25/06/2017 19:25 GMT+7

Vụ hoa hậu Phương Nga: Bản khai "sinh đôi" là dấu hiệu mớm cung?

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI

TTO - Theo các chuyên gia pháp lý, cần làm rõ việc điều tra viên có mớm cung, lấy nguyên văn lời tố cáo của ông Cao Toàn Mỹ để đưa vào bản khai của Trương Hồ Phương Nga cho hoa hậu này ký tên hay không.

Hai bản khai của ông Cao Toàn Mỹ và bị cáo Phương Nga trong hồ sơ vụ án giống hệt nhau 

Vụ án Trương Hồ Phương Nga (từng đạt danh hiệu hoa hậu người Việt tại Nga) và bạn là Nguyễn Đức Thùy Dung đang bị TAND TP.HCM xét xử vì cáo buộc lừa đảo 16,5 tỷ đồng của ông Cao Toàn Mỹ đang gây chú ý khi luật sư bất ngờ trình trước tòa 2 bản khai giống nhau như "sinh đôi" của ông Mỹ và Phương Nga.

Hai bản khai: một của ông Mỹ (người bị hại, tố cáo Nga lừa đảo) và bản lời khai của Phương Nga giống nhau cả hình thức lẫn nội dung làm dư luận dấy lên nghi ngờ về việc có hay không việc mớm cung và dụ cung của điều tra viên với bị can trong quá trình điều tra?

"Có dấu hiệu mớm cung"

Đó là ý kiến của luật sư luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) khi đánh giá về vụ việc này.

Theo luật sư Nam, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, lời khai thể hiện ý kiến của bị can, bị cáo, người bị hại và những người có liên quan về tình tiết của vụ án thường được điều tra viên viết tay ghi lại. Người cho lời khai có ký tên vào bản này.

Tuy nhiên trong vụ án này, bản khai lại là bản đánh máy. Nội dung và hình thức bản khai của Cao Toàn Mỹ (người tố cáo, khai ngày 9-9-2014) và Phương Nga (người bị tố cáo, khai ngày 29-9-2014) giống nhau từ hình thức đến nội dung.

Thậm chí có một số đoạn trong bản khai của Phương Nga, danh xưng còn không khớp khi Nga xưng "tôi Mỹ"...

“Hai bản khai giống nhau như đúc này khiến tôi nghi ngờ có thể điều tra viên soạn sẵn, có dấu hiệu mớm cung khi lấy lời khai của Nga.

Việc sao chép lời khai của người này gắn cho người kia là vi phạm tố tụng hình sự. Nội dung của các bản khai này có thể không khách quan, không phản ánh chính xác vụ việc. Không thể trong cùng một vụ án mà bị can và bị hại lại có bản khai giống y hệt nhau như vậy” - luật sư Nam nói.

Chứng cứ phải hợp pháp, khách quan

Theo trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, lời khai ban đầu của người bị tố cáo là chứng cứ quan trọng của vụ án. Lời khai ấy được thực hiện khi vụ án chưa được khởi tố, lúc đó bị cáo chưa bị bắt giam nên thường lời khai này được xác định là tự nguyện và thật.

Dĩ nhiên trong một vụ án, ngoài lời khai thì còn có nhiều chứng cứ khác giúp hội đồng xét xử có thể xem xét để đánh giá một cách đầy đủ sự thực khách quan của vụ án.

"Về chủ quan tôi cho rằng hai người khác nhau khai thì chẳng thể có lời khai nguyên văn như nhau, đúng đến từng dấu chấm dấu phẩy. Các bút lục trong hồ sơ vụ án thì phải thể hiện sự khách quan trong toàn bộ tiến trình tố tụng. Đặc biệt lời khai của người bị tố cáo, bị can, bị cáo như thế nào thì phải ghi nguyên văn như vậy", ông Độ nói.

Theo ông Độ, với sự bất thường trong hai lời khai này thì hội đồng xét xử và viện kiểm sát phải đánh giá xem tính hợp pháp, tính khách quan của tài liệu này ra sao.

Một kiểm sát viên cao cấp thì cho rằng lời khai của bị cáo, bị hại được xem là chứng cứ của vụ án nhưng ngoài lời khai còn có những chứng cứ khác nữa.

Vì thế, cơ quan tố tụng cần xem xét xem lời khai này có phù hợp với chứng cứ khác hay không? Liệu đây có phải là căn cứ duy nhất để buộc tội bị cáo? Nếu có nghi ngờ thì cần loại bản khai này ra khỏi hồ sơ vụ án.

Cần triệu tập điều tra viên đến tòa

Để làm rõ sự bất thường trong hai bản khai của ông Cao Toàn Mỹ và bị cáo Trương Hồ Phương Nga, luật sư Phạm Hoài Nam cho rằng toà án cần phải triệu tập điều tra viên để xác định lại nội dung trong 2 bản khai đó.

Qua hai bản khai cho thấy có dấu hiệu bị cáo Phương Nga đã bị điều tra viên dụ cung, mớm cung khi được cung cấp lời khai của người bị hại Cao Toàn Mỹ trước đó. 

Phân tích các tình huống lấy cung trong khi điều tra, luật gia Đồng Mạnh Hùng (Hội luật gia tỉnh Lâm Đồng) cho rằng việc điều tra viên đặt câu hỏi giống nhau với hai hay nhiều người để cùng xác minh một vấn đề là bình thường.

Tuy nhiên, câu trả lời của những người khác nhau thì không thể giống nhau gần như nguyên văn như vậy. Từ đó, dư luận có thể đặt ra nghi vấn rằng việc ghi bản khai từ Phương Nga là không có thật mà là do điều tra viên tự tạo ra từ bản khai của ông Mỹ rồi đưa Nga ký tên.

Nếu có cơ sở chứng minh bản khai đó không phải là lời khai của Phương Nga (trong phiên xét xử trước Nga đã nói mình được điều tra viên hướng dẫn khai) thì việc tạo ra bản khai này có dấu hiệu hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Đưa tiền cho hoa hậu vì có hợp đồng tình cảm?

Theo cáo trạng, Trương Hồ Phương Nga quen biết với ông Cao Toàn Mỹ. Ông Mỹ tin Nga khi Nga nói rằng có thể mua được nhà giá rẻ hơn giá trị trường nên đã nhiều lần chuyển tiền cho Nga nhờ mua nhà dùm rồi bị Nga lừa tổng cộng 16,5 tỷ đồng.

Nhiều khoản tiền được chuyển cho Nga thông qua tài khoản của Nguyễn Đức Thùy Dung (bạn Nga). 

Tuy nhiên, trong suốt hai phiên tòa xét xử, Phương Nga đều khẳng định mình bị oan, cô không lừa ông Mỹ mà việc ông Mỹ đưa tiền cho Nga là do hai bên có thỏa thuận một "hợp đồng tình cảm". 

Ngày mai 26-6, TAND TP.HCM sẽ tiếp tục xét xử vụ án này.

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên