22/12/2014 11:08 GMT+7

Bị cáo khai nhân viên VietinBank làm theo chỉ đạo dù biết sai

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Lời khai của các bị cáo nguyên là nhân viên VietinBank tại TP.HCM và Nhà Bè cho thấy chỉ cần sếp của VietinBank gọi điện, các nhân viên sẽ thực hiện lệnh dù biết sai. 

Các bị cáo tại tòa sáng 22-12 - Ảnh: Hoàng Điệp
Bị cáo Huyền Như tại tòa - Ảnh: Hoàng Điệp

Do sếp chỉ đạo

Sáng 22-12, phiên tòa xử phúc thẩm Huyền Như và đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên VietinBank tại phòng giao dịch Võ Văn Tần, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè thuộc nhóm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, bị cáo Lương Việt Yên (nguyên trưởng phòng) đã có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo này cho rằng mình có một phần lỗi trong việc mở tài khoản cho hai khách hàng là Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm (nhân viên nhận ủy thác của ACB) khi thực hiện phần hậu kiểm nhưng không phát hiện ra việc không đúng quy trình, giúp Như chiếm đoạt 50 tỷ đồng.

Hồ sơ vụ án cho thấy lấy danh nghĩa huy động tiền cho VietinBank Nhà Bè, Như đã yêu cầu Nguyệt và Năm mở tài khoản tại chi nhánh này.

Nguyệt và Năm đã đưa bản photo CMND, ký giấy đề nghị mở tài khoản và ký xác nhận mẫu chữ ký cho Võ Anh Tuấn (phó giám đốc VietinBank Nhà Bè) để mở tài khoản. Tuấn không đem hồ sơ có chữ ký thật của hai người này cho bộ phận làm thủ tục mà giao cho Trần Thị Tố Quyên đem về cho Như.

Do có ý định chiếm đoạt số tiền này, Như đã ký giả chữ ký của Nguyệt và Năm trên 2 bộ hồ sơ mở tài khoản khác, rồi giao cho Quyên đem đến Phòng giao dịch Võ Văn Tần để mở tài khoản.

Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của Năm và Nguyệt tại VietinBank Nhà Bè, Như lập giả các lệnh chi để chuyển 50 tỷ đồng sang tài khoản Trần Thị Tố Quyên tại VietinBank Nhà Bè rồi chiếm đoạt.

Lời khai tại tòa của 3 bị cáo Lương Việt Yên, Hồ Hải Sỹ (phó phòng) và Lê Thị Ngọc Lợi (giao dịch viên phòng giao dịch Võ Văn Tần), sau khi nhận điện thoại của Võ Anh Tuấn, Việt Yên đi họp nên đã chỉ đạo cho Hồ Hải Sỹ mở tài khoản cho 2 khách hàng lớn của Tuấn.

Sỹ chỉ đạo Ngọc Lợi mở tài khoản sẵn và sau đó Tố Quyên mang hồ sơ giả đến bổ sung.

Hậu quả của việc này là Huyền Như đã chiếm đoạt 50 tỷ đồng.

Nhân viên nói oan, đại diện VietinBank nói không thể kêu oan giúp!

Bản án sơ thẩm xác định Vũ Nguyễn Xuân Tiên (39 tuổi, Phó phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) là người ký duyệt hồ sơ tín dụng và ký giải ngân đối với 6 khoản vay cho Trần Thị Tố Quyên và Phan Văn Long (do Huyền Như nhờ đứng tên) với tổng số tiền 33 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là thẻ tiết kiệm của cá nhân là nhân viên ngân hàng ACB và NaviBank.

Bản án sơ thẩm tuyên phạt Tiên 11 năm tù, Tiên kháng cáo kêu oan.

Trong phần xét hỏi tội “vi phạm quy định về cho vay” tại tòa, bị cáo Tiên cũng khẳng định mình bị oan bởi khi ký duyệt 6 khoản vay trên, kiểm tra hồ sơ đều có đầy đủ chữ ký, không làm trái quy trình nghiệp vụ.

HĐXX đưa ra 2 bút lục là lời khai của Tiên thừa nhận Tiên đã làm sai quy định về cho vay, Tiên khẳng định, lời khai đó do điều tra viên đánh máy sẵn, rồi ép bị cáo ký trong tình trạng tinh thần hoảng loạn.

Ngoài việc khẳng định mình bị oan, Xuân Tiên cũng yêu cầu luật sư bào chữa chuyển HĐXX bằng chứng cho thấy 5/6 số hồ sơ mà Tiên đã ký duyệt không liên quan đến vụ án này.

Tại tòa, luật sư của Tiên hỏi đại diện VietinBank là có bằng chứng cho thấy các nhân viên của VietinBank bị oan, thì có kêu oan giúp không?

Luật sư Nguyễn Tiến Hùng (đại diện cho VietinBank) nói rằng về tình cảm thì bản thân VietinBank không bao giờ muốn các nhân viên của mình vi phạm pháp luật, nhưng về mặt pháp luật thì VietinBank không đánh giá hành vi của nhân viên đó là sai hay đúng, do đó, VietinBank không thể kêu oan cho nhân viên.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo phạm tội cho vay nặng lãi.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên