30/05/2017 08:16 GMT+7

Bệnh nhân kể gì vụ tai biến chạy thận 7 người chết?

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
LAN ANH - QUỲNH LIÊN

TTO - Nạn nhân thứ 7 là nam giới 60 tuổi, tử vong đêm 29-5, là một trong hai người bị tai biến nặng nhất (sau khi đã có 6 người tử vong) trong vụ tai biến khi đang chạy thận tại Hoà Bình.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tổ chức họp báo thông tin về vụ việc - Ảnh: Quang Thế 

Bàng hoàng 

Ông Lê Văn Tiến (50 tuổi), một trong 10 bệnh nhân được chuyển xuống bệnh viện Bạch Mai để điều trị, hiện sức khỏe đã ổn định.

Ông Tiến cho biết đã chạy thận được 7 năm nhưng đây là lần đầu chứng kiến vụ việc đáng sợ như vậy.

Ông kể do phải rửa cục lọc nên chạy thận sau ngững người điều trị cùng khoảng 30 phút. Khoảng 20 phút sau khi chạy thận thì xảy ra sự việc. Nhưng do ông mới chạy nên chỉ hơi choáng váng.

Sau khi tạm dừng hoạt động chạy thận và có người tử vong, trong đêm 29-5, ông Tiến được chuyển đến Hà Nội cùng 9 bệnh nhân khác tiếp tục chạy thận, đảm bảo đúng chu kỳ.

Ông Trần Văn Quang (51 tuổi), đang điều trị tại khoa Chống độc, hiện đã ổn định sức khỏe, nhưng vẫn tỏ ra hoang mang, sợ hãi khi nhắc lại vụ việc.

Ông Quang kể mọi thứ trước đó đều không có gì bất thường. Nhưng trong lúc lơ mơ ngủ, ông thấy nóng ran người, nhức đầu, buồn nôn, nôn và rồi tiêu chảy.

Nhìn xung quanh thì ông thấy rất nhiều bệnh nhân khác cũng bị tương tự.

Các bác sĩ vội cho dừng tất cả máy chạy thận và cấp cứu người bệnh.

Ông Quang cho biết đã chạy thận được 9 năm, có 7 năm chạy thận tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Kể từ lúc phải chạy thận đến nay, thi thoảng có bị một vài triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu trong lúc đang chạy máy, nhưng chưa bao giờ có những triệu chứng như lần vừa rồi.

Bà Bùi Thị Vân (53 tuổi) cho biết rất lo sợ khi thấy mọi người xung quanh nôn. Bà cũng nôn. 3 năm chạy thận ở đây bà chưa từng gặp tình trạng như vậy. 

Sau đó thì mọi người đều gặp tình trạng rối loạn, đi vệ sinh liên tục. Đến khoảng 9h30 sáng 29-5, tức 2 giờ 30 phút sau khi bắt đầu ca chạy thận, thì có người tử vong

Ưu tiên máy móc cho bệnh nhân Hòa Bình 

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng nay 30-5, TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai cho hay ngay trong đêm qua, 10 bệnh nhân cùng ca chạy thận sáng 29-5 về Bệnh viện Bạch Mai, năm bệnh nhân được xếp điều trị tại Trung tâm Chống độc, năm được xếp vào Khoa Thận nhân tạo. Hiện tại 10 bệnh nhân này đã tạm ổn định và được sắp xếp lọc máu chu kỳ tại Hà Nội.

Tại Hoà Bình hiện còn một nạn nhân bị tai biến nặng, ông Dũng đánh giá tình trạng của bệnh nhân rất nặng, tuy nhiên các bác sỹ đang tích cực cứu chữa.

Ông Dũng cũng cho hay do Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đang bị ngừng hoạt động, đêm 29-5 Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tiếp nhận toàn bộ hơn 100 bệnh nhân của khoa về Hà Nội điều trị (thông thường mỗi bệnh nhân cần được lọc máu 3 lần/tuần), giao Bệnh viện Bạch Mai điều phối.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh thăm bệnh nhân bị tai biến chạy thận sáng 30-5 - Ảnh: Lan Anh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh thăm bệnh nhân bị tai biến chạy thận sáng 30-5 - Ảnh: Lan Anh

Theo ông Dũng, tại Hà Nội có 14-15 cơ sở điều trị thận nhân tạo, ông đã đề nghị mỗi cơ sở dành ít nhất một máy lọc máu cho bệnh nhân Hoà Bình, trường hợp thiếu thiết bị Bệnh viện Bạch Mai sẽ đảm nhiệm. Được biết hiện hầu hết các cơ sở lọc máy chu kỳ đều quá tải, Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai có cả ca chạy đêm cho bệnh nhân.

Đêm qua 29-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế Hoà Bình. Bà Tiến cũng giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối mời các chuyên gia giỏi nhất cứu chữa người bệnh, hạn chế tối đa tử vong.

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên