18/08/2016 13:48 GMT+7

Khắc tinh của tội phạm truy nã

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TTO - Một trinh sát trẻ của Phòng cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an TP.HCM mỗi năm tham gia bắt khoảng 24 đối tượng truy nã các loại.

Thượng úy Đỗ Văn Thiếu và nhóm công tác bắt một đối tượng giết người sau nhiều năm lẩn trốn - Ảnh công an cung cấp
Thượng úy Đỗ Văn Thiếu và nhóm công tác bắt một đối tượng giết người sau nhiều năm lẩn trốn - Ảnh công an cung cấp

Theo nhận định của nhiều trinh sát, tỉ lệ bắt tội phạm này là rất cao.

Đó là thượng úy Đỗ Văn Thiếu, 31 tuổi, quê tỉnh Hưng Yên. Năm 2014, Thiếu chính thức nhận nhiệm vụ trinh sát truy nã tội phạm. Từ đó đến nay anh đã tham gia bắt 62 đối tượng tội phạm diện truy nã.

Đại tá Trần Văn Tém, trưởng PC52, nhận xét: “Những trinh sát truy nã lâu năm cũng khó đạt tỉ lệ ổn định mức cao như vậy, trong khi Thiếu còn trẻ lại lập thành tích đáng nể. Có thể nói Thiếu là trinh sát trẻ khắc tinh của tội phạm truy nã”.

Bắt những tội phạm ma mãnh, dữ dằn

Bề ngoài thượng úy Thiếu nhỏ con, da ngăm đen, kiệm lời. Thiếu khiêm tốn cho rằng mình tham gia bắt được nhiều tội phạm do cần cù chịu khó, đeo bám địa bàn tới cùng và chút may mắn.

Tội phạm có số năm lẩn trốn lâu nhất mà thượng úy Thiếu truy bắt là Trần Văn Sển, 62 tuổi, quê tỉnh An Giang. Gần 20 năm trước tại TP.HCM có một vụ mua bán ma túy nổi tiếng. Sển và các tội phạm trong đường dây buôn bán ma túy ngụy trang hình thức buôn bán tranh thạch cao.

Trong đó, ông ta giữ vai trò chở “bà trùm” ma túy đi giao dịch. Khi bà chủ bị bắt, ông Sển trốn sang Campuchia, thay tên đổi họ, sinh sống như một công dân nước bạn suốt 20 năm qua...

Ngần ấy thời gian, nhiều trinh sát truy nã rất khó khăn trong công tác truy tìm. Nhưng tất cả vô vọng. Rồi đến lượt Thiếu được giao nhiệm vụ khó khăn này.

Chỉ trong một thời gian ngắn làm công tác trinh sát địa bàn, Thiếu nhận tin một người giống ông Sển xuất hiện tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ngay lập tức, Thiếu đi xuống tận nơi.

Người đàn ông 20 năm qua tuy đã thay đổi nhiều nhưng không thoát khỏi cặp mắt nghiệp vụ của người trinh sát truy nã. Rất mừng vì xác định được đối tượng nhưng Thiếu bình tĩnh cùng đồng nghiệp mật phục dưới con rạch bên nhà.

Ngày 5-9-2015, khi cơ hội chín muồi, Thiếu lập tức ra tay bắt gọn đối tượng trốn truy nã 20 năm chỉ trong... hai ngày mật phục.

Nhiều loại tội phạm xã hội đen, bản chất hung hãn cũng bị Thiếu “nắm đầu”. Chẳng hạn như vụ Nguyễn Ngọc Hải, 33 tuổi, quê tỉnh An Giang.

Hải nổi tiếng bảo kê, đâm chém tại những nơi kinh doanh như bia ôm, massage... Đầu năm 2016, trong một lần mâu thuẫn làm ăn, Hải đã vung mã tấu chém rớt tay đối thủ rồi bỏ trốn.

Phối hợp với Công an tỉnh An Giang, biết Hải trốn lên Sài Gòn, đang hành nghề bảo kê, gần cuối tháng 5-2016, Thiếu cùng đồng nghiệp khống chế bắt Hải tại một quán kinh doanh nhạy cảm trên đường Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận).

“Lúc khống chế đối tượng, xung quanh nhiều đồng bọn của Hải lăm le mã tấu định lao đến giải vây. Tuy nhiên, tổ công tác vừa trấn áp, vừa thuyết phục để đưa được đối tượng truy nã ra ngoài an toàn” - Thiếu kể lại.

Không chỉ đụng phải tội phạm ma mãnh hay hung hãn, Thiếu cũng rất “duyên” với những nữ quái. Không chỉ khống chế bắt giữ mà còn trổ tài ăn nói, vận động đầu thú.

Đó là chuyện truy bắt bà Hồ Quốc Ngọc Dung, 43 tuổi, quê Lâm Đồng. Năm 2014, bà Dung cặp với một du khách nước ngoài tại TP.HCM, trộm cắp tài sản rồi bỏ trốn nhiều nơi.

Thiếu liên hệ được với bà qua điện thoại nên vận động ra đầu thú. Tuy nhiên bà Dung lần lữa. Thế là chàng trinh sát phóng lên Lâm Đồng.

Biết bà Dung đang làm thuê trên xe khách, Thiếu đóng vai người đi xe, đi hết tuyến này đến tuyến khác trong hai ngày. Vẫn bặt vô âm tín. Thiếu thuê xe máy rà địa bàn.

Đến ngày thứ ba, Thiếu quyết định điện thoại cho đối tượng thuyết phục lần cuối. Lần này nữ quái đã bị thuyết phục, tự xuất hiện và khóc lóc đi theo trinh sát về chịu tội.

Vợ mổ tim không có chồng bên cạnh

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Thiếu làm cảnh sát cơ động ở Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động (K20) Bộ Công an. Thấy Thiếu có tố chất phù hợp với việc săn bắt tội phạm nên K20 chuyển Thiếu về PC52. Năm 2014 Thiếu chính thức làm trinh sát nhận án.

Trong công tác trinh sát truy nã tội phạm, Thiếu chịu khó đi khắp nơi không ngại ngày tết hay nghỉ lễ để truy ra những thông tin, dù là nhỏ nhất.

Do đặc thù công việc, sáng có mặt ở cơ quan, mặc sắc phục họp bàn giao công việc, sau đó nhận nhiệm vụ mặc thường phục đi công tác trinh sát. Chuyện đi công tác tỉnh lẻ từ 10-15 ngày là thường xuyên đối với các trinh sát truy nã.

“Nói ăn bụi ngủ đường thì hơi quá bởi cuộc sống giờ đã tiện nghi hơn. Đến nơi nào thì ngủ lại nhà cán bộ ấp, xã, huyện đó. Xưa nhiều đồng nghiệp hết tiền phải vay mượn tại chỗ nhưng giờ có thẻ ATM, cần gấp là đơn vị chuyển tiền liền” - Thiếu nói.

Năm ngoái, khi vợ mổ tim, Thiếu cũng phải nhờ người thân chăm sóc, ráng hoàn thành công việc mới trở về chăm sóc vợ.

Hỏi Thiếu lần nào giáp mặt với nguy hiểm? Thiếu bảo đối với người trinh sát truy nã tội phạm khi ra tay là gần như đối tượng không còn cơ hội phản kháng. Bởi một quy tắc đặt lên hàng đầu là tính an toàn cho người trinh sát, cho người dân và cả đối tượng. Đã ra tay là phải khống chế tức thì và bằng được.

Bắt và vận động đầu thú 1.363 đối tượng

Phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP.HCM được thành lập ngày 22-6-2011 với nhiệm vụ truy bắt, vận động đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú; truy tìm tung tích nạn nhân, người mất tích, vật chứng có liên quan đến các vụ án hình sự.

Qua 5 năm hoạt động, PC52 đã bắt và vận động đầu thú 1.363 đối tượng truy nã. Trong đó có 160 đối tượng đặc biệt nguy hiểm, xác lập và khám phá 19 chuyên án truy xét đối tượng truy nã.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên