17/06/2015 16:55 GMT+7

Công ước Liên Hợp Quốc không có “quyền im lặng”

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Gần một ngày Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), đại biểu Đỗ Văn Đương thuộc “phe” thiểu số khi không đồng ý quy định người bị bắt, bị can, bị cáo có quyền im lặng.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương - Ảnh: Lê Kiên

“Lời khuyên có hại cho nghi can”

“Tôi xin tham gia trực tiếp vào vấn đề mà bấy lâu nay dư luận râm ran là có quy định “quyền im lặng” của người bị bắt, bị can, bị cáo hay không? Quy định hiện hành cũng đã rất tiến bộ. Khai hay không khai là quyền, không phải là nghĩa vụ” - ông Đương mở đầu.

“Nhưng thưa các đại biểu, nghĩa vụ không khai báo không đồng nghĩa với nghĩa vụ không buộc phải chứng minh. Qua lời khai của anh, cơ quan điều tra sẽ chứng minh chứ không phải anh phải chứng minh. Nếu bị can, bị cáo tự khai ra hành vi phạm tội của mình thì đây mới là quan trọng, đây là cơ hội để họ tự bào chữa cho chính mình mà do đó mà họ được hưởng khoan hồng theo chính sách nhân đạo” - ông Đương nói.

“Trong khi bom hẹn giờ chỉ còn vài giờ nữa là phát nổ, tổ chức tội phạm giết người cướp của chuẩn bị hành động, tại thời điểm này, chỉ có người bị bắt mới khai ra được thông tin đó, nếu chậm thì tai họa khôn cùng. Lúc đó sự im lặng của một người sẽ giết chết nhiều người. Vậy tại sao lại quy định quyền im lặng để gánh hậu quả?” - ông Đương nêu vấn đề.

Ông Đương tiếp tục chứng minh quan điểm của mình: “Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền dân sự và chính trị trong đó không hề quy định “quyền im lặng”. Tuy nhiên một số nước điển hình như Mỹ có quy định nghi can có quyền im lặng cho đến khi có luật sư, tức là phải kèm theo điều kiện là “cho đến khi có luật sư”, nghĩa là từ thời điểm này anh không được im lặng nữa, anh bắt đầu trình bày lời khai”.

“Ở Mỹ đi kèm với quy định này là quy định mặc cả thú tội, tức là anh tự nguyện khai báo ra tội thì sẽ được giảm nhẹ tội hoặc tội nhẹ thì có thể miễn trách nhiệm hình sự. Ở ta có quy định nếu thành khẩn khai báo thì sẽ được khoan hồng, coi đó là tình tiết giảm nhẹ. Như vậy nếu chúng ta tách rời “quyền im lặng” của nghi can với điều kiện cho đến khi có luật sư và không gắn với chế định mặc cả thú tội để cho rằng cần quy định “quyền im lặng” của nghi can một cách chung chung thì chẳng khác gì khuyên người “đau bụng uống nhân sâm” và quên khuyên người ta câu là “thì sẽ tắc tử”. Đây là lời khuyên rất có hại cho nghi can”.

Ông Đương hiểu sai Công ước?

Vẫn theo ông Đương, “Dự thảo không quy định “quyền im lặng” là phù hợp. Nhưng rõ ràng quy định không buộc người bị bắt, bị can, bị cáo phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc không buộc phải nhận mình có tội là chưa phù hợp với quy định của Công ước”.

“Khi chúng tôi tra cứu tận gốc quy định của Công ước nguyên bản tiếng Anh có nghĩa là không được ép buộc, không được gây áp lực buộc người khai phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc ép buộc phải nhận tội. Chính vì vậy trong dự thảo này thiếu ba chữ rất quan trọng đó là “bị ép buộc” - ông nói.

Nhận thức này của ông Đương đã bị Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình bác bỏ: “Về quyền của bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời nhận tội hay là chứng cứ chống lại mình, chúng tôi có Công ước của Liên Hợp Quốc trong tay, câu chữ quy định trong Công ước là “không buộc” chứ không phải là “không ép buộc”. “Không buộc” là quyền tự thân của bị can, bị cáo chứ còn ép buộc là tác động từ bên ngoài”.

Thông tin của ông Nguyễn Hòa Bình cũng phù hợp với thông tin đại biểu Trương Trọng Nghĩa cung cấp: “Tôi nhất trí với rất nhiều ý kiến đã phát biểu, từ "không buộc" là đúng với công ước, không phải là “không ép buộc” vì trong Công ước nếu chữ "không ép buộc" người ta sử dụng từ khác chứ không dùng từ như hiện nay”.

Ông Nghĩa nói thêm: “Đối với Công ước, quyền không khai báo chống lại mình và không nhận tội, không thú tội là quyền tối thiểu của người bị buộc tội. Những quyền này còn cách xa quyền im lặng của các nước, theo luật Anh, Mỹ và tất cả các nước cộng đồng châu Âu, kể cả nhiều nước châu Á đang áp dụng. Quyền im lặng của các nước này là im lặng trong toàn bộ quá trình tố tụng hình sự, kể cả khi có luật sư và khi bị xét xử ra tòa và họ không bị quy kết hay bị tăng nặng khi sử dụng các quyền đó”.

“Quyền im lặng là quyền của mọi người, của bất kỳ ai khi bị nghi là có tội hay bị buộc tội, không phải dành cho quyền của một số kẻ tội phạm” - ông Nghĩa khẳng định.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên