16/09/2015 11:20 GMT+7

Quyền im lặng để chống oan sai và giải oan

TÂM LỤA (tamlua@tuoitre.com.vn)
TÂM LỤA (tamlua@tuoitre.com.vn)

TT - Việc quy định quyền im lặng trong Bộ luật tố tụng hình sự không những chống được oan sai cho bị can, bị cáo mà còn có thể giải oan cho cơ quan điều tra và các luật sư.

Trung tướng Trần Văn Độ Ảnh: T.L.
Trung tướng Trần Văn Độ - Ảnh: T.L.

Quan điểm trên được luật sư Nguyễn Văn Chiến - phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN, chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội trình bày tại hội thảo “Công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung - tác động đa chiều”.

Hội thảo do Hội Luật gia VN và Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN phối hợp tổ chức ngày 15-9.

In thật to “quyền im lặng” treo ở buồng hỏi cung

Ý kiến của luật sư Chiến xuất phát từ phát biểu của trung tướng, PGS.TS Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án TAND tối cao, nguyên chánh án Tòa án quân sự trung ương).

Ông Độ cho rằng hiện nay khi ra tòa, nhiều bị can, bị cáo nói mình bị ép cung, bức cung, dùng nhục hình nhưng tòa không tìm được chứng cứ.

Có trường hợp sau khi được hưởng án treo, bị can, bị cáo tâm sự ngược lại với hội đồng xét xử rằng họ được luật sư “xúi đừng nhận tội vì hồ sơ, chứng cứ vụ án rất yếu, để luật sư lo liệu!”.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến khẳng định: “Im lặng không có nghĩa là không nói, mà là thực hiện quyền được bào chữa, không đưa ra lời khai chống lại mình như Hiến pháp đã quy định”.

Việc quy định quyền im lặng vào dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) lần này, theo ông Chiến, là một đòi hỏi của thực tiễn khách quan và giúp nâng cao năng lực nghiệp vụ của điều tra viên.

“Nếu đảm bảo câu chuyện quyền im lặng sớm, nâng cao năng lực của cơ quan điều tra thì sẽ không có những vụ án oan vừa qua. Nguyên tắc tố tụng đúng phải là trọng chứng hơn trọng cung.

Nhưng thực tiễn tố tụng của ta theo trình tự ngược, từ cung mới đi tìm chứng và từ đó buộc tội” - luật sư Chiến bình luận.

Theo ông Chiến, hiện nay cả cơ quan điều tra và luật sư đang bị “tiếng oan” vì “cứ chứng cứ chưa rõ, ra tòa bị cáo lại nói là do cơ quan điều tra đánh đập, ép cung, có khi lại bảo luật sư tư vấn phản cung nên rất mang tiếng”.

Không có giải pháp nào khác ngoài việc phải quy định quyền im lặng vào luật, quy định này không những giải oan được cho cả bị can, bị cáo mà có thể giải oan cho cơ quan điều tra và đội ngũ luật sư.

Nếu Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) lần này quy định về quyền im lặng thì những thông tin về quyền này phải được in thật to, rõ ràng, thậm chí treo trong buồng hỏi cung để bị can hiểu được quyền của mình.

"Cũng cần phải có cơ chế giám sát chặt quá trình hỏi cung. Việc lắp đặt camera ở phòng hỏi cung không chỉ là giám sát thuần túy mà mục đích cao nhất là chống bức cung, nhục hình” - luật sư Chiến đề xuất.

Hiểu đúng về quyền im lặng

Ủng hộ nên quy định quyền im lặng trong luật, tuy nhiên TS Võ Việt Hà - phó ban tư vấn trợ giúp pháp lý Hội Luật gia VN - cho rằng cách viết quyền này trong luật thế nào để vừa thực hiện được lại vừa áp dụng tốt: “Nếu viết không chặt chẽ, người dân đọc lại hiểu mình có quyền không nói năng gì.

Người dân phải hiểu là không phải lúc nào họ cũng có quyền im lặng. Phải để họ hiểu lúc nào họ có quyền im lặng, lúc nào họ phải nói, chứ nếu khi bắt vào không chịu nói thì cũng chết”.

Theo ông Trần Văn Độ, hiện nay khi đưa ra thảo luận về quyền im lặng thì mỗi người còn có một quan điểm khác nhau.

“Có đại biểu Quốc hội cho rằng nếu công nhận quyền im lặng thì bị can từ đầu đến cuối không nói, có người lại mở quá rộng cho rằng nếu bị can cứ im lặng thì tố tụng không thể vận hành, không điều tra truy tố được. Nhất là một số tội phạm nghiêm trọng như án ma túy, đa số điều tra dựa trên truy xét thì không xét xử được” - ông Độ cho biết.

Cũng theo ông Độ, ở VN đã đến lúc phải quy định quyền im lặng. Quyền này phải thể hiện được các nội dung: người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không khai báo để buộc tội mình trong mọi giai đoạn tố tụng và họ phải được giải thích về quyền đó.

Không được coi việc người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không khai báo là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền có luật sư để hỗ trợ pháp lý nói chung và hỗ trợ khi khai báo nói riêng.

Khi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có luật sư thì việc lấy lời khai phải có mặt luật sư. Trong trường hợp lời khai nhận tội của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vi phạm các quy định trên không có giá trị pháp lý.

Nhiều đại biểu cho rằng sự cần thiết của việc quy định quyền im lặng vào luật đã rõ nhưng quy định như thế nào, thực thi như thế nào mới là vấn đề quan trọng.

Theo ông Trần Văn Độ, việc thực hiện quyền im lặng liên quan đến đường lối xử lý tội phạm, quan trọng nhất là thực tiễn áp dụng pháp luật, nhận thức của những người áp dụng pháp luật.

“Hơn 30 năm làm tòa án, tôi biết nếu bị cáo không nhận tội thì tòa cho rằng không ăn năn hối cải, không bị coi là tình tiết tăng nặng thì cũng không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Thậm chí có những cách hiểu nếu bị cáo không nhận tội thì không được hưởng án treo, đó là các quan điểm sai lầm. Không chỉ quy định trong tố tụng hình sự mà trong nhận thức xã hội và nhận thức của những người thi hành pháp luật phải hiểu rõ điều này” - ông Độ cho biết.

Đồng tình với ông Độ, TS Nguyễn Văn Hiển - viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp - cho rằng việc quy định quyền im lặng trong luật có thể dẫn đến thay đổi cực kỳ lớn trong tư duy tiến hành tố tụng, đòi hỏi hệ thống cơ quan điều tra phải thay đổi rất lớn.

“Thay vì hỏi cung bị can từ 10, thậm chí 20 lần, điều tra viên phải đi tìm chứng cứ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cơ quan điều tra phải nỗ lực rất lớn” - ông Hiển nói.

Không nên ghi âm, ghi hình tất cả

Theo thiếu tá Ngô Đức Thắng - trưởng phòng V19 Cục Pháp chế và cải cách thủ tục hành chính tư pháp Bộ Công an, không nên quy định ghi âm, ghi hình tất cả cuộc hỏi cung bị can, chỉ nên quy định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong những trường hợp bị can kêu oan, không nhận tội hoặc các bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

“Nếu ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là việc ghi nhận chứng cứ do chính điều tra viên thực hiện thì việc giám sát gần như không có ý nghĩa, đồng thời thời gian hỏi cung bị can sẽ tăng lên gấp đôi.

Vì để đảm bảo tính công khai, minh bạch của việc ghi âm, ghi hình, ngoài việc phải đọc cho bị can nghe lại biên bản hỏi cung thì điều tra viên còn phải mở lại băng ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung cho bị can nghe, xem lại, công nhận đúng và ký vào biên bản xác nhận.

Đối với những cuộc hỏi cung có thời gian kéo dài hơn hai giờ thì toàn bộ cuộc hỏi cung sẽ kéo dài hơn bốn giờ... Điều này sẽ gây mệt mỏi cho người hỏi cung lẫn bị can” - ông Thắng cho biết.

Bên cạnh đó, thiếu tá Ngô Đức Thắng cho rằng việc bảo quản, bảo mật, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can cũng cần phải tính toán vì trung bình mỗi năm trên toàn quốc có khoảng 100.000 bị can, mỗi bị can phải hỏi cung ít nhất hai lần, có bị can phải hỏi cung hàng chục lần.

Vì vậy phải định thời hạn bảo quản đối với việc lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình trong bao lâu cho phù hợp.

TÂM LỤA (tamlua@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên