28/04/2015 10:51 GMT+7

Người nhận là chủ nhân chiếc loa chứa 5 triệu yen nói gì?

ĐỨC THANH - MAI HOA
ĐỨC THANH - MAI HOA

TT - Bà Phạm Thị Ngọt (ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) nói chiếc loa là của chồng bà, bà không biết trong đó có tiền nên đã cho người anh họ dùng và người anh đã bán ve chai cho chị Hồng.

Bà Phạm Thị Ngọt, người vừa xuất hiện tự nhận mình là chủ nhân của 5 triệu yen trong chiếc loa cũ - Ảnh: Đức Thanh

Hôm qua 27-4, người mua bán ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng nhận được thông báo của Công an quận Tân Bình (TP.HCM) về việc có người tới xin nhận số tiền 5 triệu yen vì cho rằng là tiền của mình.

27-4 chính là ngày cuối cùng của thời hạn một năm mà bà Hồng có thể nhận được số tiền trên.

Chiều 27-4, PV Tuổi Trẻ đã gặp gỡ người phụ nữ xuất hiện đúng lúc này để tìm hiểu câu chuyện về chiếc loa thùng cũ chứa số tiền lớn mà trước đó bà Hồng đã mua.

Cất tiền vào loa rồi... quên mất?

Đó là bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, quê Quảng Nam, tạm trú tại xã Xuân Thới Đông 2, H.Hóc Môn, TP.HCM). Bà Ngọt hiện là chủ một công ty chuyên kinh doanh quần áo thời trang.

Theo lời bà Ngọt, số tiền trên là của chồng bà - ông Afolayan Caleb, quốc tịch Nam Phi, dành dụm được và cất giấu trong loa thùng nhưng sau đó quên mất.

Công an không có hình thức xử lý gì

Thượng tá Nguyễn Đức Thiệu - đội trưởng đội cảnh sát điều tra tổng hợp Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) - cho biết vụ việc này đang do một điều tra viên thụ lý xác minh.

Đến nay, Công an Q.Tân Bình vẫn chưa xem xét trả số tiền 5 triệu yen cho bà Hồng do chưa có kết quả xác minh cuối cùng. Thượng tá Thiệu cho biết thêm đây không phải là vụ án hình sự nên phía công an sẽ không có hình thức xử lý gì.

Bà Ngọt cho biết theo lời kể của ông Afolayan Caleb, năm 2003-2005 ông là giáo viên dạy tiếng Anh tại Nhật, đồng thời làm thêm nghề mua bán phụ tùng ôtô. Tại đây, ông có tích lũy được một số tiền hơn 100 triệu yen.

Sau đó, ông Afolayan Caleb đi du lịch qua Thái Lan, Campuchia... Khi đến Việt Nam năm 2009 thì gặp bà Ngọt, cả hai dọn về căn nhà trọ ở Hóc Môn sống chung.

Thời gian này, có lần ông Afolayan Caleb nói cho bà biết có cất một số tiền khoảng 6 triệu yen trong một cái hộp, quyển sách hay tủ nào đó trong mớ đồ đạc lỉnh kỉnh mà ông mang về căn nhà trọ, nhưng ông không nhớ chính xác ở đâu.

Sau đó, nhiều lần bà Ngọt cùng chồng tìm trong mớ đồ đạc của ông nhưng không thấy.

Đến tháng 6-2013, ông Afolayan Caleb về nước, sau đó đầu tháng 9-2013 bà dọn nhà thì để bộ loa máy tính mà ông Afolayan Caleb hay sử dụng gắn vào máy tính xách tay để nghe nhạc ra hành lang nhà trọ mà không biết bên trong đó có tiền.

Đến đầu tháng 11-2013, người anh họ của bà Ngọt là ông P.Đ.H. đến chơi thì bà Ngọt cho ông bộ loa nói trên.

Ông P.Đ.H. mang loa về nhà nhưng do không sử dụng được nên để vào thùng rác. Khoảng giữa tháng 11-2013, có một phụ nữ bịt kín mặt vào nhà ông H. mua ve chai. Lúc này ông H. cho người mua ve chai bộ loa.

Bà Ngọt kể khoảng tháng 3-2015, đọc báo Tuổi Trẻ Online mới thấy thông tin về người lượm ve chai phát hiện 5 triệu yen Nhật trong thùng loa cũ. Lúc này bà mới nhớ lại chuyện trước.

Bà nói: “Tôi biết chắc số tiền mà bà Hồng phát hiện là của chồng tôi. Vì vậy, ngày 3-4 tôi đã trình báo sự việc với Công an Q.Tân Bình”.

Công an và Tòa án Q.Tân Bình hướng dẫn bà thông báo cho ông Afolayan Caleb trực tiếp làm đơn xin nhận lại tài sản (5 triệu yen). Đồng thời, tường trình chi tiết thông tin ông để tiền ra sao trong thùng loa, cũng như cung cấp các chứng cứ về số tiền này.

Do thời hạn ngày 28-4, Công an Q.Tân Bình sẽ trả số tiền trên cho bà Hồng, nên ngày 24-4 bà Ngọt đã làm đơn gửi Công an Q.Tân Bình xin hoãn trả tiền cho bà Hồng để bà báo tin cho chồng hiện đang ở Nigeria biết.

Khi bà Ngọt kể cho chồng nghe sự việc, ông Afolayan Caleb đã nhớ lại và nói sẽ sắp xếp công việc để qua Việt Nam giải quyết. Trường hợp nếu bận công việc, ông sẽ làm giấy ủy quyền để bà Ngọt làm việc với các cơ quan chức năng.

“Tôi cam đoan những việc tôi kể là sự thật” - bà Ngọt nói.

Bà Hồng kể chuyện có người đến phòng trọ của bà đòi số tiền 5 triệu yen - Ảnh: Đức Thanh

Quá mỏi mệt và phiền phức

Tại buổi làm việc sáng 27-4, Công an Q.Tân Bình thông báo cho bà Huỳnh Thị Ánh Hồng biết thông tin về việc bà Ngọt xin nhận lại số tiền trên. Cơ quan này đã tạm hoãn thời gian trao trả số tiền lại để xác minh xem bà Ngọt có phải là chủ nhân thật sự của số tiền đó hay không.

“Trưa 14-4, có một số người đến nhà trọ tôi đang ở, trong đó có bà Ngọt. Bà này yêu cầu tôi cho một cái hẹn để gặp mặt người anh họ của bà, để xem có phải tôi là người đã mua cái máy đài mà ông ta bán trước đó hay không.

Bà Ngọt nói tìm gặp tôi để giải quyết. Nhưng tôi nói tiền tôi đã nộp lên công an quận rồi, nếu bà muốn biết chứng cứ hay kiện cáo thì lên công an quận để họ giải quyết. Tôi không biết gì về bà và tôi không tranh chấp gì với bà” - bà Hồng nói.

Bà còn cho biết thêm khi bà Ngọt cứ đòi cho một cuộc hẹn gặp nhưng bà không đồng ý, bà Ngọt đã lấy điện thoại chụp hình mặt bà. Lúc đó, bà Hồng phải gọi điện báo công an phường.

Bà Hồng nói dịp lễ này có thể sẽ về quê để nghỉ ngơi sau thời gian mệt mỏi vừa rồi: “Liên tục những ngày gần đây, tôi nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn có nội dung đề nghị trả số tiền 5 triệu yen cho Chính phủ Nhật, rồi họ sẽ cho lại tôi một khoản tiền để tiêu xài và tìm kiếm việc làm đàng hoàng cho tôi. Tuy nhiên, tôi đã từ chối tất cả các lời đề nghị đó”.

Bà Ngọt chỉ nơi ông Caleb để bộ loa vi tính có tiền yen Nhật - Ảnh: Đức Thanh

Không có chế tài xử lý người “nhận bừa”

Theo lời bà Hồng, công an quận cho hay có nhận được đơn nhận tài sản của hai người, trong đó có đơn một người đàn ông do không có cơ sở, chứng cứ để chứng minh nên đã bị bác, còn lại là đơn của bà Ngọt.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Trí, chánh án TAND Q.Tân Bình, cho biết khi đến xin nhận số tiền, bà Ngọt phải có nghĩa vụ đưa ra các chứng cứ để chứng minh số tài sản đó là của mình. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an sẽ xác minh các chứng cứ này.

“Tuy nhiên, nếu như những gì bà Ngọt trình bày là đúng thì người đứng đơn yêu cầu giải quyết đối với tài sản này phải là chồng bà. Còn trường hợp không đủ căn cứ để chứng minh bà này là chủ tài sản, thì hiện nay pháp luật chưa có quy định chế tài nào để xử lý” - ông Trí nói.

Cùng quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng để nhận được số tiền này, bà Ngọt buộc phải chứng minh được nguồn gốc tài sản, chẳng hạn như hóa đơn chứng từ mua loa, biết được các đặc điểm nhận dạng, nguồn gốc xuất xứ, đặc điểm chiếc loa...

“Theo quy định của Bộ luật dân sự, nếu không chứng minh được bà Ngọt là chủ tài sản thì theo quy định, bà Hồng sẽ nhận được toàn bộ số tiền trên. Ngược lại, nếu cơ quan công an xác định được bà Ngọt là chủ sở hữu thì phải trả lại toàn bộ cho bà Ngọt” - ông Hậu phân tích.

ĐỨC THANH - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên