24/02/2017 07:17 GMT+7

Hàng loạt học sinh nghi viêm cầu thận cấp

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Ngày 23-2, đoàn công tác của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã trực tiếp về xã Hạnh Dịch (Quế Phong, Nghệ An) tìm nguyên nhân khiến hàng loạt học sinh bị suy thận chưa rõ nguyên nhân.

Bác sĩ khám kiểm tra cho một học sinh lớp 6 xã Hạnh Dịch, Quế Phong, Nghệ An - Ảnh: LÀI HỒ
Bác sĩ khám kiểm tra cho một học sinh lớp 6 xã Hạnh Dịch, Quế Phong, Nghệ An - Ảnh: LÀI HỒ

Chỉ trong vòng 3 tháng, tại xã Hạnh Dịch có 20 học sinh tiểu học và THCS mắc cùng triệu chứng nghi nhiễm bệnh viêm cầu thận cấp, trong đó có 2 học sinh đã tử vong.

Không tiền chữa trị phải đưa con về nhà

Trong ngôi nhà sàn tuềnh toàng ở bản Chăm Pụt (xã Hạnh Dịch) của gia đình, ông Lô Văn Quê (42 tuổi) vẫn chưa hết đớn đau khi lần lượt có hai cậu con trai qua đời vì nghi mắc bệnh viêm cầu thận cấp.

Ngồi thất thần bên bàn thờ hai con trai còn nghi ngút khói hương, ông Quê kể lại đầu tháng 2-2016, con trai ông là Lô Văn Hiếu (12 tuổi) có triệu chứng phù, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, được gia đình đưa đến Bệnh viện huyện Quế Phong chữa trị. Do Hiếu có dấu hiệu bị suy thận cấp nên được chuyển xuống Bệnh viện Sản nhi Nghệ An điều trị.

Nhà nghèo, không có tiền để chạy chữa nên gia đình ông Quê ngậm ngùi đưa con về nhà và Hiếu tử vong vào ngày 10-12.

Sau khi Hiếu mất được ba tuần thì người em trai của Hiếu là Lô Văn Tuấn (8 tuổi) cũng bắt đầu phát bệnh với các triệu chứng tương tự.

“Lúc đưa con đi bệnh viện, các bác sĩ bảo bệnh cháu đã nặng. Gia đình tôi biết bệnh của con có thể cầm cự nhưng sẽ phải chạy thận liên tục rất tốn kém, trong khi gia đình không có tiền đành phải đưa về nhà” - ông Quê rớt nước mắt.

Hai anh em Hiếu và Tuấn là hai trường hợp tử vong trong số 20 học sinh Trường tiểu học - THCS Hạnh Dịch được chẩn đoán nghi bị viêm cầu thận cấp.

Cô Lang Thị Tuyển - hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Hạnh Dịch - cho hay: “Đây là lần đầu tiên tại trường xảy ra sự việc như vậy, đặc biệt không chỉ là học sinh ở ký túc mà xảy ra rải rác ở tất cả các bản nên chúng tôi hết sức lo lắng và mong ngành y tế sớm tìm ra nguyên nhân để ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh”.

“Nhà trường đã phổ biến cho học sinh, phụ huynh vệ sinh thân thể cũng như phòng ở, thực hiện ăn chín uống sôi. Đối với thức ăn trường cũng mua có nguồn gốc rõ ràng, thường lưu trữ mẫu thức ăn trong nhà trường để có gì bất thường thì kiểm tra được” - cô Tuyển nói.

Chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh

Ông Lê Quang Trung - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quế Phong - cho hay hai cậu bé tử vong khi vào bệnh viện đều có biểu hiện suy thận, rối loạn điện giải nặng, tổn thương do hoại tử ống thận.

“Ngay sau khi có việc hàng loạt học sinh cùng có biểu hiện bệnh giống nhau, chúng tôi đã phối hợp chính quyền địa phương tổng vệ sinh môi trường, tăng cường công tác tuyên truyền vệ sinh cá nhân” - ông Trung nói và cho biết đến ngày 23-2, 11 học sinh điều trị đều đã xuất viện sau khi sức khỏe đã ổn định.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, bác sĩ Phan Văn Diệu - phó giám đốc bệnh viện - cho biết các bác sĩ vẫn đang điều trị, chăm sóc tích cực cho em Lữ Thị Giáp (6 tuổi, quê huyện Quế Phong) có các triệu chứng của bệnh viêm cầu thận cấp.

Ông Hoàng Văn Hảo - phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An - cho biết theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, hiện chưa xác định nguyên nhân hàng loạt học sinh ở Hạnh Dịch mắc bệnh nhưng ban đầu có thể do các khả năng viêm cầu thận cấp nghi do liên cầu khuẩn hoặc ngộ độc chưa rõ nguyên nhân.

“Chúng tôi đã cử đoàn công tác các bác sĩ về xã Hạnh Dịch khám sàng lọc, lấy mẫu máu, nước tiểu học sinh đưa đi xét nghiệm, tìm nguyên nhân gây bệnh để có phác đồ điều trị sớm nhất” - ông Hảo nói.

Ông Lê Văn Giáp - chủ tịch UBND huyện Quế Phong - cho biết: “Xã Hạnh Dịch là xã vùng biên, cách trung tâm huyện gần 30km, đời sống người dân nơi đây phần lớn đang khó khăn. Xã Hạnh Dịch chưa có hệ thống nước sạch, nước sinh hoạt người dân đều lấy từ khe suối đầu nguồn về sử dụng. Hiện 6 bản chưa có điện và không sóng điện thoại”.

Viêm cầu thận cấp do liên cầu khuẩn có hai thể là thể lành tính và thể ác tính. Thể lành tính thường điều trị xong đợt cấp, sau đó điều trị duy trì từ 6-9 tháng và được tiên lượng tốt, khỏi bệnh hoàn toàn nếu được điều trị đúng. Còn thể ác tính có thể gây suy tim cấp, suy thận nặng dẫn tới tử vong.

Hiện nay chưa có văcxin phòng bệnh hiệu quả nên chủ yếu vẫn là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Để tránh nhiễm trùng thứ phát và biến chứng thấp khớp, tim, thận... thì người dân cần phải phát hiện sớm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế điều trị tích cực các ổ nhiễm khuẩn ở da, ở họng do liên cầu nhóm A gây nên.

Bác sĩ Nguyễn Chí Sỹ (trưởng phòng hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản nhi Nghệ An)

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên