07/05/2015 13:13 GMT+7

Y án nhóm công an xã Kim Nỗ đánh chết người

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Dù Viện kiểm sát kháng nghị tăng án, đại diện gia đình bị hại cũng kháng cáo đề nghị phải xử các công an nặng hơn nhưng tòa phúc thẩm cho rằng án sơ thẩm là có căn cứ.

Các bị cáo nguyên công an xã Kim Nỗ tại tòa - Ảnh: T.L

Ngày 6-5, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã xét xử và tuyên y án sơ thẩm đối với 4 bị cáo nguyên là công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Theo đó, bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên (nguyên phó trưởng công an xã Kim Nỗ) lãnh 17 năm tù về tội “giết người”.

Cùng tội danh trên, 3 bị cáo nguyên là các công an viên của xã gồm: Nguyễn Trọng Kiên 16 năm tù; Đoàn Văn Tuyến và Hoàng Ngọc Thức mỗi bị cáo lãnh 8 năm tù.

Theo bản án sơ thẩm ngày 18-9-2014 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, ngày 30-8-2012, Công an xã Kim Nỗ nhận đơn của ông Nguyễn Mậu Phú (57 tuổi, trú thôn Đoài) trình báo anh họ của ông là Nguyễn Mậu Thuận (56 tuổi, người cùng thôn) dùng gạch đánh vợ ông gây thương tích.

Công an xã Kim Nỗ đã mời ông Nguyễn Mậu Thuận về trụ sở công an xã làm việc. Tại trụ sở, Hoàng Ngọc Tuyên đã tát ông Thuận, cầm dùi cui cao su vụt mạnh vào đùi ông Thuận, sau đó đưa dùi cui cho các công an viên khác đánh ông Thuận, kẹp bút bi vào đầu ngón tau ông. 

Ông Thuận được đưa đến Bệnh viện huyện Đông Anh cấp cứu nhưng do thương tích quá nặng nên đã tử vong.

Sau khi Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử sơ thẩm, gia đình bị hại kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt đối với cả 4 bị cáo.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cũng có kháng nghị đề nghị tăng nặng hình phạt đối hai bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên và Nguyễn Trọng Kiên. Còn 4 bị cáo thì kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm sáng 6-5, anh Nguyễn Mậu Công, con trai bị hại đã thay đổi kháng cáo, chỉ đề nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên và xin giảm nhẹ hình phạt cho 3 bị cáo còn lại.

Trả lời tòa, cả 4 bị cáo thừa nhận hành vi dùng bút bi kẹp vào tay, dùi cui đánh ông Thuận làm ông tử vong. Lý do đánh ông Thuận, theo bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên là vì ông Thuận say rượu, chửi bới các công an viên.

Tòa đặt nhiều câu hỏi để xác định vai trò của từng bị cáo tham gia đánh ông Thuận, ai là người đánh nhiều nhất làm ông Thuận tử vong, trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Vọng (nguyên trưởng Công an xã Kim Nỗ) tới đâu trong việc chỉ đạo các bị cáo đánh ông Thuận?

Trả lời tòa, cả 4 bị cáo đều khai ông Vọng chỉ chỉ đạo cùm tay ông Thuận, sau đó ra ngoài chứ không chỉ đạo các bị cáo đánh ông Thuận.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại) đã đề nghị tòa khởi tố ông Nguyễn Đức Vọng về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo luật sư Nga, ông Thuận được mời lên trụ sở công an xã để khai về mâu thuẫn với em họ chứ không phải bị tạm giam để điều tra về vụ án hình sự, tuy nhiên ông Vọng đã chỉ đạo cấp dưới bắt ông Thuận mà không có bất cứ quyết định nào, lại chỉ đạo cấp dưới cùm tay ông Thuận.

Luật sư Nga cho rằng hành vi trái pháp luật của ông Vọng là khởi nguồn của một loạt hành vi trái pháp luật khác của cấp dưới gây nên cái chết cho ông Thuận. Hành vi của ông Vọng đã đủ yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và bắt giữ, giam giữ người trái phép.

Luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ để làm rõ vấn đề này.

Tuy nhiên, hội đồng phúc thẩm cho rằng án sơ thẩm xử các bị cáo về tội giết người là có căn cứ, đúng người đúng tội. Việc các luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung là không đủ căn cứ. Quá trình điều tra chưa đủ cơ sở để kết luận ông Vọng là đồng phạm giết người với các bị cáo.

Tòa cũng cho rằng cấp sơ thẩm đã đánh giá cụ thể vai trò của từng bị cáo, cấp phúc thẩm không có tình tiết nào đặc biệt nào nên quyết định y án sơ thẩm.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên