24/12/2014 15:14 GMT+7

Luật sư đề nghị hủy phần dân sự liên quan đến ACB

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Đó đề nghị luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền lợi của ACB) trong phần tranh luận với kiến nghị của VKS sáng 24-12 khi đề nghị bác kháng cáo của ACB và 19 nhân viên ACB.

 
Huyền Như tại tòa chiều 24-12 - Ảnh: Hoàng Điệp

Theo luật sư Tám, hành vi chiếm đoạt tiền của Huyền Như đối với 19 nhân viên ACB không khác gì hành vi chiếm đoạt tiền của bị cáo này với 5 công ty: Phương Đông, An Lộc, Toàn Cầu, SBBS, Hưng Yên với tổng số tiền là 1.085 tỷ đồng, nhưng với 5 công ty trên thì VKS xác định Huyền Như đã chiếm đoạt tiền của VietinBank và hành vi của Như có dấu hiệu của tội tham ô, còn đối với 718 tỷ của ACB lại được xác định là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Theo tôi, vụ việc gửi 718 tỷ đồng từ ACB vào VietinBank so với 5 công ty kia là giống về hình thức, về nội dung và bản chất vấn đề”, bởi vậy luật sư Tám đề nghị hủy phần dân sự liên quan đến ACB để không ảnh hưởng đến quyền lợi của ACB.

Trước đó, VKS tối cao giữ quyền công tố tại tòa phúc thẩm đã xác định: cấp sơ thẩm quy kết Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 công ty trên là không đúng pháp luật, không đúng bản chất vụ việc, làm sai tư cách tố tụng dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho cả 5 đơn vị về quyền và lợi ích hợp pháp.

Trong phần xét kháng cáo của ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và 19 nhân viên, VKS đánh giá: các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ và kết quả thẩm vấn công khai tại tòa cho thấy Huyền Như biết được ACB có chủ trương ủy thác gửi tiền để lấy lãi suất cao trái pháp luật.

Với ý định chiếm đoạt tiền của ngân hàng ACB, Như đã móc nối thông qua Huỳnh Thị Bảo Ngọc, phó phòng quản lý quỹ của ACB để nhận tiền gửi của ngân hàng này.

Sau đó, Như đã dẫn dụ các nhân viên ACB đứng tên ký hợp đồng gửi tiền vào VietinBank là 718 tỷ đồng để hưởng lãi suất chênh lệch, trong đó có 50 tỷ gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè, và 668 tỷ gửi vào VietinBank TP.HCM.

Như đã móc nối với Bảo Ngọc để đặt vấn đề, thỏa thuận lãi suất đối với các khoản tiền này. Để dễ bề thao túng và chiếm đoạt tiền, Như đã trả riêng cho Bảo Ngọc 3,3 tỷ đồng chênh lệch qua tài khoản của Huỳnh Thị Chiêu Uyên (chị gái của Ngọc).

Do có sự móc nối trước nên chỉ trong một ngày, Ngọc đã hướng dẫn cho 17 nhân viên làm thủ tục ký hợp đồng, ủy thác tạm ứng tiền, mở tài khoản thanh toán tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ và chuyển tiền vào.

Sau khi hợp đồng được ký, 17 nhân viên này không được giữ hợp đồng mà phải chuyển lại cho Bảo Ngọc để quản lý. Sau khi chuyển 668 tỷ đồng vào tài khoản tiền gửi thanh toán của các cá nhân, Như đã trích luôn 10 tỷ trả cho ACB.

Trong quá trình mở tài khoản tiền gửi thanh toán, các nhân viên ACB có hàng loạt sai phạm sơ hở để Như lợi dụng chiếm đoạt, đó là thực hiện giao dịch bất hợp pháp theo yêu cầu của Bảo Ngọc.

Ngay từ khi mở tài khoản này, các nhân viên đều có mục đích để ACB chuyển tiền đầu tư trái phép vào, những nhân viên này chỉ đứng tên về mặt hình thức, họ không có giao dịch về các khoản tiền gửi thanh toán đứng tên họ. Tất cả nhân viên đều biết các giao dịch này là bất hợp pháp.

Sau khi ký hợp đồng tiền gửi, các nhân viên đã ký giấy đề nghị chuyển tiền của họ sang tài khoản tiền gửi tiết kiệm, trái với thỏa thuận về hợp đồng tiền gửi mà họ đã ký với lãnh đạo với VietinBank TP.HCM.

Thậm chí ký cả các lệnh chuyển tiền gửi thanh toán trả cho các khoản nợ cá nhân, giúp Như dễ dàng chiếm đoạt tiền của ACB.

Hành vi của Như là dùng thủ đoạn gian dối đánh tráo giấy đề nghị mở tài khoản cá nhân, giả chữ ký mẫu, dẫn dụ nhân viên ACB chuyển tiền vào VietinBank rồi đánh lừa nhân viên ACB làm lệnh chi khống rồi chiếm đoạt.

VKS nhận định ACB là một ngân hàng thương mại, biết rất rõ những quy định về hoạt động và nghiệp vụ ngân hàng và hoàn toàn có khả năng kiểm tra nguồn tiền dù đã được gửi vào VietinBank.

Tuy nhiên, những người được giao nhiệm vụ theo dõi hoàn toàn vì động cơ, mục đích cá nhân nên đã bỏ mặc không quan tâm.

Việc mất tiền của ACB xuất phát từ lỗi của lãnh đạo ACB, của Huỳnh Thị Bảo Ngọc và của nhân viên ACB, tạo điều kiện thuận lợi cho Như chiếm đoạt.

Chính ACB đã đặt mình vào giao dịch trái pháp luật nên không được pháp luật bảo vệ, và vì lý do đó, ACB phải chịu trách nhiệm về việc bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 718 tỷ đồng.

VietinBank ở trường hợp này không có lỗi.

Vụ án vẫn đang được tiếp tục với phần tranh tụng.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên