Hoa hậu Phương Nga cùng Nguyễn Đức Thùy Dung đã được tại ngoại sau hơn 27 tháng tạm giam - Ảnh: Hữu Khoa |
16h10 phút chiều 29-6, phiên tòa xét xử Trương Hồ Phương Nga và đồng phạm Nguyễn Đức Thùy Dung đã bắt đầu làm việc sau khi HĐXX tạm nghỉ để họp đánh giá các chứng cứ mà người làm chứng, luật sư đã giao nộp.
Hội đồng xét xử đã công bố các quyết định của TAND TP. HCM thay thế biện pháp ngăn chặn, hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung.
Theo đề xuất của hội đồng xét xử, TAND TP. HCM xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam với hai bị cáo, nên cho Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung tại ngoại, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Hội đồng xét xử cũng công bố quyết định được ký ngày 29-6 yêu cầu Viện KSND TP.HCM điều tra bổ sung vụ án do cần làm rõ những chứng cứ không thể làm rõ tại tòa.
Điều tra lại bản chất số tiền 16,5 tỷ đồng
Thứ nhất, tại tòa hai bị cáo đều khai nhận bản chất số tiền 16,5 tỉ đồng là do Mỹ chuyển cho Nga do hai bên có quan hệ tình cảm, ông Mỹ lại khai nhờ Nga mua nhà. Phương nga khai hồ sơ do bị cáo làm theo hướng dẫn của bà Mai Phương. Hồ sơ được tạo lập sau khi ông Mỹ đã có đơn tố cáo Nga.
Hội đồng xét xử xét thấy cần kiểm tra thực tế căn nhà để đối chiếu với lời khai của ông mỹ tại tòa. Quá trình điều tra, ông Mỹ có lời khai không nhất quán về số tiền 16,5 tỉ đồng.
Tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai nhân chứng, bị cáo có nhiều mâu thuẫn. Về hồ sơ mua bán nhà cần kiểm tra xem thời điểm tạo lập các giấy tờ mua bán, xác định xem Dung có vai trò nào trong việc tạo lập chứng cứ mua bán nhà.
Nếu quá trình điều tra có người tạo lập chứng cứ mua bán nhà giả thì cần xử lý theo quy định.
Luật sư của Nga cung cấp chứng cứ về những lần lưu trú khách sạn giữa Nga và Mỹ, cần điều tra nếu có xử lý về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng.
Hoa hậu Phương Nga tố cáo ông Mỹ cho người đe dọa - Ảnh: Hữu Khoa |
Làm rõ dấu hiệu vi phạm hoạt động tư pháp của cán bộ trại giam
Theo hội đồng xét xử, tại phiên tòa Phương Nga đã tố cáo bị Mỹ đe dọa, nên cần điều tra nếu có xử lý theo quy định pháp luật.
Tại tòa, người làm chứng và bị cáo có khai về cán bộ trại giam Chí Hòa tên Nghĩa, nhân chứng Lữ Minh Nghĩa cũng đã cung cấp số điện thoại, tên cán bộ có dấu hiệu chuyển thư ra ngoài. Hội đồng xét xử cho rằng cần điều tra làm rõ có hay không hành vi vi phạm hoạt động tư pháp.
Đề nghị cho giám định các lá thư xem có phải của Dung viết hay không? Cần xác định lời khai của Nga về 17 lần xuất nhập cảnh với ông Cao Toàn Mỹ, Nga khai đi và ở chung khách sạn, ông Mỹ khai đi riêng.
Theo hội đồng xét xử, tất cả những vấn đề trên cần phải được làm rõ để xác định sự thật khách quan của vụ án.
Hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung vui mừng lên xe về lại trại tạm giam để làm thủ tục cho tại ngoại - Ảnh: Hữu Khoa |
Ông Cao Toàn Mỹ sau khi tòa quyết định cho điều tra bổ sung vụ án - Ảnh: Hữu Khoa |
Đông đảo phóng viên báo chí vây quanh xe chở Phương Nga và Thùy Dung sau khi kết thúc phiên tòa - Ảnh: Hữu Khoa |
Trước khi phiên tòa bắt đầu, nhiều báo chí đã trao đổi với các luật sư về kiến nghị cho Phương Nga tại ngoại. Luật sư Nguyễn Văn Quynh cho biết ông tin rằng hội đồng xét xử sẽ cho Phương Nga được tại ngoại.
Trước đó ngày 28-6, các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Hồ Phương Nga đã ký đơn kiến nghị khẩn cấp gửi TAND TP.HCM và hội đồng xét xử, đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Phương Nga.
Trong buổi sáng 29-6, tòa vẫn tiếp tục phần thẩm vấn vì xét thấy có một số hành vi vi phạm pháp luật qua lời khai của các bị cáo, người làm chứng tại tòa.
Bị cáo Trương Hồ Phương Nga tiếp tục khẳng định không có chuyện lừa đảo ông Cao Toàn Mỹ; 16,5 tỷ đồng là do ông Mỹ tặng cho Nga vì hai người có tình cảm với nhau.
Nga khai rõ ràng tên các khách sạn mà hai người đã ở chung khi đi du lịch nước ngoài. Trong khi đó, ông Mỹ phủ nhận toàn bộ thông tin này.
Diễn biến vụ hoa hậu Phương Nga bị cáo buộc lừa 16,5 tỷ đồng
Năm 2009: Trương Hồ Phương Nga và Cao Toàn Mỹ Mỹ quen nhau qua mạng xã hội. Năm 2012: Hai bên thỏa thuận với nhau về việc mua bán nhà giá rẻ và có lời. Đến tháng 11-2013: Mỹ đã chuyển 16,5 tỉ cho Nga để Nga mua nhà rẻ hơn thị trường. Tuy nhiên, Nga nhận tiền nhưng không giao nhà. Tháng 4-2014: Mỹ viết đơn tố cáo Nga vay tiền nhưng sau đó không trả cho Mỹ. Tuy nhiên Mỹ chỉ có đơn tố cáo nên cơ quan điều tra cho rằng đây là giao dịch dân sự và không thụ lý. Tháng 8-2014: Mỹ tiếp tục làm đơn tố cáo Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc mua nhà giá rẻ. Ngày 9-9-2014: Mỹ có bản khai tại cơ quan điều tra với nội dung đã quen biết Nga thế nào, Nga đã dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của Mỹ ra sao. Ngày 29-9-2014: Nga có bản khai với cơ quan điều tra với nội dung thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Mỹ. Nội dung 2 lời khai của Nga và Mỹ rất giống nhau. Ngày 19-11-2014: cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Ngày 19-11-2014: cơ quan điều tra khởi tố bị can. Ngày 19-3-2015: Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung bị bắt tạm giam. Ngày 21-9-2016: TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lần 1 và trả hồ sơ để điều tra bổ dung, do trong phiên tòa này, Nga khai số tiền 16,5 tỉ đồng này là tiền thỏa thuận về một hợp đồng tình cảm. Theo đó Nga và Mỹ yêu nhau, Nga chấp nhận làm vợ (hờ) của Mỹ và không có thân phận gì. Việc Nga làm ra bộ hồ sơ mua nhà giá rẻ là có sự hướng dẫn của người phụ nữ là Nguyễn Mai Phương. Ngày 22-6-2017: TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lần 2. Tòa đã triệu tập thêm các nhân chứng liên quan đến vụ án: Nguyễn Mai Phương, Lữ Minh Nghĩa, Nguyễn Văn Yên… là những người đã giúp Nga thực hiện hồ sơ giả mua nhà giá rẻ để lừa Mỹ. Nguyễn Mai Phương không đến tòa theo giấy triệu tập và ngày 26-6 Hội đồng xét xử đã ra quyết định dẫn giải. Ngày 29-6-2017: Hội đồng xét xử ký lệnh thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho Trương Hồ Phương Nga, Nguyễn Đức Thùy Dung được tại ngoại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận