02/05/2015 08:40 GMT+7

​Nên giải quyết cho chị Hồng hưởng trọn số tiền

TT -  Ngày 1-5, vụ 5 triệu yen chứa trong thùng loa tiếp tục nhận được nhiều ý kiến quan tâm của bạn đọc. Sau đây là hai ý kiến đề xuất xử lý vụ việc này.

Đến thời điểm này (sau một năm kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không có ai đến nhận, bà Ngọt không chứng minh được mình là vợ của chủ sở hữu) có thể cho rằng 5 triệu yen là tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu.

Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng có thể căn cứ vào hai điều luật liên quan (điều 187 và điều 239 Bộ luật dân sự) để giải quyết cho chị Hồng được quyền sở hữu số tiền này.

Về thủ tục, nếu có ý kiến cho rằng Sở Tài chính TP.HCM sẽ là nơi tiếp nhận, quản lý và xử lý số tiền theo quy định nghị định 96/2009 của Chính phủ thì tôi lại có ý kiến ngược lại.

5 triệu yen nằm trong chiếc loa cũ là tài sản bị bỏ quên, chứ không phải tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được khai quật, trục vớt ở đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định 96/2009 nên không thể áp dụng theo nghị định này.

Thay vào đó, khi đang tiếp nhận bảo quản số tiền thì Công an quận Tân Bình có thể ra văn bản giao số tiền cho chị Hồng được sở hữu.

Về tỉ lệ số tiền được sở hữu, xuất phát từ chỗ đó là vật do người khác bỏ quên (cất giấu trong loa rồi quên) nên cũng có ý kiến cho là chị Hồng sẽ được hưởng hơn 50% số tiền nói trên (gồm có 10 tháng lương tối thiểu cộng với 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu), phần còn lại sẽ thuộc về Nhà nước (theo điều 241 Bộ luật dân sự).

Tuy nhiên, trường hợp của chị Hồng không thể đơn thuần áp dụng theo điều luật này vì chị không nhặt được mà là phát hiện số tiền.

Vậy nên khi đã xác định số tiền đó là tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu thì nên áp dụng khoản 2 điều 239 Bộ luật dân sự để xác lập quyền sở hữu toàn bộ 5 triệu yen cho chị Hồng. Cách làm này vừa đơn giản cũng vừa hợp lý hợp tình. (Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO (Đoàn luật sư TP.HCM)

* Ông PHẠM ĐÌNH CƯỜNG (nguyên cục trưởng Cục Công sản, Bộ Tài chính):

Trách nhiệm thuộc về Sở Tài chính TP.HCM

Theo nghị định 96 của Chính phủ (ban hành ngày 30-10-2009) quy định về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam, Sở Tài chính có trách nhiệm xác định chủ sở hữu tài sản bị chôn giấu hoặc được tìm thấy.

Trong câu chuyện người nhặt ve chai phát hiện 5 triệu yen trong thùng loa cũ, người nhặt của rơi báo cho Công an quận Tân Bình là đúng quy định. Nay có người lên tiếng nhận là chủ tài sản này thì Công an quận Tân Bình phải chuyển hồ sơ vụ việc để Sở Tài chính xác định chủ sở hữu.

Sở Tài chính chủ trì, đánh giá chứng cứ và xác định tài sản trên thuộc về ai. Ngay cả trường hợp không có người lên tiếng nhận tài sản vào “phút 89” thì Sở Tài chính cũng là cơ quan có trách nhiệm công nhận số tiền 5 triệu yen kia thuộc sở hữu của ai.

K.YÊN ghi

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên