02/12/2015 08:48 GMT+7

Gánh nặng ung thư - Kỳ 2: “Điểm mặt” nguyên nhân gây bệnh

L.ANH - Q.LIÊN - L.TH.HÀ (lananh@tuoitre.com.vn)
L.ANH - Q.LIÊN - L.TH.HÀ (lananh@tuoitre.com.vn)

TT - Theo ông Trần Văn Thuấn - viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, ước tính mỗi năm VN có 150.000-200.000 ca mắc ung thư mới, trên 80% trong số này là do những phơi nhiễm từ môi trường bên ngoài.

Chất vàng O được phát hiện trộn vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi   - Ảnh: Thúy Anh
Chất vàng O được phát hiện trộn vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - Ảnh: Thúy Anh

Theo ông Thuấn, trên 30% căn nguyên gây ung thư là do thuốc lá, đặc biệt ung thư phổi, các ung thư khác cũng liên quan đến hút thuốc lá cả chủ động và bị động như ung thư bàng quang, hạ hầu thanh quản, khoang miệng, kể cả ung thư vú và ung thư cổ tử cung nữ giới cũng có liên quan đến thuốc lá.

Hiện có tình trạng đa ô nhiễm, một loại rau quả tồn dư tới 3-4 loại hóa chất bảo quản, bảo vệ thực vật, khi cộng tổng lượng tồn dư sẽ tăng vọt so với tách riêng từng loại vốn được "lách" để dưới ngưỡng cho phép. Chưa kể trong tháng qua, lực lượng chức năng phát hiện 7 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm là chất tạo nạc và vàng O, chất có thể tồn dư qua các thế hệ, đã gây ung thư với động vật thí nghiệm

Ông PHẠM XUÂN ĐÀ (viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia)

Họa từ... ăn

Dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn chiếm trên 30% căn nguyên gây ung thư. Trong đó, dinh dưỡng không hợp lý gồm chế độ ăn nhiều chất béo, đạm, đặc biệt là mỡ động vật, ít rau quả. Ngoài ra, còn có nguyên nhân sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm ô nhiễm hóa chất bảo quản. Các ung thư đường tiêu hóa như đại trực tràng, ung thư vú liên quan chặt chẽ căn nguyên này.

Cũng theo ông Thuấn, một căn nguyên gây ung thư là do môi trường làm việc độc hại, tiếp xúc với thuốc trừ sâu, tia X, ánh nắng mặt trời gay gắt lúc giữa trưa và đây là nguyên nhân của ung thư da, ung thư tuyến giáp. Chưa kể, 10% ung thư do yếu tố di truyền.

Trong số các nguyên nhân này, ông Thuấn đánh giá nguyên nhân do ăn uống không hợp lý và vệ sinh là căn nguyên hàng đầu.

“Rất cần đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu phòng bệnh sẽ an toàn và rẻ hơn nhiều so với khi đã mắc bệnh. Ví dụ điều trị một ca bệnh ung thư vú nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 1 chỉ cần phẫu thuật và hỗ trợ điều trị nội tiết, 95% được điều trị khỏi và chi phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/đợt; nếu bệnh ở giai đoạn 2-3 mới phát hiện, quá trình điều trị sẽ cần cả điều trị hóa chất, xạ trị, phẫu thuật, nội tiết, chi phí 60-70 triệu đồng và tỉ lệ sống thêm sau 5 năm chỉ đạt 50-60%. Khi bệnh ở giai đoạn 4 mới được phát hiện, việc điều trị kéo dài liên tục, chi phí điều trị lên tới 100-150 triệu đồng/bệnh nhân và tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ 10%”, ông Thuấn cho biết.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm, cho hay những hàm lượng chất lạ từ môi trường, thức ăn, thuốc uống được đưa vào cơ thể hằng ngày càng gia tăng thì song song với đó là tỉ lệ bệnh ung thư cũng gia tăng.

Có hai con đường dẫn đến ung thư là qua việc hít thở và ăn uống. Hít thở chủ yếu gây ra bệnh ung thư về đường hô hấp, trong khi chất lạ được đưa vào cơ thể thông qua ăn uống đi qua máu, tác động vào từng tế bào gây ra nhiều loại bệnh ung thư hơn.

Một số loại chất lạ là độc chất có thể dẫn đến bệnh ung thư như nitrosamine (tiền chất gây ung thư - sinh ra do quá trình hấp thụ nitrit dư thừa từ những chất bảo quản, thuốc trừ sâu có trong thực phẩm kết hợp cùng với axit amin có trong cơ thể), hay acrolein là độc chất được sinh ra do quá trình biến đổi axit béo không no khi đun nóng dầu thực vật ở nhiệt độ quá cao.

Bên cạnh đó, thói quen ăn uống đồ chiên, nướng, đặc biệt là những thực phẩm bị cháy, sém cũng gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe...

Ung thư và bệnh nhiễm

Ở góc độ ung thư liên quan đến bệnh nhiễm, báo cáo “Hiểu biết hiện nay về bệnh ung thư và bệnh nhiễm” của nhóm bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đưa ra tại hội nghị khoa học về ung thư cách đây một năm cho thấy có khoảng 16% ung thư của con người là do bệnh nhiễm (gồm các virút, vi khuẩn và các vi sinh vật) gây ra.

Chỉ riêng ba loại virút HBV, HCV, HPV và một vi khuẩn H.pylori đã gây khoảng 15% các ung thư ở người. Cụ thể, HBV và HCV gây ung thư gan, ngoài ra uống nhiều rượu, ăn phải thực phẩm nhiễm nấm mốc (aflatoxin gặm nhấm) cũng có liên quan mật thiết với ung thư gan. Ngoài các virút nói trên, còn có các loại virút sinh ung thư khác như EBV, HHV-8, HTLV-1, MCV, HIV.

Cụ thể, ung thư cổ tử cung có liên quan đến virút HPV, chiếm 50% các ung thư liên quan bệnh nhiễm ở phụ nữ. Ở nam giới, các ung thư gan và dạ dày chiếm 80% các ung thư do bệnh nhiễm. Ngoài ra còn các ung thư khác được biết có liên hệ với bệnh nhiễm như một số bệnh bạch cầu và lymphôm, ung thư hậu môn, dương vật, âm đạo, âm hộ, lưỡi, họng.

Các loại virút có liên quan đến ung thư ở người có thể thấy ở nhiều người trong dân số khỏe mạnh bình thường, nhưng chỉ có vài người phát triển thành ung thư. Do đó ung thư là một tình huống nhiễm hiếm hoi lâu dài loại virút này. Hầu hết mọi loại ung thư đều phát triển theo quá trình nhiều bước, một loạt các biến cố gen được tích lũy trong tế bào trước khi trở thành ác tính và sinh sôi nảy nở để thành khối bướu.

Sau 10 năm, ung thư phổi tăng mạnh

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, trong 15 năm qua hầu hết các loại ung thư ở VN đều gia tăng, chỉ riêng ung thư cổ tử cung có xu hướng nằm ngang và gần đây có dấu hiệu đi xuống, một phần do phụ nữ đã chú ý chăm sóc sức khỏe và tầm soát bệnh sớm.

Đáng chú ý ung thư phổi đã tăng gấp đôi sau 10 năm, năm 2000 tỉ suất mắc căn bệnh này là 17/100.000 dân, đến 2010 thì tỉ suất mắc bệnh đã tăng lên gấp đôi, tới mức 34/100.000 dân, hay ung thư đường tiêu hóa cũng gia tăng gấp rưỡi sau 10 năm.

Bảo hiểm cần chi trả thêm cho người bệnh ung thư

Ông Bạch Quốc Khánh, phó viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, cho biết với mỗi loại thuốc chi cho 1.000 bệnh nhân bạch cầu mãn, mỗi năm bảo hiểm đã phải chi trả ước khoảng 200 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Tá Tỉnh, trưởng ban dược Bảo hiểm xã hội VN, cho hay tổng chi phí tiền thuốc năm 2015 là trên 30.000 tỉ đồng, tương đương 60% tổng chi phí y tế do bảo hiểm y tế chi trả, một phần rất đáng kể trong đó là chi cho thuốc điều trị ung thư, nhất là những thuốc đắt tiền.

Nhưng đáng kể là sáu năm qua, mới có duy nhất bệnh nhân bạch cầu mãn được tiếp cận với thuốc nhờ hình thức hợp tác này, còn rất nhiều loại thuốc điều trị ung thư đắt tiền khác bệnh nhân không thể tiếp cận, khi các phương pháp điều trị hiện có bất lực, bệnh nhân đành phải chết vì không có tiền.

Theo một chuyên gia, riêng tiền thuốc cơ quan bảo hiểm y tế Pháp chi trả khoảng 180 tỉ euro. Khi đi học về điều trị ung thư ở Pháp, ông nhận thấy cơ quan bảo hiểm Pháp đã chi trả tất cả tiền thuốc cho bệnh nhân ung thư vì họ nhận thấy đây là loại bệnh nặng, bệnh nhân có thời gian sống thêm từ khi phát hiện bệnh không dài. Trong khi đó, họ lại chi trả rất hạn chế cho bệnh nhẹ, thời gian nằm viện ngắn.

Quỹ bảo hiểm y tế VN đang có khoản kết dư rất lớn, và quản lý chi tiêu khám chữa bệnh thời gian qua vẫn còn để xảy ra tình trạng lạm dụng. Nếu quản được lạm dụng, bảo hiểm sẽ có khả năng trả thêm tiền thuốc cho bệnh nhân ung thư?

L.ANH - Q.LIÊN - L.TH.HÀ (lananh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên