gây thiệt hại về kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngày nay, bệnh lý này có rất nhiều phương pháp điều trị trong nhiều chuyên khoa khác nhau. Điều quan trọng là bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và đúng giai đoạn.

Bệnh viêm quanh khớp vai là gì?

Viêm quanh khớp vai (periarthritis humeroscapularis) là thuật ngữ dùng chung cho các bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai: gân, túi thanh dịch, bao khớp; không bao gồm các bêṇh lý có tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp…

Nguyên nhân chủ yếu là thoái hóa gân do tuổi tác, bệnh thường xảy ra ở người trên 50 tuổi. Ngoài ra bệnh còn gặp ở những người lao động nặng, thường xuyên có các chấn thương cơ học lặp đi lặp lại, gây tổn thương các gân, cơ quanh khớp hoặc tập thể thao quá sức, chơi một số môn thể thao đòi hỏi phải nhấc tay lên quá vai như chơi cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền.

Chấn thương vùng vai do ngã, trượt, tai nạn ô tô, xe máy và một số bệnh lý khác (tim mạch, hô hấp, đái tháo đường, ung thư vú, thần kinh, lạm dụng thuốc ngủ) cũng dẫn đến bệnh lý này.

Điều trị viêm quanh khớp vai như thế nào?

Khi một bệnh nhân bị đau vai và các vùng xung quanh khớp vai, điều đầu tiên bệnh nhân cần làm là đến gặp bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp hoặc bác sĩ y học cổ truyền để được khám, chẩn đoán và tư vấn cách điều trị.

Đại đa số các bệnh nhân trong những lần đau đầu tiên thường chịu đựng mà không khám và điều trị vì nghĩ rằng sau một thời gian triệu chứng đau vai có thể tự hết. Thực tế là viêm quanh khớp vai có thể tự khỏi nhưng bệnh dễ tái phát, ngày càng nặng và khớp vai sẽ bị giới hạn vận động nếu không được điều trị. Trong khi đó, việc điều trị bệnh trong giai đoạn đầu thường không phức tạp. Tùy theo nguyên nhân, tình trạng tổn thương cấu trúc của khớp vai và một số yếu tố khác mà người bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm sẽ đưa ra hướng điều trị là nội khoa hoặc ngoại khoa (phẫu thuật). Có thể điều trị bệnh lý này bằng các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, vật lý trị liệu… Bệnh nhân có thể được phối hợp thêm thuốc uống giảm đau. Thuốc uống có thể là bài thuốc y học cổ truyền hoặc thuốc giảm đau NSAID, corticoid…

Trong Đông y, bệnh lý này thuộc bệnh lý của hệ thống đường kinh cân ở vùng vai. Nguyên nhân gây bệnh thường là do Phong hàn phạm kinh lạc hoặc thương chấn làm khí huyết ứ trệ tại kinh cân ở vùng vai gây bệnh. Châm cứu A Thị huyệt ( huyệt tại điểm đau) kết hợp với một số huyệt tại chỗ vùng vai như : Kiên tỉnh, Kiên ngung, Kiên trinh, Thiên tông, Trung phủ, Tý nhu, Cự cốt, Vân môn… nhằm mục đích “hành khí, hoạt huyết, chỉ thống” tức có nghĩa là làm giảm đau cho bệnh nhân. Có rất nhiều phương pháp châm cứu nhưng điện châm được đánh giá là phương pháp giảm đau có hiệu quả nhất.

Ngoài ra, bệnh nhân cần được hướng dẫn tập bài tập Codman (đong đưa khớp vai) hoặc một số bài tập khác tùy theo giai đoạn bệnh. Bài tập Codman được ứng dụng rộng rãi và dễ dàng. Bệnh nhân cần được nằm, vai và tay bị đau cần đưa ra ngoài và thả lỏng xuống. Bệnh nhân đong đưa tay theo hình vòng tròn. Lúc đầu, đường kính vòng tròn nhỏ, sau đó dần dần tăng lên. Bài tập này giúp bệnh nhân giảm đau vai rất tốt, đồng thời làm cải thiện tình trạng giới hạn tầm vận động khớp vai.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên